Không chỉ có dấu hiệu mập mờ trong việc ký các cam kết để "chạy" vào gói thầu Tư vấn giám sát hợp đồng (TV GSHĐ) dự án chống ngập 10.000 tỷ… mà Công ty TNHH Tư vấn xây dựng Meinhartd Việt Nam (Cty Meinhartd) khiến dư luận thắc mắc khi liên tục ký tên, đóng dấu hàng loạt văn bản, giấy tờ quan trọng dù Trưởng đoàn tư vấn giám sát đã ở cách xa Việt Nam "nửa vòng trái đất" trong nhiều tháng liền.
Tư vấn giám sát Trưởng ở đâu khi dự án gặp khó?
Báo ĐS&PL đã có bài viết phản ánh về việc Cty Meinhartd dù nợ thuế nhưng vẫn ký những cam kết không đúng sự thật nhằm "chạy" vào gói thầu TV GSHĐ tại dự án chống ngập 10.000 tỷ.
Theo thông tin tìm hiểu được, một trong những lý do giúp liên danh này được chỉ định thầu trong điều kiện: "Đơn vị tư vấn có yếu tố nước ngoài sẽ đảm bảo tính khách quan trong quá trình thực hiện dự án, minh bạch, đảm bảo quá trình quản lý vốn hiệu quả".
Từ những kiến nghị trên, Ông L.Fernando Requena (Quốc tịch Mỹ) được giữ chức vụ - Trưởng đoàn TV GSHĐ tại dự án chống ngập. Đồng thời, ông này cũng là Giám đốc điều hành Cty Meinhardt được cả ba thành viên trong liên danh TV GSHĐ Ủy quyền đại diện cho Liên danh tư vấn làm việc với Trung tâm chống ngập, chính quyền và các cơ quan chức năng của thành phố.
Được biết, với chức vụ Trưởng đoàn TV GSHĐ – Ông L.Fernando Requena được trả mức lương "khủng" lên đến 363 triệu đồng/tháng.
Tuy nhiên, khi dự án chống ngập đang gặp những khó khăn, vướng mắc thì ông L.Fernando Requena - Tư vấn giám sát Trưởng lại không có mặt để giải quyết sự việc.
Theo thông tin chính thức từ cơ quan quản lý Xuất nhập cảnh, ông L.Fernando Requena đã rời Việt Nam, xuất cảnh sang Mỹ từ ngày 14/7/2018.
Ông Nguyễn Hoàng Anh Dũng - Phó giám đốc Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập nước TP.HCM (Trung tâm chống ngập) cũng xác nhận, nhiều tháng nay dù Trung tâm có thư mời nhưng ông L.Fernando Requena - Trưởng đoàn TV GSHĐ không hề đến làm việc để tháo gỡ vướng mắc của dự án. "Nếu Trưởng đoàn Tư vấn ra nước ngoài, liên danh TV GSHĐ phải có trách nhiệm thông báo cho Trung tâm chống ngập", ông Dũng khẳng định.
Mặt khác, ông Nguyễn Tâm Tiến, Giám đốc Công ty TNHH Trung Nam BT 1547 - Chủ đầu tư dự án từng cho biết: Trước đây, khi UBND TP.HCM chưa ký hợp đồng với đơn vị TV GSHĐ thì dự án được tiến hành xây dựng bình thường, nhưng từ ngày 5/6/2017, khi đơn vị TV GSHĐ là Cty Meinhardt đi vào hoạt động thì dự án luôn gặp khó khăn và buộc phải "ngưng" thi công hơn 6 tháng qua, thiệt hại ước tính trung bình mỗi tháng từ 17 - 20 tỷ đồng.
Dự án chống ngập 10.000 tỷ phải dừng thi công nhiều tháng qua, gây thiệt hại hàng chục tỷ đồng
Trưởng đoàn tư vấn bên Tây ký hàng loạt văn bản bên ta?
Như thông tin đã đưa, mặc dù Trưởng đoàn tư vấn – Ông L.Fernando Requena không có mặt ở Việt Nam nhưng trong thời gian này Liên danh TV GSHĐ vẫn liên tục phát hành đi hàng loạt văn bản hành chính bằng tiếng Việt, có chữ ký, đóng dấu đỏ của ông này. Trong đó, hầu hết là các văn bản quan trọng.
Cụ thể, ngày 25/7/2018 TV GSHĐ có văn bản HFTC-SCFC/LO-18-048 báo cáo về "Thiếu sót hồ sơ pháp lý theo quy định của pháp luật về luật bảo vệ môi trường".
