Thứ ba 23/04/2024 15:23 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866

Dự án “Tinh hoa làng nghề Việt Nam” xây dựng không phép

19:19 | 27/04/2020

(Xây dựng) – Dự án “Tinh hoa làng nghề Việt Nam” đã thi công gần hai năm qua với lối kiến trúc “lạ mắt” trên thửa đất rộng hàng nghìn m2, nhưng không được cấp giấy phép xây dựng. Điều lạ là trong suốt thời gian công trình thi công xây dựng, không hề bị các cơ quan chức năng kiểm tra và xử lý.

du an tinh hoa lang nghe viet nam xay dung khong phep
Dự án “Tinh hoa làng nghề Việt Nam” xây dựng không phép do Công ty TNHH Gốm sứ Quang Vinh làm chủ đầu tư.

Không giấy phép vẫn “ung dung” xây dựng

Như Báo điện tử Xây dựng đã thông tin, dự án “Tinh hoa làng nghề Việt Nam” được xây dựng tại khu vực ven sông giáp làng Bát Tràng (huyện Gia Lâm, Hà Nội) từ năm 2018. Dự án được xây dựng với số vốn ước tính hơn 100 tỷ đồng (tương đương hơn 4 triệu USD), mặt bằng diện tích 3.300m2 gồm có nhiều công năng, giới thiệu sản phẩm gốm sứ, mây tre đan, lụa, đồ gỗ, tò he, hàng thủ công mỹ nghệ...

Theo kế hoạch ban đầu, dự án này sẽ được khánh thành vào cuối năm 2019, tuy nhiên đến nay công trình này vẫn chưa được hoàn thiện, nhiều hạng mục vẫn còn dở dang. Đồng thời, người dân có phản ánh về việc dự án này triển khai thi công khi chưa có giấy phép xây dựng.

Tại buổi làm việc với phóng viên Báo điện tử Xây dựng ngày 23/4, đại diện UBND xã Xuân Quan (huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên) và UBND xã Bát Tràng (huyện Gia Lâm, Hà Nội) đều không thừa nhận công trình xây dựng này thuộc địa phận địa phương mình quản lý.

Tiếp tục tìm hiểu về dự án, ngày 27/4 phóng viên Báo điện tử Xây dựng đã có buổi làm việc với ông Lưu Duy Dần – Chủ tịch Hiệp hội làng nghề Việt Nam và bà Hà Thị Vinh - Phó Chủ tịch Hiệp hội làng nghề Việt Nam, Chủ tịch Hiệp hội thủ công mỹ nghệ và làng nghề Hà Nội, đồng thời là Giám đốc Công ty TNHH Gốm sứ Quang Vinh.

Qua trao đổi, ông Dần thông tin: Hiệp hội làng nghề Việt Nam không phải chủ đầu tư dự án “Tinh hoa làng nghề Việt Nam”. Làng nghề bây giờ khó khăn lắm, dự án này là cần thiết, rất mong báo nên giúp bằng cách chỉ ra cái gì cần sửa, cái gì nên làm và không nên làm.

Về phía bà Hà Thị Vinh cho biết: Dự án “Tinh hoa làng nghề Việt Nam” do Công ty TNHH Gốm sứ Quang Vinh làm chủ đầu tư, nguồn vốn do Công ty bỏ ra phối hợp hoạt động với Hiệp hội làng nghề Hà Nội. Hiệp hội làng nghề Việt Nam không có tài chính, nên chúng tôi chỉ báo cáo kế hoạch và được Hiệp hội ủng hộ.

Khu đất để xây dựng dự án đã được UBND tỉnh Hưng Yên cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâu dài từ ngày 1/11/2001. Trước đây tại vị trí này có công trình xây dựng 3 tầng, 1 tum là văn phòng Công ty TNHH Gốm sứ Quang Vinh và đã hoạt động 30 năm trên mảnh đất này.

Khi phóng viên đề cập đến giấy phép xây dựng của dự án, bà Vinh cho biết: “Đất này thuộc quyền quản lý của tỉnh Hưng Yên nên chúng tôi có làm việc với Sở Xây dựng Hưng Yên. Chúng tôi có gửi hồ sơ đến phòng Quy hoạch (phòng Quy hoạch – Kiến trúc Sở Xây dựng Hưng Yên – PV) để xem xét, nếu đủ điều kiện pháp lý thì chúng tôi xin cấp giấy phép, nhưng các anh có nói rằng, phải chuyển giấy chứng nhận sử dụng đất lâu dài sang hợp đồng cho thuê 50 năm. Còn những doanh nghiệp không thuê đất của Nhà nước thì không cấp giấy phép, nếu thế chị chuyển thì chị sẽ thiệt, trước kia chị xây thấp tầng như thế, bây giờ chị cũng xây như thế thì chị cứ làm bình thường thôi”.

Phóng viên tiếp tục đặt ra câu hỏi, vậy ai hướng dẫn việc này? Bà Vinh cho biết: Cái này là các anh ấy hướng dẫn như thế, người ta cũng chỉ nói bằng miệng thôi. Muốn người ta cấp cho thì phải sang Sở Kế hoạch và Đầu tư chuyển đổi mảnh đất này. Như thế, rõ ràng là rất thiệt vì đây là mảnh đất của Quang Vinh bỏ tiền ra mua. Đồng thời bà Vinh cho rằng, việc “thiếu” giấy phép xây dựng là thiếu sót trong điều kiện “bất khả kháng”.

