(Xây dựng) - Tổng công ty Lắp máy Việt Nam (LILAMA) chuẩn bị về đích ở dự án hóa dầu Long Sơn, nhờ thi công đảm bảo tiến độ và chất lượng cam kết với tổng thầu. Thành quả này, một lần nữa khẳng định, sự trưởng thành về tay nghề của đội ngũ cán bộ, kỹ sư và công nhân LILAMA tại các dự án lớn.
![]() |
Thành công tại Dự án hóa dầu Long Sơn khẳng định sự trưởng thành về tay nghề của đội ngũ cán bộ, kỹ sư và công nhân LILAMA. |
“Lửa thử vàng, gian nan thử sức”
Dự án hóa dầu Long Sơn do Tập đoàn SCG (Thái Lan) đầu tư xây dựng tại xã Long Sơn, TP Vũng Tàu, tỉnh BR-VT, với tổng kinh phí 5,4 tỷ USD. Đây là dự án trọng điểm quốc gia, có ý nghĩa chiến lược để phát triển kinh tế - xã hội.
Dự án có 5 tổng thầu tham gia quản lý và Tổng công ty LILAMA ký hợp đồng có giá trị hơn 1.400 tỷ đồng, với 3 tổng thầu (Hyundai Engineering, TPSK và Samsung Engineering). Các hạng mục thi công của LILAMA bắt đầu triển khai từ tháng 11/2019, đến nay, đã hoàn thành 97 - 98% khối lượng công việc, trong đó có 2 gói thầu đã hoàn thành và bàn giao.
Để có được thành quả hôm nay, đội ngũ cán bộ, kỹ sư và công nhân LILAMA đã vượt qua rất nhiều khó khăn trong quá trình thi công. Chia sẻ về vấn đề này, kỹ sư Lê Hải Long - Giám đốc Ban dự án LILAMA tại hoá dầu Long Sơn cho biết: Khó khăn lớn nhất là ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 làm đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu, dẫn đến tình trạng vật tư, thiết bị nhập về công trường phục vụ thi công bị chậm tiến độ, thậm chí có thiết bị chậm tới 9 tháng.
Bên cạnh đó, tình trạng giãn cách, cách ly xã hội, người lao động bị nhiễm bệnh cũng ảnh hưởng lớn đến tiến độ thi công. Ngay sau giai đoạn ảnh hưởng này là Tết cổ truyền của Việt Nam nên khó khăn về nhân sự càng kéo dài. Từng có thời điểm LILAMA có 1.700 kỹ sư, công nhân tham gia thi công nhưng khi dịch Covid -19 bùng phát thì con số này giảm xuống còn 400 người, tương đương 23% nhân lực so với bình thường.
Khó khăn thứ hai là Dự án hóa dầu Long Sơn không có liên danh tổng thầu như các dự án khác mà mỗi gói thầu lại có một tổng thầu riêng biệt. Mỗi tổng thầu sẽ yêu cầu một bộ máy quản lý thực hiện độc lập với từng gói thầu nên công tác tổ chức quản lý điều hành gặp nhiều khó khăn.
Việc phối hợp giữa các nhà thầu để đồng bộ các hạng mục là vấn đề được quan tâm hàng đầu trên công trường. Tất cả công việc đều cần lên kế hoạch chi tiết với từng mốc tiến độ cụ thể, nhằm bảo đảm đồng bộ, tránh chồng chéo giữa các nhà thầu. Các giải pháp thi công phải đa dạng, phù hợp với từng hạng mục.
Khó khăn thứ ba là Dự án hóa dầu Long Sơn có đơn giá khá thấp, thấp hơn cả đơn giá của Dự án lọc dầu Nghi Sơn thi công vào 10 năm trước. Bên cạnh đó, việc chủ đầu tư Thái Lan chủ động tham gia sâu vào quá trình quản lý thi công dự án của tổng thầu cũng dẫn đến nhiều thủ tục phát sinh, cần phải được phê duyệt của cả tổng thầu và chủ đầu tư, từ đó ảnh hưởng đến tiến độ thi công.
