Dù không còn là khái niệm mới nhưng việc phát triển công trình xanh (CTX) tại nước ta vẫn còn một số vướng mắc nhất định. Động lực tham gia phát triển CTX chủ yếu dựa vào nhận thức trách nhiệm xã hội và nhu cầu giảm chi phí vận hành của doanh nghiệp (DN) mà chưa có “động lực” đủ mạnh, đồng bộ để phát triển loại hình bất động sản này.
Nhiều trở ngại để “xanh hóa” công trình
Nhắc đến các CTX gần đây phải kể đến hai dự án Diamond Lotus Riverside và Diamond Lotus Lakeview do Công ty Cổ phần Đầu tư và Xây dựng Phúc Khang xây dựng tại TP Hồ Chí Minh. Đây là những CTX đầu tiên đáp ứng tiêu chuẩn LEED của Hoa Kỳ. Hiện Công ty Cổ phần Đầu tư và Xây dựng Phúc Khang đang khởi động dự án Khu đô thị Văn hóa, thương mại, du lịch Làng Sen Việt Nam tại huyện Đức Hòa (Long An) được nhận định như một đô thị chuẩn xanh và đang được thị trường quan tâm. Bà Lưu Thị Thanh Mẫu, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư và Xây dựng Phúc Khang cho rằng, để đầu tư một CTX đúng tiêu chuẩn LEED của Hoa Kỳ và Lotus của Việt Nam, chủ đầu tư phải chịu chi phí đầu tư ban đầu cao hơn từ 10 đến 15% so với một công trình bình thường. Điều này ảnh hưởng đến giá cả và tác động rất lớn đến tâm lý khách hàng. Do đó, nếu chỉ vì bài toán lợi nhuận thì việc xây dựng CTX không phải ưu tiên hàng đầu của chủ đầu tư.
Nhận định của bà Lưu Thị Thanh Mẫu cũng là mẫu số chung cho các chủ đầu tư khi việc xây dựng CTX chủ yếu dựa vào tâm huyết và sự tự nguyện của các chủ đầu tư. Theo Hội đồng CTX Việt Nam, nước ta hiện có hơn 60 CTX. Trong số ít những khu đô thị xanh nổi bật hiện nay không thể không nhắc đến hai dự án của Vingroup tại TP Hồ Chí Minh là Khu đô thị Vinhomes Central Park (mật độ xây dựng 15,7%) và dự án Vinhomes Golden River (mật độ xây dựng chỉ 18,6%). Với thiết kế chú trọng đưa mảng xanh vào không gian sống sang trọng, hai dự án này vượt qua 7 tiêu chí đô thị xanh của Hội Quy hoạch phát triển đô thị TP Hồ Chí Minh.
Khu đô thị Vinhomes Central Park được kỳ vọng là biểu tượng khu đô thị xanh của TP Hồ Chí Minh.
Ông Nguyễn Bá Thành, Phó giám đốc Sở Xây dựng TP Hồ Chí Minh thông tin, tính đến hết tháng 8-2017, trên địa bàn thành phố có 7 công trình đạt các tiêu chí về CTX (chứng chỉ LEED, EDGE), với ba chung cư, hai công trình văn phòng, một công trình trường học và một công trình công nghiệp. Việc xây dựng CTX đang gặp khó ngay cả đối với các công trình đầu tư bằng ngân sách Nhà nước khi nhiều chủ đầu tư vẫn chưa thật sự áp dụng các biện pháp, công nghệ tiết kiệm năng lượng, phát triển CTX do chi phí đầu tư ban đầu cao. Việc sử dụng vật liệu xây dựng không nung gặp khó khăn về công nghệ, giải pháp, tiêu chí thi công và nghiệm thu công trình.
Phát biểu tại Hội thảo “Phát triển CTX trong bối cảnh biến đổi khí hậu tại Việt Nam” mới đây, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Phan Thị Mỹ Linh phân tích, khó khăn hiện nay trong phát triển CTX chính là thị trường vật liệu và công nghệ CTX còn hạn chế, công tác tiếp nhận CTX còn khiêm tốn so với các quốc gia láng giềng như Singapore, Malaysia... Các công cụ phục vụ công tác quản lý nhà nước về CTX, tiết kiệm năng lượng vẫn đang trong giai đoạn nghiên cứu, chưa được triển khai sâu rộng. Cùng với đó, các chính sách ưu tiên, ưu đãi chưa đa dạng để thu hút sự quan tâm của chủ đầu tư. Theo Thứ trưởng Bộ Xây dựng Phan Thị Mỹ Linh, bộ đang xây dựng tiêu chí để đánh giá CTX và xác định các tuyến nội dung của CTX, đó là: Kiến trúc xanh thích ứng với biến đổi khí hậu, tăng cường sử dụng các nguồn năng lượng tự nhiên như năng lượng gió, năng lượng mặt trời, sử dụng vật liệu thân thiện với môi trường...
