Thứ sáu 26/04/2024 00:40 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866

Đồng Tháp: 99,7% công trình khôi phục thi công xây dựng

23:17 | 19/11/2021

(Xây dựng) – Sáng 19/11, UBND tỉnh Đồng Tháp đã tổ chức họp mặt doanh nghiệp xây dựng hoạt động trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp. Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Phạm Thiện Nghĩa, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Trần Trí Quang, cùng lãnh đạo Sở Xây dựng, Sở Kế hoạch và Đầu tư, 21 doanh nghiệp xây dựng trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp tham dự.

dong thap 997 cong trinh khoi phuc thi cong xay dung
Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Phạm Thiện Nghĩa phát biểu tại cuộc họp mặt doanh nghiệp xây dựng hoạt động trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp (Ảnh: Cổng Thông tin Đồng Tháp).

Doanh nghiệp xây dựng trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp cho biết, trong thời gian vừa qua dịch bệnh Covid-19 bùng phát, thực hiện giãn cách xã hội phải đối mặt với nhiều khó khăn, tạm ngưng thi công công trình, cùng giá vật liệu xây dựng tăng mạnh, vận chuyển nguyên vật liệu xây dựng hạn chế làm tăng chi phí vận chuyển và nguồn cung cấp vật liệu xây dựng công trình không đáp ứng kịp thờì, chưa đảm bảo số lượng để thi công…

Doanh nghiệp đề nghị lãnh đạo tỉnh Đồng Tháp kiến nghị Thủ tướng Chính phủ có chủ trương cho phép điều chỉnh giá vật liệu xây dựng; có hướng dẫn tính bổ sung các chi phí phát sinh theo quy định để đảm bảo điều kiện an toàn thi công xây dựng, chi phí tăng cường phòng, chống dịch trên công trường xây dựng (xét nghiệm, trang bị dụng cụ y tế, vệ sinh khử khuẩn, 3 tại chỗ,...). Đồng thời, doanh nghiệp xây dựng mong muốn ngành chức năng rút ngắn thời gian chờ nghiệm thu, thủ tục mời thầu; xem xét giảm phí đấu thầu, hỗ trợ giảm thuế giá trị gia tăng…

Theo báo cáo Sở Xây dựng Đồng Tháp, hoạt động xây dựng trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp năm 2021 đã chịu tác động kép bởi dịch Covid-19 và biến động giá thép, tình hình khan hiếm cát san lấp làm ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động xây dựng trên địa bàn tỉnh.

Thời kỳ đỉnh điểm là từ tháng 4 - 5 năm 2021, biến động giá thép tăng trên 40% so với giá thép trung bình của năm 2020, cát san lấp mặt bằng khan hiếm và tiếp đó là dịch Covid-19 bùng phát buộc các địa phương phải thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, đã tác động mạnh đến ngành Xây dựng.

Số lượng công trình có nguồn vốn từ ngân sách Nhà nước đã tạm ngưng thi công chiếm khoảng 60%, các công trình cấp bách, trọng điểm được tiếp tục thi công, nhưng tiến độ chỉ 30%, chủ yếu là duy trì việc thi công đồng thời phải đảm bảo yêu cầu các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19.

Trong thời gian giãn cách xã hội, các công trình đều gặp khó khăn do nguồn cung vật liệu xây dựng, thiết bị không ổn định; nguồn lao động phục vụ thi công xây dựng không đảm bảo yêu cầu về số lượng; việc tổ chức di chuyển, điều phối thiết bị, máy móc xây dựng và lực lượng lao động giữa các công trình ở các địa bàn khác nhau gặp nhiều khó khăn; phải thực hiện các điều kiện an toàn để thi công xây dựng theo quy định của Bộ Xây dựng, cơ sở vật chất và các hoạt động sinh hoạt ăn uống, nghỉ ngơi tại công trường với Phương án 3 tại chỗ cũng gặp nhiều khó khăn, phát sinh rất nhiều chi phí mà nhà thầu không lường trước được.

Phát sinh chi phí xét nghiệm vi rút SARS-CoV-2 định kỳ theo Hướng dẫn của Bộ Xây dựng hoặc theo yêu cầu của công việc khi di chuyển giữa các địa phương tương đối lớn. Tuy nhiên, trong định mức dự toán hiện nay không có hướng dẫn tính toán cho những chi phí này.

