Triển khai từ năm 2008 với tổng mức đầu tư 9,2 tỷ USD, Dự án lọc hóa dầu Nghi Sơn tiếp tục chậm tiến độ, dù đã tập trung thi công cả đợt Tết âm lịch vừa qua.
Theo báo cáo của DN này khi làm việc với Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cách đây vài ngày, tới nay dự án đã giải ngân được 7,2 tỷ USD, tương đương tiến độ giải ngân là 96,5%. Theo kế hoạch, tới quý I-2018, lọc hóa dầu Nghi Sơn sẽ chính thức chạy thương mại, nhưng đến nay, nhà máy chưa nghiệm thu được phần cơ khí (chậm nghiệm thu 5 tháng) vì những phức tạp của hợp phần này; dự án cũng chưa chuẩn bị xong các điều kiện để được cơ quan chức năng cấp phép chạy thử.
Trước đó, tại hội nghị khách hàng tổ chức vào cuối tháng 1-2017, ông Đinh Văn Ngọc – Phó Tổng giám đốc Lọc hóa dầu Nghi Sơn cho biết: Đến thời điểm đó, dự án đã thực hiện đến tháng thứ 42, dù theo hợp đồng EPC đã ký thì 40 tháng là phải hoàn thiện cơ khí (tức chạy thử thành công tất cả các phân xưởng phụ trợ, ngoại vi, các hạng mục bồn bể, jetty). Tại thời điểm đó, các nhà thầu phấn đấu quyết tâm đến tháng thứ 43, cụ thể là ngày 28-2 sẽ bàn giao hoàn thiện cơ khí và chuyển toàn bộ công trường cho chủ đầu tư. Thời điểm đó, dù cận Tết Nguyên đán, trên công trường vẫn có 16.000 công nhân lao động, cộng với 2.000 – 3.000 lao động gián tiếp là 19.000 người, trong đó có 17.000 là người Việt Nam.
“Hợp đồng EPC trị giá 5,2 tỷ USD, mức phạt chậm hợp đồng rất lớn, nên tổng thầu đang nỗ lực làm sớm ngày nào tốt ngày đó. Vừa rồi, nhà thầu đã huy động thêm 3.000 người trên công trường, đều là thợ giỏi, kể cả thợ hàn từ Nhật sang để thúc đẩy tiến độ. Mỗi người được thưởng trực tiếp 50 USD/ngày để thi công cả trong dịp Tết, dự kiến sẽ có 3.000 người trên công trường” – ông Ngọc thông tin thêm.
Càng cận ngày về đích, dự án lọc hóa dầu Nghi Sơn càng phát sinh nhiều vấn đề khó giải quyết.
Theo một văn bản của Ban dự án lọc hóa dầu Nghi Sơn, tổng thầu JGCS sẽ hỗ trợ thêm 80 USD (1.800.000 đồng)/người/ngày đối với giám sát, an toàn và 50 USD/ngày (1.100.000 đồng)/người/ngày đối với công nhân, lái xe, bảo vệ. Tuy nhiên, nỗ lực này cũng không đưa Nghi Sơn về đích được đúng hạn, phá vỡ cả kế hoạch nhập lô dầu thô đầu tiên (khoảng 300.000 tấn) vào tháng 4-2017, để đến giữa tháng 7 sẽ chạy thử nhà máy và cuối tháng 8 sẽ cho ra sản phẩm thương mại đầu tiên.
Chậm tiến độ không phải là vấn đề duy nhất của Nghi Sơn. Điểm cốt yếu của dự án chính là hạ tầng giao nhận quá bất cập, khiến các khách hàng (đặc biệt là khách hàng lớn nhất Petrolimex) chê lên, chê xuống. Ông Nguyễn Quang Kiên – Phó Tổng giám đốc Petrolimex cho rằng, Nghi Sơn đã quá tập trung vào xây dựng nhà máy hoành tráng mà không quan tâm đến đầu ra, nên hạ tầng giao nhận hoàn toàn không đáp ứng được yêu cầu.