Bà Vinh cho biết thêm, tôi chỉ nghĩ rằng xin giấy phép để khi xây dựng có hóa đơn đầu vào thì sau này được hoàn thuế, mình chỉ nghĩ thế thôi chứ mình cũng không nghĩ được rằng phiền hà. Trước kia xây dựng 3 tầng thì bây giờ cũng 3 tầng, chỉ thay đổi diện mạo chút, chiều cao không thay đổi thì tôi cứ thế xây dựng thôi.

du an tinh hoa lang nghe viet nam xay dung khong phep
Bà Hà Thị Vinh - Phó Chủ tịch Hiệp hội làng nghề Việt Nam, Chủ tịch Hiệp hội thủ công mỹ nghệ và làng nghề Hà Nội, Giám đốc Công ty TNHH Gốm sứ Quang Vinh tại buổi làm việc với phóng viên Báo điện tử Xây dựng ngày 27/4.

Vai trò của chính quyền tỉnh Hưng Yên ở đâu?

Có thể thấy rằng, việc để xảy ra sai phạm tại công trình này đã rõ, tuy nhiên theo như thông tin bà Vinh cho biết thì: “Trong suốt quá trình xây dựng không có đơn vị nào đến lập biên bản xử phạt”. Điều này khiến dư luận đặt ra câu hỏi, phải chăng các cơ quan chức năng đang buông lỏng quản lý hay “làm ngơ” trước sai phạm?

Phóng viên Báo điện tử Xây dựng tiếp tục có cuộc trao đổi nhanh với ông Chu Quốc Hiệu – Chủ tịch UBND huyện Văn Giang. Ông Hiệu cho biết: Khi nhận được phản ánh của báo chí, huyện đã yêu cầu xã báo cáo rõ xem ranh giới cụ thể thế nào, trách nhiệm đến đâu, đồng thời phê bình Phó Chủ tịch UBND xã Xuân Quan khi trả lời vội vàng, lẽ ra phải rà soát lại xem ranh giới cụ thể ra sao. Đồng thời, huyện đã giao cho 2 đồng chí Trưởng phòng Kinh tế và Hạ tầng và Tài nguyên và Môi trường sang trực tiếp làm việc với Công ty TNHH Gốm sứ Quang Vinh. Về việc họ có xin giấp phép xây dựng hay không thì đến thời điểm này huyện không nhận được bất cứ văn bản nào. Hôm qua (ngày 26/4), huyện đã yêu cầu xã ra lập biên bản yêu cầu dừng lại tất cả việc đầu tư xây dựng rồi.

Trao đổi rõ hơn về nội dung này, Trưởng phòng Kinh tế và Hạ tầng, huyện Văn Giang cho biết: Thứ 6 (ngày 23/4) có thấy báo đăng tải nội dung, tôi cũng có điện cho Chủ tịch UBND xã Xuân Quan yêu cầu họ kiểm tra lại, đồng thời tôi có điện xuống Sở Xây dựng tỉnh Hưng Yên. Các anh tại Sở Xây dựng tỉnh Hưng Yên cho biết, đất này là cấp lâu dài nên không thuộc thẩm quyền của Sở.

Chủ tịch UBND xã Xuân Quan cho biết, ngày hôm nay (27/4) có mời Công ty TNHH Gốm sứ Quang Vinh xuống làm việc, yêu cầu cung cấp tất cả các giấy tờ liên quan. Kết quả như thế nào sẽ báo cáo UBND huyện Văn Giang trước ngày 30/4. Đất này ở khu vực hẻo lánh, giáp xã Bát Tràng, ven bờ sông Bắc Hưng Hải nên anh em cũng ít khi lên đấy nên công tác phát hiện cũng chậm.

“Các dự án của doanh nghiệp là phải cấp, việc cấp phép cho các doanh nghiệp đầu tư trên địa bàn là do Sở Xây dựng cấp. Đất mà xây dựng công trình mang tính chất không phải nhà ở riêng lẻ, cho thuê, kinh doanh là buộc phải xin phép. Tôi cũng có hỏi bên Sở Xây dựng Hưng Yên, họ thông tin: Bà Vinh có mang hồ sơ xuống xin Sở Xây dựng cấp phép, nhưng nguồn gốc đất lại ghi là đất lâu dài nên Sở Xây dựng không cấp, nên chúng tôi cũng đang yêu cầu xã làm việc cụ thể về nguồn gốc đất của dự án này”- Ông Trưởng phòng Kinh tế và Hạ tầng, huyện Văn Giang thông tin.

Có thể thấy, đây là một dự án đang được xây dựng bất chấp pháp luật, dù thuộc địa phận UBND xã Xuân Quan quản lý, nhưng Phó Chủ tịch UBND xã Xuân Quan lại cho rằng, đây không thuộc quản lý của địa phương. Rõ ràng, UBND xã Xuân Quan đang buông lỏng quản lý, thiếu trách nhiệm trong việc kiểm tra. Ngoài ra việc để xảy ra công trình không phép “khủng” này, cũng một phần trách nhiệm thuộc về Sở Xây dựng tỉnh Hưng Yên, vì vậy UBND tỉnh Hưng Yên nhanh chóng thanh tra làm rõ.

Liên quan đến những vi phạm của dự án “Tinh hoa làng nghề Việt Nam” và trách nhiệm của các bên liên quan, Báo điện tử Xây dựng sẽ tiếp tục thông tin./.

Khánh An – Thanh Thanh

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load