Công nhân tham gia thi công xây dựng theo Phương án 3 tại chỗ khan hiếm, giá rất cao do phần lớn công nhân xây dựng chưa được tiêm vắc xin nên họ thấy chưa an toàn cho bản thân và gia đình khi tham gia hoạt động xây dựng, dẫn đến họ không muốn tham gia hoạt động xây dựng trong giai đoạn này, mặc dù doanh nghiệp đã tạo nhiều điều kiện.

Đồng thời, để nhanh chóng khôi phục lại hoạt động thi công xây dựng, doanh nghiệp phải trả lượng cơ bản cho công nhân để duy trì số công nhân cơ hữu này, tốn chi phí để xử lý kỹ thuật do ngưng thi công quá lâu, chi phí khôi phục lại việc thi công, chi phí đảm bảo an toàn phòng chống dịch trên công trường xây dựng, lãi vay ngân hàng.

Hiện nay, khó khăn về giá vật liệu xây dựng tăng vẫn còn, chi phí đảm bảo an toàn phòng chống dịch trên công trường xây dựng chưa được xem xét tính vào chi phí xây dựng công trình…

Ông Ngô Trần Minh Tuấn, Giám đốc Sở Xây dựng Đồng Tháp cho biết: Hiện nay, có 99,7% công trình khôi phục việc thi công xây dựng sau thời gian tạm ngưng thi công do thực hiện Chỉ thị 16/CT-TTg (chỉ còn công trình Trường Mầm non Tháp Mười đang tận dụng làm khu cách ly). Có 446 công trình/gói thầu đã hoàn thành xây dựng trong năm 2021. Có 529 công trình/gói thầu đang thi công. Có 151 công trình/gói thầu đang thực hiện dự án đến bước thiết kế sau thiết kế cơ sở, bước lựa chọn nhà thầu thi công xây dựng. Có 223 dự án đang thực hiện bước chuẩn bị dự án. Có 426 nhà thầu đang thi công trên công trình xây dựng. Có 100% doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh vật liệu xây dựng hoạt động. Có 5.274 người lao động đang tham gia xây dựng trên công trình và đều được tiêm vắc xin phòng Covid-19, trong đó có 77% đã được tiêm mũi 2. Ngoài ra, các huyện, thành phố đã tổ chức tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho 17.644 người lao động tham gia hoạt động xây dựng trên địa bàn mình quản lý. Trong đó, có 10.814/17.644 người đã được tiêm 2 mũi vắc xin phòng Covid-19, đạt 61,3%. Đến nay, đã giải ngân trung bình khoảng 2.437/5.637 tỷ đồng, đạt tỷ lệ khoảng 42,3% (còn một số đơn vị chưa báo cáo).

“Thời gian tới, đề xuất Bộ Xây dựng xem xét, bổ sung trường hợp giá vật liệu xây dựng chủ yếu biến động (tăng hoặc giảm) với tỷ lệ hợp lý vào quy định các trường hợp bất khả kháng tại điểm b khoản 1 Điều 3 Thông tư số 07/2016/TT-BXD ngày 10/3/2016 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng về việc hướng dẫn Điều chỉnh giá hợp đồng xây dựng (hoặc Văn bản thay thế Thông tư này) để làm cơ sở điều chỉnh giá hợp đồng nhằm giảm thiệt hại cho các bên có liên quan.

Có văn bản hướng dẫn tính bổ sung các chi phí phát sinh theo quy định để đảm bảo điều kiện an toàn thi công xây dựng, chi phí tăng cường phòng, chống dịch Covid-19 trên công trường xây dựng như: Chi phí xét nghiệm theo định kỳ, chi phí trang bị, dụng cụ y tế cần thiết để phòng chống dịch trên công trường, chi phí vệ sinh môi trường - khử khuẩn tại công trình xây dựng, chi phí thực hiện 3 tại chỗ, chi phí xử lý khi có trường hợp người lao động bị dương tính với Covid-19…” - Giám đốc Sở Xây dựng Đồng Tháp đề xuất.

