Công ty CP BOT Trung Lương – Mỹ Thuận đề xuất giải pháp tổng thể cho tuyến đường TP.HCM đi Mỹ Thuận (gồm cả cao tốc và QL1) theo phương án xỏa bỏ trạm thu phí Cai Lậy, đồng thời triển khai thu phí trở lại tuyến cao tốc TP.HCM – Trung Lương.
Công ty CP BOT Trung Lương – Mỹ Thuận vừa có báo cáo tình hình thực hiện dự án cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận giai đoạn 1 và sự cần thiết thu phí trở lại tuyến cao tốc TP.HCM – Trung Lương, trong đó có kiến nghị phương án tháo gỡ vướng mắc cho dự án BOT Cai Lậy (Tiền Giang).
Theo Công ty CP BOT Trung Lương – Mỹ Thuận, cao tốc TP.HCM – Trung Lương dừng thu phí từ cuối năm 2018 đến nay dẫn đến không kiểm soát được lưu lượng và tải trọng phương tiện, làm hư hỏng, xuống cấp tuyến đường cao tốc, gây mất an toàn giao thông…
Trạm thu phí BOT Cai Lậy dừng thu phí gần 2 năm nay. Ảnh: Cảnh Kỳ
Mặt khác, sự gia tăng phương tiện lưu thông trên cao tốc dẫn đến giảm lưu lượng trên QL1, nguy cơ không thể hoàn vốn cho các dự án trên QL1. Hiện nay, dự án tuyến tránh Cai Lậy đang có nguy cơ bị ảnh hưởng trực tiếp từ hiện trạng này, đồng thời nhà đầu tư đang lâm vào khó khăn, gây rủi ro cho việc thu hồi vốn của Ngân hàng do bị dừng thu phí gần 2 năm nay.
Do vậy, Công ty CP BOT Trung Lương – Mỹ Thuận đề xuất giải pháp tổng thể cho tuyến đường TP.HCM đi Mỹ Thuận. Cụ thể, kiến nghị Chính phủ chỉ đạo UBND tỉnh Tiền Giang thống nhất với Bộ GTVT và nhà đầu tư báo cáo Chính phủ chấp thuận chủ trương giải pháp tổng thể xóa trạm thu phí trên QL1 đoạn Cai Lậy và tổ chức thu phí trở lại cao tốc TP.HCM – Trung Lương.
Cho phép (ngân hàng tài trợ vốn cho dự án Trung Lương – Mỹ Thuận và dự án Cai Lậy) quản lý, sử dụng nguồn thu tại trạm thu phí cao tốc TP.HCM – Trung Lương để đảm bảo việc cho vay và xóa bỏ trạm thu phí Cai Lậy. Chọn đơn vị tổ chức thu phí hoặc giao cho Công ty TNHH Đầu tư QL1 Tiền Giang thực hiện thu phí cao tốc TP.HCM – Trung Lương, đồng thời đề xuất phương án hoàn vốn cho dự án BOT Cai Lậy.
Cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận hoàn thành 27%
Về tiến độ dự án cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận, Công ty CP BOT Trung Lương – Mỹ Thuận cho biết đến nay dự án đã hoàn thành khoảng 27% khối lượng, tổng diện tích giải phóng mặt bằng gần 460ha với hơn 3.100 hộ dân bị ảnh hưởng, đến nay UBND tỉnh Tiền Giang đã bàn giao cơ bản hoàn thành (99,97%), đảm bảo đủ điều kiện để nhà đầu tư triển khai dự án đáp ứng theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ (thông tuyến năm 2020 và hoàn thành năm 2021).
Dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận đã hoàn thành khoảng 27% khối lượng. Trong ảnh: Công trường dự án tại huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang. Ảnh: Cảnh Kỳ
Tuy nhiên, theo nhà đầu tư, dự án hiện còn những khó khăn do chưa xác định thời điểm giải ngân vốn ngân sách nhà nước hỗ trợ dự án là 2.186 tỷ đồng. Trong khi phần vốn vay tín dụng vẫn chưa xác định được ngân hàng cho vay phần hạn mức còn thiếu (1.282 tỷ đồng)…
Tại chuyến kiểm tra tình hình thực hiện dự án cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận và các dự án giao thông vùng ĐBSCL cuối tháng 9 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã kết luận: Các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng giao thông vận tải khu vực ĐBSCL còn nhiều khó khăn, vướng mắc. Điều này đòi hỏi Bộ GTVT và các bộ, ngành, địa phương phải tiếp tục sát sao hơn nữa mới đáp ứng được yêu cầu đặt ra, nhất là đề ra các giải pháp để kịp thời xử lý vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ các công trình, dự án trọng điểm trong vùng.
Về phương án quản lý, khai thác tuyến đường cao tốc TP.HCM – Trung Lương, Thủ tướng yêu cầu Bộ GTVT, Bộ Tài chính khẩn trương thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng tại văn bản số 2760/VPCP-CN ngày 25/9/2019; trong đó lưu ý làm rõ cơ sở pháp lý để xây dựng đề án cũng như thẩm quyền quyết định các vấn đề có liên quan, nhất là công tác thu phí sử dụng đường bộ thông qua trạm thu phí. Đồng thời, nghiên cứu phương án đầu tư nâng cấp, mở rộng tuyến đường nhằm đáp ứng yêu cầu giao thông vận tải. Cần trình sớm và đúng quy định việc này…
Theo Cảnh Kỳ/Tienphong.vn