Cùng ngày, đơn vị TV GSHĐ đồng thời có thêm văn bản số HFTC-SCFC/LO-18-049 báo cáo về các sai phạm trong quá trình đổ bùn thải nạo vét"; Văn bản HFTC-SCFC/LO-18-052 ngày 16/8/2018 "Báo cáo đánh giá khối lượng hoàn thành các gói thầu cung cấp và lắp đặt thiết bị cơ khí thủy công và gói thầu XD05 - Cống kiểm soát triều Mương Chuối"; Văn bản HFTC-SCFC/LO-18-056 ngày 30/8/2018 về "Đề xuất thu hồi giá trị khối lượng bùn nạo vét đã được xác nhận giải ngân"; …
Chưa dừng lại tại đó, trong văn bản số HTFC-SCFC/LO-18-067 ngày 24/9/2018 – TV GSHĐ gửi Trung tâm chống ngập về việc từ chối họp với Nhà đầu tư và doanh nghiệp thì vẫn có chữ ký và con dấu của vị Trưởng đoàn Tư vấn – Ông L.Fernando Requena. Tại văn bản này, liên danh TV GSHĐ còn "tố" một số nhân viên Đoàn TV GSHĐ bị đe dọa bởi các "đối tượng xã hội", với lý do đang làm việc cho Liên danh TV GSHĐ gây xôn xao dư luận thời gian qua, đang được cơ quan điều tra làm rõ.
Trưởng đoàn TV GSHĐ không có mặt ở Việt Nam nhưng hàng loạt văn bản hành chính bằng tiếng Việt, có chữ ký của ông này được phát đi
Qua đó, vấn đề khiến dư luận không khỏi thắc mắc việc Trưởng đoàn người nước ngoài này có hiểu được nội dung nào trong văn bản hay không?
Bởi, tại văn bản số HTFC-SCFC-LO-18-075 và HTFC-SCFC-LO-18-079, phát hành cuối tháng 10, đầu tháng 11, danh xưng của vị trưởng đoàn này được viết ở ngôi thứ 3, xưng hô là Ông Fernando. Trong khi chính chữ ký thể hiện ngôi thứ nhất khi mà ông Fernando đang đại diện, chính xác thì ông Fernando phải xưng hô trong văn bản bằng đại từ “Tôi” mới hợp lý.
Từ những “uẩn khúc” trên! Câu hỏi đặt ra; với việc người duy nhất có quyền đại diện cho Liên danh TV GSHĐ theo ủy quyền là ông L.Fernando Requena đã rời khỏi Việt Nam thì ai đã chỉ đạo phát hành các văn bản có chữ ký, đóng dấu của Trưởng đoàn tư vấn giám sát? Các báo cáo này có hiệu lực và phù hợp với quy định luật pháp Việt Nam hay không? Và ai sẽ thay mặt Liên danh nhà thầu để làm việc với UBND TP.HCM và các sở ban ngành chức năng?
Liên quan đến các văn bản của Liên danh TV GSHĐ, Luật sư Nguyễn Văn Hậu - Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Thương mại luật gia Việt Nam cho biết, trong trường hợp Liên danh TV GSHĐ khẳng định rằng các văn bản do TV GSHĐ ban hành với chữ ký của ông L.Fernando Requena không phải do ông ký trong khoảng thời gian từ 14/7/2018 trở đi, thì các văn bản (hoặc chữ ký) đó có thể có khả năng là một hành vi “lừa dối” và có thể dẫn đến vô hiệu các giao dịch liên quan.
Ngoài ra, LS Hậu còn nhấn mạnh việc giả mạo chữ ký, tài liệu là một cấu thành tội phạm hoặc tình tiết tăng nặng của nhiều tội phạm hình sự, bao gồm không chỉ giới hạn ở "tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức; tội sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan, tổ chức", "tội vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng".
“Việc xác nhận đó thông thường thể hiện qua chữ ký, con dấu của người có thẩm quyền, nên nếu chữ của người đại diện theo Ủy quyền của đơn vị TV GSHĐ không phải là chữ ký thật sự thì tùy theo tình huống, tài liệu cụ thể. Việc này có thể cấu thành hành vi vi phạm nghiêm trọng trong luật xây dựng và dẫn đến các hậu quả về dân sự, hành chính, hình sự tùy theo từng trường hợp", Luật sư Hậu nói.
Theo Hương Thu/Doisongphapluat.com