(Xây dựng) - Ngày 8/6 vừa qua, Thanh tra Chính phủ đã chính thức công bố quyết định thanh tra của Công ty TNHH Cường Hưng (Công ty Cường Hưng) do ông Đỗ Tịnh làm Chủ tịch HĐTV kiêm Tổng giám đốc. Ông Tịnh là chồng bà Phan Thị Mỹ Thanh, Phó Bí thư Tỉnh ủy kiêm Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai. Cuộc thanh tra kéo dài 30 ngày, nhằm làm rõ các hoạt động kinh doanh của Công ty Cường Hưng từ khi thành lập tới nay theo đơn tố cáo của cổ đông là Liên hiệp Hợp tác xã Dịch vụ Nông nghiệp tổng hợp Đồng Nai (Donacoop).
Vay nợ gần 400 tỷ đồng của cổ đông nhiều năm không trả
Theo nội dung biên bản cuộc họp ngày 26/7/2016 giữa ông Đỗ Tịnh và các cổ đông thì đối chiếu công nợ giữa Donacoop với Công ty Cường Hưng để Donacoop quyết toán thuế, chuyển đổi Donacoop thành công ty cổ phần: Donacoop còn phải thu của Cường Hưng 264 tỷ đồng; đồng thời phần mua lại cổ phần của bà Lữ Thị Thanh Xuân chưa thanh toán đủ 111 tỷ đồng; theo đề nghị của ông Đặng Ngọc Đào (chồng bà Xuân), Công ty Cường Hưng thanh toán bằng tiền mặt chậm nhất là ngày 31/12/2016. Trong đó, công nợ giữa ông Đỗ Tịnh (đại diện cho Công ty Cường Hưng) diễn ra từ đầu năm 2012.
Thực tế, liên quan đến số tiền của Donacoop là giữa năm 2011 đến giữa năm 2012 với vai trò là người đại diện của Công ty Cường Hưng, ông Đỗ Tịnh đã trực tiếp ký kết hàng loạt hợp đồng hỗ trợ vốn giữa Donacoop với số tiền hỗ trợ lên đến hàng trăm tỷ đồng nhưng với lãi suất 0%. Trong đó, chỉ tính riêng Hợp đồng hỗ trợ vay vốn giữa Donacoop với Công ty Cường Hưng số 754A/2011/HĐ-LHHTX ký ngày 03/10/2011 với điều khoản Donacoop hỗ trợ vốn một số tiền là 50 tỷ đồng; mục đích của khoản hỗ trợ là sử dụng vào thực hiện dự án KDC Cường Hưng; lãi suất 0% (không phần trăm); Tài sản thế chấp là hơn 91,7ha dự án KDC Cường Hưng. Điều khoản hoàn trả được ghi rõ hoàn trả trong vòng 06 tháng, trường hợp Công ty Cường Hưng không trả nợ được thì chuyển nhượng lại dự án cho Donacoop với giá đất sạch được hai bên thống nhất là 70 USD/m2.
Tuy cam kết là vậy nhưng việc nợ của ông Đỗ Tịnh và Công ty Cường Hưng kéo dài đã quá lâu. Chỉ cần đặt một phép tính đơn giản lấy tổng số tiền nợ nêu trên tính với lãi suất ngân hàng và thời gian khoảng 5 năm thì chỉ tính tiền lãi có thể đã tăng thêm khoảng 200 tỷ đồng. Trong khi đó, tại cuộc họp ngày 26/7/2016, ông Đỗ Tịnh đã đưa ra hình thức Công ty Cường Hưng thanh toán các khoản nợ cho Donacoop và bà Xuân là đề nghị bán đất để trả nợ; ưu tiên cho Donacoop mua lại đất dự án với giá 40 USD/m2 (giá chưa VAT) hoặc Công ty Cường Hưng đề nghị để chào bán ra bên ngoài thu tiền về trả nợ cho Donacoop và bà Xuân. Các bên cùng thống nhất tìm cổ đông mới để mua lại phần vốn của ông Đỗ Tịnh và xử lý nợ cho Donacoop và bà Xuân trước ngày 31/12/2016. Thế nhưng, theo tìm hiểu của phóng viên thì đến thời điểm này, Công ty Cường Hưng vẫn chưa xử lý và thanh toán số nợ trên cho các cổ đông.
Vì sao các cổ đông sẵn sàng hỗ trợ vay hàng trăm tỷ đồng?
Công ty Cường Hưng được thành lập từ năm 2008 trên cơ sở Công ty TNHH Song Khuê, được đăng ký thay đổi lần hai Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiêp Công ty TNHH hai thành viên trở lên ngày 15/8/2008. Ngành nghề kinh doanh khu du lịch sinh thái, kinh doanh bất động sản; đầu tư kinh doanh cơ sở hạ tầng trong cụm công nghiệp; cho thuê nhà xưởng; gia công chế biến đá xây dựng các loại… vốn điều lệ 225 tỷ đồng, với ba thành viên góp vốn gồm ông Đỗ Tịnh chiếm 40% giá trị và 60% còn lại chia đều cho hai thành viên khác.
Thực chất, trước khi thành lập Công ty Cường Hưng thì đây chỉ là thỏa thuận hợp tác kinh doanh ba bên để thực hiện việc kinh doanh Dự án Khu dân cư thương mại dịch vụ tại xã Tân Phước, huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai (KDC Cường Hưng) có diện tích hơn 91,7ha do Công ty Song Khuê làm chủ đầu tư. Tuy nhiên, do khó khăn về vốn để thực hiện đền bù và đầu tư vào hạ tầng dự án nên ông Tịnh đã mời gọi các thành viên góp vốn, chuyển từ hợp tác kinh doanh sang góp vốn cổ phần và mời gọi các thành viên hỗ trợ vốn để thực hiện dự án.
Theo giải thích của Donacoop, thành viên góp vốn tại Công ty Cường Hưng: “Lúc bấy giờ, tôi đang phải quan hệ với các Sở ngành do bà Thanh phụ trách (khi đó bà Thanh đang là Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai), phải trình thủ tục phê duyệt dự án nên tôi sợ nếu không hỗ trợ cho vay thì không được nên tôi đành phải cho vay…”. Đại diện Donacoop cho biết thêm: Tuy không có tên trong danh sách thành viên HĐTV nhưng trong hầu hết các cuộc họp ở thời điểm trước, sau khi thành lập và sau khi được đổi tên thành Công ty Cường Hưng, bà Thanh đã trực tiếp tham gia vào các cuộc họp HĐTV, đồng thời không ít cuộc họp bà Thanh trực tiếp chủ trì và điều hành về hoạt động, phân công nhiệm vụ, định hướng chiến lược phát triển trong doanh nghiệp.
Đến thời điểm này, việc trả nợ cho các cổ đông dường như rơi vào bế tắc nhưng khoảng tháng 5/2017, Công ty Cường Hưng đã tự mở bán đất nền tại dự án KDC Cường Hưng và điều này càng gây thêm nhiều bức xúc. Trước sự việc này, đại diện phía Donacoop đã phải gửi đơn kêu cứu lên các cơ quan chức năng của tỉnh Đồng Nai để ngăn chặn việc mở bán đất nền của Công ty Cường Hưng.
Bài và ảnh: Phương Nam
Theo