“Các anh có 3 cầu cảng, tối đa 3 vạn tấn, còn lại 3-5 nghìn và 10 nghìn tấn, xuất tất cả các sản phẩm LPG, hóa dầu... thì không tránh được cảnh chờ đợi. Chưa kể luồng chưa được công bố, các bãi, vũng neo đậu tàu, tàu kéo, tránh trú bão... Giờ các anh bảo có bão thì chạy ra Hải Phòng để đợi thì chúng tôi đi chỗ khác mua vì quá tốn kém. Tôi phải tính giá đưa tận về nơi tiêu thụ có cạnh tranh được với hàng nước ngoài không” – ông Kiên nêu quan điểm.
Không chỉ có hạ tầng đường biển, đường xuất bộ của Nghi Sơn cũng bị chê tơi bời, khi hạ tầng chỉ nhằm mục đích xuất 5% công suất, trong khi theo các đầu mối, nhu cầu xuất bộ có thể lên đến 30% công suất nhà máy. Đại diện cho Công ty Hưng Long – 1 trong 27 đầu mối lớn cho rằng, đường xuất bộ của Nghi Sơn có 4 họng cấp, riêng tỉnh Thanh Hóa cũng không đủ, trong khi vùng bán sản phẩm có thể có bán kính đến 350km.
Đại diện Skypec và Công ty cổ phần Nhiên liệu bay Petrolimex cũng nêu rõ họ đã đề xuất 1 đường xuất bộ cho nhiên liệu bay Jet A1 để cấp cho các sân bay quanh khu vực, nhưng phía Nghi Sơn lại không chuẩn bị hạ tầng cho nhu cầu này. Các đầu mối đã ra “tối hậu thư” bổ sung năng lực xuất bộ Jet A1 như 1 gói để họ nhập cả thủy cả bộ đối với sản phẩm của nhà máy này.
Tiêu chuẩn sản phẩm của Nghi Sơn cũng chưa đáp ứng đủ yêu cầu, đặc biệt là chuẩn Euro 4 đối với diesel và nhiệt độ đông đặc của sản phẩm này. Nhiều đầu mối đã đề nghị nhà máy phải xem lại vì với tiêu chuẩn này, khi lên vùng cao vào mùa rét, các phương tiện sẽ khó nổ máy như sản phẩm của Dung Quất đã vướng trước đây. Tất cả những vấn đề này làm ngày về đích của Nghi Sơn càng thêm bộn bề.
Vào tháng 1, ông Nguyễn Quang Kiên đã cảnh báo: “Tôi nói đây là lần cuối cùng, nếu các anh quan tâm đến bán hàng cho Nghi Sơn thì việc đầu tiên là khẩn trương cải tạo, nâng cấp hệ thống xuất bộ và xuất thủy và cung cấp thông tin cho chúng tôi sớm. Đây là việc rất nghiêm trọng, cần xử lý ngay. Chúng tôi phải đảm bảo cân đối lớn nên đến tháng 5 phải đàm phán hợp đồng cho 6 tháng cuối năm rồi, nếu các anh không nhanh thì không thể trách chúng tôi được”. Tuy nhiên, đó là khối lượng công việc Nghi Sơn không thể làm ngay một lúc.
Trong buổi làm việc mới đây nhất với nhà máy, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã đề nghị các chủ đầu tư phối hợp chặt chẽ với các nhà thầu sớm nghiệm thu phần cơ khí để đưa vào chạy thử và chính thức vận hành thương mại trong thời gian sớm nhất có thể.
Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng cũng lưu ý, tỉnh Thanh Hóa, Bộ Tài nguyên và Môi trường đặc biệt quan tâm đến vấn đề môi trường khi trong dự án có cả các nhà máy nhiệt điện, nhà máy gang - thép, lọc hóa dầu. “Việt Nam không có đánh đổi môi trường để tăng trưởng đâu” - Phó Thủ tướng nêu rõ.
Theo Vũ Hân/cand.com.vn