Tại cuộc họp mặt doanh nghiệp xây dựng hoạt động trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Phạm Thiện Nghĩa, đã chia sẻ với những khó khăn thời gian qua, đồng thời đề nghị các doanh nghiệp ngành Xây dựng tiếp tục nỗ lực, đồng thuận và chia sẻ với tỉnh trong thực hiện mục tiêu kép vừa phòng chống dịch, vừa khôi phục và phát triển kinh tế. Trước mắt là đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án, công trình xây dựng trên địa bàn, góp phần giải ngân kế hoạch vốn năm 2021 lĩnh vực xây dựng cơ bản đạt kế hoạch đề ra.

dong thap 997 cong trinh khoi phuc thi cong xay dung
Một góc thành phố Cao Lãnh.

Đồng thời, Chủ tịch Phạm Thiện Nghĩa yêu cầu các sở, ngành liên quan và địa phương tập trung tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, trong đó, chú ý công khai, minh bạch các công trình đầu tư công và đầu tư tư. Về phía doanh nghiệp, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp mong muốn tăng cường tính hợp tác, liên kết với nhau để cùng phát triển lớn mạnh hơn trong thời gian tới.

Huỳnh Biển

Theo

Cùng chuyên mục
  • Quảng Ninh: Người dân 2 xã biển đảo Quan Lạn và Minh Châu mong mỏi được dùng nước sạch

    (Xây dựng) – Mặc dù dự án cấp nước sạch cho đảo Quan Lạn, Minh Châu (huyện Vân Đồn) triển khai đã nhiều năm, đến nay hàng trăm hộ dân ở 2 xã biển đảo này vẫn chưa có nước sạch sử dụng.

  • Hà Nội: Đảm bảo cung cấp nước sạch mùa hè cho người dân

    (Xây dựng) – UBND Thành phố Hà Nội vừa ban hành Kế hoạch về việc bảo đảm cung cấp nước sạch mùa hè năm 2024 cho người dân trên địa bàn Thành phố.

  • Vùng đất “gian lao mà anh dũng”

    (Xây dựng) - Những ngày tháng 4 lịch sử, trở lại BR-VT, chúng tôi cảm nhận sự đổi thay và nhịp sống căng tràn của vùng đất ven biển trù phú này.

  • Đắk Lắk: Mục tiêu phát triển hạ tầng giao thông và kinh tế xanh

    (Xây dựng) - UBND tỉnh Đắk Lắk vừa công bố quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, với tầm nhìn đến năm 2050, nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế, đồng thời tăng cường hạ tầng giao thông. Điều này được thể hiện qua sự ưu tiên đặc biệt cho việc phát triển cao tốc kết nối vùng Tây Nguyên.

  • Hà Nội: Phát triển đô thị xanh, bền vững

    (Xây dựng) - Chương trình 03-CTr/TU về chỉnh trang đô thị, phát triển đô thị và kinh tế đô thị giai đoạn 2021 - 2025 của Thành ủy Hà Nội thực hiện đến nay đã cơ bản hoàn thành 4/19 chỉ tiêu. 11/19 chỉ tiêu đang hoàn thiện và có khả năng hoàn thành vào năm 2025; đối với 4/19 chỉ tiêu còn vướng mắc cũng được các sở, ngành tập trung rà soát, tháo gỡ, đôn đốc thường xuyên vì mục tiêu phát triển đô thị Hà Nội theo hướng xanh, thông minh, bền vững.

  • Lợi ích cho đoàn viên, người lao động

    (Xây dựng) - Bên cạnh việc bảo đảm quyền lợi người lao động, chăm lo đời sống vật chất, để đoàn viên công đoàn yên tâm lao động, sản xuất, Công đoàn ngành Xây dựng Việt Nam đã có nhiều hoạt động chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho người lao động. Đặc biệt thực hiện chủ trương của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam (TLĐLĐVN) về nâng cao lợi ích cho đoàn viên, với mong muốn đem lại nhiều lợi ích hơn nữa cho đoàn viên và người lao động ngành Xây dựng, Công đoàn Xây dựng Việt Nam (CĐXDVN) đã thỏa thuận hợp tác về cung cấp dịch vụ, sản phẩm với một số đơn vị để cung cấp các sản phẩm, dịch vụ với giá ưu đãi cho đoàn viên và người lao động ngành Xây dựng.

Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load