Thứ năm 18/04/2024 16:44 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866

Đông Sơn (Thanh Hóa): Hội đồng đền bù giải phóng mặt bằng huyện áp giá đền bù sai?

08:41 | 07/07/2020

(Xây dựng) - Vừa qua, Báo điện tử Xây dựng nhận được đơn của hộ gia đình ông Lê Quang Ngoan ở thôn 4, xã Đông Minh, huyện Đông Sơn. Nội dung phản ánh về việc Hội đồng đền bù giải phóng mặt bằng huyện áp giá đền bù sai, không đúng thực tế và nguồn gốc, hiện trạng sử dụng đất, dẫn đến thiệt thòi quyền lợi chính đáng của gia đình.

dong son thanh hoa hoi dong den bu giai phong mat bang huyen ap gia den bu sai
Hai ngôi nhà của ông Lê Quang Ngoan và Lê Quang Nghĩa trên thửa đất số 729.

Theo đơn trình bày, hộ ông Lê Quang Ngoan và gia đình anh trai là Lê Quang Nghĩa cùng sinh sống trên thửa đất (thổ cư) số 729, tờ bản đồ số 01, có diện tích 662,7m2, thuộc thôn 4, xã Đông Minh. Thửa đất này có nguồn gốc sử dụng từ trước năm 1970, do ông bà tự tạo lập, để lại cho con cháu, đến nay đã qua ba thế hệ. Theo bản đồ 299 được lập năm 1990, khu đất này được thể hiện trong cùng một khoảnh đứng tên ông Lê Quang Sử (bố ông Ngoan), gồm thửa số 57 và 58, tờ bản đồ số 02, có tổng diện tích 662,7m2 (gồm 230m2 đất ở, 426m2 đất ao).

Năm 2012, xã tiến hành đo đạc, xác định nguồn gốc đất, khu đất này được ghi nhận nằm cùng một thửa số 729, diện tích 662,7m2. Cũng theo trình bày của ông Ngoan, toàn bộ diện tích đất nông nghiệp, đất phần trăm của gia đình (đứng tên bố là ông Lê Quang Sử) được xã giao năm 1996 đều ở ngoài cánh đồng, không dính dáng gì đến thửa đất gia đình đang sinh sống này. Mặc dù chưa được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, nhưng hàng năm gia đình vẫn nộp thuế đất ở đầy đủ cho Nhà nước và sử dụng ổn định, không tranh chấp với ai. Và nếu không có dự án đường cao tốc Bắc – Nam qua khu vực này, gia đình hai anh em ông Ngoan vẫn sẽ sinh sống bình thường, không có gì thay đổi, xáo trộn.

Để bàn giao mặt bằng, phục vụ dự án đường cao tốc Bắc – Nam, gia đình ông Ngoan thuộc diện phải di dời, bàn giao toàn bộ diện tích đất đang sử dụng cho dự án. Tuy nhiên, theo áp giá, tính toán của Hội đồng đền bù, giải phóng mặt bằng huyện Đông Sơn, gia đình chỉ được bồi thường theo giá đất ở 230m2, còn lại 432,7m2, theo ông Ngoan, phải được tính theo giá đất ao, vườn trong cùng một thửa với đất ở (được đền bù bằng 50% giá đất ở) lại chỉ được tính theo giá đất nông nghiệp 45.000 đồng/m2.

Qua xác minh cụ thể của phóng viên, trên thửa đất này hiện có hai nhà ở kiên cố cùng công trình phụ của hai hộ đang sinh sống, gồm gia đình ông Lê Quang Ngoan (3 khẩu) và Lê Quang Nghĩa (4 khẩu), phía sau có ao, vườn. Tất cả cùng nằm trọn trên cùng một thửa đất trong khu dân cư thôn 4. Qua trao đổi với các hộ dân xung quanh và một số người cao tuổi, tất cả đều khẳng định toàn bộ khu đất này đều liền thửa, được sử dụng từ đời ông, bà ông Ngoan cho đến nay.

dong son thanh hoa hoi dong den bu giai phong mat bang huyen ap gia den bu sai
Ao phía sau hai ngôi nhà cùng nằm trong một thửa đất.

Như vậy, từ thực tế trên có thể khẳng định, thửa đất mà hai gia đình ông Ngoan, ông Nghĩa đang sử dụng có nguồn gốc từ trước năm 1970 do ông bà tạo lập, để lại cho con cháu là khu đất liền thửa, được hình thành từ lâu. Không phải đất nông nghiệp, đất nuôi trồng thủy sản do hợp tác xã hoặc chính quyền cấp cho dân để sản xuất, canh tác.

Do đó, việc Hội đồng đền bù, giải phóng mặt bằng, UBND huyện Đông Sơn, không xem xét thấu đáo thực tế sử dụng, bỏ qua bản đồ đo vẽ năm 2012 (đã ghi nhận khu đất này cùng thuộc thửa đất số 729, diện tích 662,7m2), thay vào đó, chỉ căn cứ vào bản đồ 299 để tách riêng làm hai thửa, dẫn đến áp giá đền bù theo giá đất nuôi trồng thủy sản, theo chúng tôi là chưa chính xác.