Đi tìm động lực để phát triển công trình xanh
Phát triển CTX là xu hướng tất yếu hiện nay, nhất là ảnh hưởng của biến đổi khí hậu tác động không nhỏ đến cuộc sống xã hội. Nhiều năm gần đây, không ít chủ trương, định hướng ban hành, có nhiều cuộc hội thảo, tọa đàm về giải pháp phát triển CTX, nhưng con số CTX vẫn rất khiêm tốn. Nguyên nhân là do cách làm chưa đủ hiệu quả, động lực phát triển CTX chưa đủ mạnh?
Lý giải vấn đề này, từ góc độ chuyên môn, kiến trúc sư Trần Khánh Trung, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Kiến trúc xanh TP Hồ Chí Minh cho rằng, quan niệm CTX là công trình trồng nhiều cây xanh vẫn đang khá phổ biến. Thực tế, đây chỉ là một yếu tố góp phần làm “xanh hóa” công trình. Một CTX phải hội đủ ít nhất 3 yếu tố cốt lõi: Sử dụng năng lượng hiệu quả, tương tác thân thiện với môi trường và tác động nâng cao ý thức cộng đồng.
Về định hướng phát triển CTX, theo ông Nguyễn Trần Nam, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, để xây dựng thị trường bất động sản xanh Việt Nam, Hiệp hội Bất động sản Việt Nam đã kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành sớm nghiên cứu ban hành các bộ tiêu chuẩn, quy chuẩn, tiêu chí liên quan đến CTX, áp dụng các cơ chế miễn, giảm thuế, hỗ trợ tài chính, kỹ thuật cho công tác phát triển CTX. Vừa qua, Hiệp hội Bất động sản Việt Nam đã phối hợp cùng các đối tác triển khai Chương trình vận động phát triển CTX tại Việt Nam. Hiệp hội đã xây dựng chương trình hành động cho 5 năm tới với mục tiêu góp phần tạo lập nền tảng cơ bản cho việc hình thành một thị trường bất động sản xanh của Việt Nam. Đây có thể xem là động thái tích cực, tạo thêm động lực thúc đẩy phát triển CTX.
Là một địa phương có tốc độ đô thị hóa rất nhanh, TP Hồ Chí Minh vẫn chú trọng phát triển CTX bằng cách đẩy mạnh việc sử dụng vật liệu xây không nung, nhất là với các công trình xây dựng bằng vốn ngân sách. UBND thành phố đã ban hành các quy định, chương trình khuyến khích đầu tư xây dựng công trình tiết kiệm năng lượng, CTX. Thành phố sẽ xem xét tăng hệ số sử dụng đất đối với các CTX trong khu trung tâm thêm 25%. Sở Xây dựng thành phố đang phối hợp với Tổ chức Tài chính quốc tế (IFC) tham mưu xây dựng cơ chế ưu đãi CTX tại thành phố như rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục hành chính, ưu đãi về sử dụng đất, chỉ tiêu quy hoạch kiến trúc...
Nhiều chuyên gia xây dựng cũng cho rằng, phát triển CTX không nên giới hạn tư duy ở một công trình đơn độc mà phải là phát triển đồng bộ những ngôi nhà xanh, căn hộ xanh này cùng với một không gian sống xanh mới tạo ra giá trị xanh thật sự cho CTX. Điều đó cần có sự chung tay vào cuộc của chính quyền địa phương, chủ đầu tư và định hướng lựa chọn CTX của người dân. Bà Vũ Thị Kim Thoa, Trưởng đoàn tư vấn Chương trình năng lượng sạch USAID Việt Nam cho biết, CTX có thể tiết kiệm 50% tiêu thụ năng lượng so với thiết kế ban đầu mà không làm tăng chi phí. Lợi ích rõ ràng nhất của CTX là giảm chi phí vận hành (thường chiếm hơn 80% chi phí đầu tư). Bà Vũ Thị Kim Thoa kiến nghị, Bộ Xây dựng cần nhanh chóng ban hành Thông tư Quy định về hoạt động đánh giá và chứng nhận CTX, làm cơ sở cho việc hình thành và phát triển các tổ chức tư vấn, chứng nhận CTX... đồng thời, từng địa phương khi quy hoạch, cấp phép xây dựng công trình cần kiên quyết ưu tiên dự án CTX thì mới có thể tạo nên một hệ sinh thái bền vững cho CTX phát triển.
Theo HỒNG GIANG/qdnd.vn