![]() |
Tay nghề là yếu tố sống còn
Để giải quyết những khó khăn nêu trên, Ban dự án LILAMA tại Dự án hoá dầu Long Sơn đã triển khai đồng bộ và quyết liệt nhiều giải pháp, trong đó quan trọng nhất vẫn là yếu tố con người.
Giám đốc Ban dự án LILAMA, kỹ sư Lê Hải Long cho biết, ngoại trừ một số nhân sự chủ chốt từng tham gia các dự án lớn như lọc hoá dầu Dung Quất, lọc hoá dầu Nghi Sơn thì kỹ sư của Dự án hóa dầu Long Sơn chủ yếu là người mới. Đội ngũ kỹ sư này được đào tạo bài bản, có trình độ cao, đặc biệt là ngoại ngữ nên tiếp cận công việc rất nhanh, chỉ mất khoảng 2 - 3 tháng là đảm nhận công việc tại công trường. Đặc biệt, một số kỹ sư có thể làm việc một cách độc lập, giúp năng suất lao động tăng cao gấp 1,5 - 2 lần so với các dự án trước đó.
Khi dịch Covid -19 bùng phát dữ dội, LILAMA đã áp dụng triệt để những biện pháp phòng, chống dịch của Chính phủ; tổ chức sản xuất 2 tại chỗ, 3 tại chỗ; tuyên truyền, phổ biến đến toàn bộ người lao động về các biện pháp phòng, chống dịch và yêu cầu người lao động tuyệt đối tuân thủ thực hiện biện pháp 5K, tiêm phòng vắc xin Covid-19.
Khi người lao động có tư tưởng muốn về nhà vào Tết Nguyên đán, Ban dự án của LILAMA cũng phải triển khai nhiều giải pháp để giữ chân kỹ sư và công nhân ở lại công trường, từ vận động tư tưởng cho đến hỗ trợ bằng lương, thưởng, khoảng 1 - 1,2 triệu đ/người/ngày. Nhờ sự hỗ trợ kịp thời và thiết thực này, đã vận động được 300 người ở lại công trường làm việc trong Tết Nguyên đán.
Tuy nhiên, nhân lực vẫn bị thiếu hụt vì nhiều người bị mắc Covid -19. Đứng trước tình hình này, LILAMA đã kêu gọi mọi người tăng ca, làm thêm giờ nhằm bảo đảm tiến độ của dự án. Các đơn vị như LILAMA 18 đều phải tổ chức họp vào các buổi tối để đưa ra kế hoạch và biện pháp thi công cho ngày hôm sau. Có thể nói, chính sự linh hoạt và những nỗ lực tuyệt vời trong quá trình làm việc đã giúp LILAMA không bị mất kiểm soát tiến độ so với các nhà thầu khác.
Bên cạnh nội lực của LILAMA, chủ đầu tư và các tổng thầu cũng thực hiện nhiều hỗ trợ giúp đảm bảo tiến độ dự án như tiền thưởng khi đạt tiến độ cam kết, tiền làm thêm giờ, nơi ăn chốn ở, phương tiện đi lại, phương tiện thi công…
Việc triển khai đồng bộ và kịp thời các biện pháp nêu trên đã giúp LILAMA duy trì được nhân lực làm việc trên công trường, đặc biệt là đội ngũ kỹ sư có trình độ cao, từ đó đảm bảo chất lượng và tiến độ dự án như cam kết với tổng thầu.
Dự án hóa dầu Long Sơn tạo ra khoảng 15.000 - 20.000 việc làm trong quá trình xây dựng và hơn 1.000 lao động kỹ thuật cao khi đi vào vận hành thương mại, ước tính đóng góp 60 triệu USD/năm cho ngân sách quốc gia trong suốt 30 năm, kể từ khi đi vào hoạt động. |
Hữu Mạnh
Theo