Thêm nữa, việc sử dụng đất có thể thay đổi theo từng thời kỳ, chủ sử dụng có thể trồng cây, đào ao thả cá... trong trường hợp này, không thể căn cứ vào hiện trạng có ao trên đất để xác định “đất nuôi trồng thủy sản”, gây thiệt thòi quyền lợi chính đáng, hợp pháp của công dân.

Đối chiếu với Văn bản số 01/HD-STNMT ngày 4/1/2016 về “xác định nguồn gốc, thời điểm bắt đầu sử dụng đất để phục vụ công tác giải phóng mặt bằng khi Nhà nước thu hồi đất” của Sở Tài nguyên Môi trường Thanh Hóa, trong trường hợp này, UBND huyện cũng như chính quyền xã Đông Minh đã chưa làm hết trách nhiệm, thẩm quyền được giao về xác định nguồn gốc đất của hộ ông Lê Quang Ngoan.

Theo đó, căn cứ Luật Đất đai và các Nghị định, Thông tư của Chính phủ, Bộ Tài nguyên & Môi trường và của UBND tỉnh Thanh Hóa đã có hướng dẫn chi tiết về công tác này. Theo đó, tại mục I - Phạm vi áp dụng của Văn bản số 01 có nêu: Trường hợp không có giấy tờ về quyền sử dụng đất quy định tại Luật Đất đai và các văn bản liên quan hoặc giấy tờ đó không ghi rõ thời gian xác lập giấy tờ và mục đích sử dụng đất và không vi phạm pháp Luật Đất đai hoặc có sự sai sót, nhầm lẫn trong quá trình xác định mục đích sử dụng đất.

Tại mục II - Đối tượng áp dụng gồm: UBND cấp xã, Hội đồng bồi thường, tái định cư cấp huyện, người sử dụng đất theo Điều 5, Luật Đất đai khi Nhà nước thu hồi đất”.

Tại Mục III – Hướng dẫn cụ thể nêu tóm tắt như sau: “Sau khi kiểm kê, Hội đồng bồi thường, hỗ trợ cấp huyện lập danh sách các hộ gia đình, kèm hồ sơ kiểm kê thuộc các trường hợp quy định tại Mục I, gửi UBND cấp xã. Chủ tịch UBND xã có trách nhiệm xác nhận thời điểm bắt đầu sử dụng đất và mục đích sử dụng đất cho từng trường hợp có đơn yêu cầu xác nhận quyền sử dụng đất theo các bước công việc sau: 1 - Niêm yết danh sách công khai các hộ gia đình cần yêu cầu xác nhận quyền sử dụng đất. Thông báo cho nhân dân trong thôn biết sẽ thu thập ý kiến xác nhận thời điểm, nguồn gốc sử dụng cho từng trường hợp. Đồng thời phát đơn yêu cầu xác nhận quyền sử dụng đất cho các hộ tự kê khai. 2 - Tổ chức hội nghị thu thập ý kiến, do Trưởng thôn chủ trì, có sự tham gia của lãnh đạo và cán bộ chuyên môn UBND xã, Mặt trận Tổ quốc, Bí thư Chi bộ thôn và những người cao tuổi nắm rõ nguồn gốc, thời gian sử dụng đất, lập biên bản tổng hợp ý kiến. Tiếp đó, Chủ tịch UBND xã căn cứ kết quả ý kiến xác nhận nguồn gốc, thời gian sử dụng đất tại hội nghị và hồ sơ địa chính hiện có, xác nhận vào đơn yêu cầu xác nhận quyền sử dụng đất cho từng trường hợp có yêu cầu và chịu trách nhiệm về xác nhận của mình. 4 - UBND xã niêm yết công khai kết quả xác nhận nguồn gốc, thời gian sử dụng đất tại trụ sở và khu dân cư nơi có đất; xem xét giải quyết các ý kiến phản ánh về nội dung công khai. Toàn bộ hồ sơ trên được chuyển lại cho tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường, giải phóng mặt bằng làm cơ sở để lập phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư cho người có đất bị thu hồi.

Như vậy, căn cứ văn bản hướng dẫn này, có thể nói các cấp chính quyền từ xã đến huyện Đông Sơn đã chưa làm hết trách nhiệm, thẩm quyền của mình. Chưa hướng dẫn, phát đơn yêu cầu cho công dân làm đơn xin xác nhận nguồn gốc đất, chưa tổ chức lấy ý kiến cơ sở và người dân...

Để đảm bảo quyền lợi chính đáng của công dân, cũng là đảm bảo tiến độ giải phóng mặt bằng cho dự án, đề nghị UBND huyện Đông Sơn, UBND xã Đông Minh xem lại quá trình, trình tự giải quyết, xác định nguồn gốc đất, áp giá bồi thường đối với hộ ông Lê Quang Ngoan. Đảm bảo bồi thường đúng, đủ theo quy định của pháp luật, tránh tình trạng khiếu kiện vượt cấp, kéo dài phức tạp.

Báo điện tử Xây dựng sẽ tiếp tục thông tin.

Đào Nguyên

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load