Chủ nhật 19/01/2025 06:14 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Pháp luật /

Dự án củng cố, nâng cấp, bảo vệ đê biển số 5 đoạn qua Thái Bình: Liệu có hoàn thành đúng kế hoach?

14:54 | 17/07/2013

Mùa mưa bão 2013 đang đến, các tỉnh ven biển thuộc miền Bắc, trong đó có Thái Bình, lại chuẩn bị đối phó với “sức mạnh ghê gớm của thiên nhiên”. Dự án “Phục hồi và nâng cấp đê biển miền Bắc Việt Nam” đang được cho là đến những công đoạn cuối cùng, tuy nhiên, đoạn qua tỉnh Thái Bình, việc thực hiện đã chậm hơn rất nhiều so với kế hoạch. Những khúc mắc vẫn chỉ nằm trong các vấn đề giải phóng mặt bằng (GPMB) và tính toán mức hỗ trợ bồi thường thiệt hại cho người dân có diện tích đất bị thu hồi...

Cách đây 1 năm, đã có những phản ánh trên báo chí về sự chậm trễ trong tiến độ thi công trên tuyến đê biển số 5, thuộc địa phận xã Nam Phú, huyện Tiền Hải, với vấn đề chủ yếu là “giải phóng mặt bằng”.


Toàn cảnh dự án củng cố, nâng cấp, bảo vệ đê biển số 5.

Theo kế hoạch ban đầu, toàn bộ dự án công trình được thực hiện từ tháng 9/2009 và sẽ hoàn thành sau 15 tháng. Nhưng cho đến thời điểm này (tháng 7/2013), vẫn còn một đoạn thi công cuối cùng, kéo dài khoảng gần 3km. Chỉ tính riêng trong đoạn đê này, đã có khá nhiều vấn đề nảy sinh trong quá trình thực hiện, dẫn đến những bức xúc trong một số hộ dân có diện tích nuôi trồng thủy sản sát đê.

Bùng nhùng khâu giải phóng mặt bằng

Được biết, Dự án củng cố, nâng cấp, bảo vệ đê biển số 5 (đoạn từ km15 - km17+500) thuộc xã Nam Phú có tổng chiều dài hơn 2,7km, bắt đầu thi công từ tháng 5/2013, với yêu cầu “khẩn cấp” khi mùa mưa bão đang đến gần.

Tiếp xúc với những người dân có diện tích đất nằm trong dự án bị thu hồi, với việc xác định rõ tính chất quan trọng của dự án để đảm bảo vấn đề an ninh, an toàn cho cuộc sống của dân trong vùng, người dân hoàn toàn ủng hộ. Nhưng họ rất bức xúc với cách thức thực hiện của BQLDA.

Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn tỉnh Thái Bình phụ trách việc thực hiện dự án này nhưng theo đại diện các hộ dân có đất nuôi trồng thủy sản, ông Phạm Huy Thục (thôn Bình Thành) cho biết, BQLDA đã tiến hành quy trình ngược hoàn toàn. Theo đó, thay vì tổ chức một cuộc họp với các hộ dân để thông báo về dự án và tiến trình thực hiện, BQLDA tiến hành đồng thời việc đưa 4 nhà thầu vào thi công, tiến hành kiểm đếm tài sản, hoa màu để GPMB.

Đáng nói nhất, và cũng gây ra sự bức xúc nhất, không phải là vấn đề các đơn vị thi công trên mặt bằng “chưa sạch” (vì các thủ tục GPMB chưa hoàn thành) mà là “sự xuất hiện của Biên bản kiểm đếm” gửi tới các hộ dân. Theo biên bản được gửi đến cho gia đình ông Thục, biên bản này được lập ngày 18/5, tại xã Nam Phú, với đầy đủ Tổ công tác GPMB huyện, đại diện BQLDA, UBND xã Nam Phú. Tuy nhiên, biên bản lại không hề có chữ ký của đại diện UBND xã, dù danh sách Tổ công tác GPMB có ông Phạm Văn Tuệ (Chủ tịch xã) và ông Trần Văn Kim (Phó chủ tịch xã), vì họ... không có mặt trong cuộc họp đó. Hơn thế nữa, ông Thục cũng chỉ được gửi biên bản (và ký) chứ không hiện diện trong buổi tiến hành kiểm đếm.

Ông Thục cho biết thêm, có đề xuất với bên GPMB về “bảng kê chi tiết và mức giá áp dụng cho tài sản, hoa màu bị thiệt hại” nhưng không có văn bản chính thức mà chỉ là bản photo các trang có liên quan đến chi tiết kiểm đếm tài sản, hoa màu được hỗ trợ đền bù. Một chi tiết khiến ông Thục bức xúc là cách tính hỗ trợ diện tích nuôi trồng thuỷ sản bị thiệt hại do ảnh hưởng bởi thi công. Trong khi chiều dài được tính 2.535m thì chiều rộng chỉ tính là 5m (đơn vị tiền hỗ trợ là 3.000 đồng/m). Trong khi đó, chiều rộng của đầm nuôi trồng thuỷ sản nhà ông Thục lên tới trên 50m và điều quan trọng nhất là các đầm bên trong đê giống như ao tù, nước không thoát nên việc thi công đã làm ảnh hưởng đến toàn bộ diện tích nuôi trong đầm chứ không thể là 5m. Cá, tôm trong đầm chết rất nhiều nên việc chỉ tính hỗ trợ diện tích 5m chiều rộng (tổng số tiền là 38 triệu đồng), theo ông Thục, là chưa thỏa đáng.

Trao đổi với ông Tô Xuân Thức, Phó chủ tịch UBND huyện Tiền Hải vấn đề này, ông thừa nhận, việc căng thẳng trong dân và có đơn thư gửi đến các cơ quan báo chí là hợp lý. Tuy vậy, với tính chất quan trọng và khẩn cấp của dự án, các đơn vị trúng thầu vẫn được yêu cầu tiến hành thi công. Trong thời điểm đó, vấn đề sẽ tiếp tục làm việc với các bộ phận liên quan để đánh giá một cách chi tiết nhất, xác định các mức hỗ trợ hợp lý nhất, không để người dân chịu thiệt thòi. Ông khẳng định, việc hỗ trợ tài chính sẽ được hoàn thành và công khai, minh bạch trước dân trong tháng 7 này.

Lo ngại về chất lượng công trình

Việc thi công vẫn diễn ra dù chưa được giao mặt bằng “sạch”, nhưng lại có những thông tin khác trong khâu này, làm dấy lên lo ngại về chất lượng công trình. Ông Thục phản ánh, ông không cho phép các đội thi công lấy nước trong đầm của ông để tiến hành trộn bê - tông thì họ hút nước trực tiếp từ vùng nước mặn phía ngoài đê. Họ cũng đào giếng khoan để lấy nước sử dụng thi công, trong khi về tính chất kỹ thuật, bê - tông sẽ không đảm bảo chất lượng nếu dùng nước mặn. Một dự án “khẩn cấp” tầm cỡ quốc gia lại có thể bị coi nhẹ về mặt chất lượng như vậy?

Đặt vấn đề với ông Trần Văn Dũng, Đội trưởng đội thi công thuộc Công ty cổ phần xây dựng Xuân Quang, câu trả lời là “không có chuyện dùng nước mặn để trộn bê - tông” mà nước ngọt được chở bằng xe téc. Tuy nhiên, khi nhắc đến chiếc máy bơm được đặt ở gần vùng nước mặn ngoài đê, ông Dũng giải thích, “chỉ là đề anh em rửa đồ dùng và mặt đê”.

Không có gì khuất tất nhưng ghi nhận của phóng viên cho thấy, chiếc máy bơm đã được cất đi ngay sau khi vấn đề được đề cập.

Thực hư thế nào, ông Thức, Phó chủ tịch huyện Tiền Hải cũng chỉ nói rằng: “Anh em không dám làm điều đó”. Ngoài ra, ông không có ý định can thiệp đến việc này với tư cách là lãnh đạo huyện và trưởng ban GPMB.

Theo dự kiến, dự án sẽ được hoàn thành vào ngày 20/7/2013, nghĩa là sau hơn 2 tháng kể từ thời điểm dự án bắt đầu. Có phải vì sức ép thời gian đã dẫn đến việc thi công ẩu? Câu trả lời cần được những người có trách nhiệm giải thích...

Song Ngư

Theo baoxaydung.com.vn

Từ khóa:
Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load