(Xây dựng) - Ngày 21/7, tại Hà Nội, Hội đồng thẩm định Bộ Xây dựng đã thông qua Đề án đề nghị công nhận TP Đồng Hới là đô thị loại II trực thuộc tỉnh Quảng Bình, với điểm số trung bình là 87,84 điểm.
Thứ trưởng Phan Thị Mỹ Linh đánh giá cao những kết quả mà đô thị Đồng Hới đạt được.
Tham dự buổi thẩm định có Thứ trưởng Bộ Xây dựng Phan Thị Mỹ Linh - Chủ tịch Hội đồng thẩm định, Phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh Quảng Bình Nguyễn Xuân Quang, Chủ tịch UBND TP Đồng Hới Trần Đình Dinh, các thành viên của Hội đồng thẩm định đại diện Bộ Nội vụ, Bộ TN&MT, Bộ Công Thương, Bộ Quốc phòng, Bộ GTVT, Bộ Tài chính, Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, Hiệp hội các đô thị Việt Nam và các cục, vụ thuộc Bộ Xây dựng.
Ấn tượng TP hoa hồng
Đồng Hới được người dân Quảng Bình trìu mến gọi tên là TP hoa hồng bởi vẻ đẹp đặc biệt của nó, một TP ven biển miền Trung, với đường bờ biển dài 15,7km, đồng thời là trung tâm hành chính, chính trị, kinh tế văn hóa, xã hội, khoa học kỹ thuật tỉnh Quảng Bình. Đồng Hới có QL1A cùng đường sắt Bắc - Nam chạy qua, có cảng Nhật Lệ, cảng hàng không Đồng Hới, có nhiều bãi tắm đẹp cũng như có hệ thống các sông hồ, rừng nguyên sinh...
Năm 2003, thị xã Đồng Hới đã được Bộ Xây dựng ban hành Quyết định công nhận là đô thị loại III. Sau đó 1 năm, Đồng Hới được Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định công nhận là TP. Từ đó đến nay, Đồng Hới đã có những bước tiến mạnh mẽ, cơ cấu kinh tế chuyển biến tích cực theo hướng tăng nhanh tỷ trọng công nghiệp - dịch vụ, kết cấu hạ tầng kinh tế xã hội được đầu tư nâng cấp đồng bộ theo hướng TP dịch vụ, du lịch văn minh, hiện đại, đời sống người dân được nâng cao...
Hiện nay, TP Đồng Hới có 16 đơn vị hành chính, gồm 10 phường và 6 xã, với tổng diện tích tự nhiên là 155,71km2, chiếm khoảng 19,2% diện tích tự nhiên toàn tỉnh, tổng dân số là 160 nghìn người (năm 2013), tỷ lệ đô thị hóa đạt 75%. Thu nhập bình quân đầu người của TP Đồng Hới năm 2013 đạt 2.871,3 USD, cao gấp 1,46 lần thu nhập bình quân đầu người của cả nước, tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn 1,72%.
Đồng Hới là được đánh giá là một trong số ít những TP ở Việt Nam có tỷ lệ đường phố chính khu vực nội thị được chiếu sáng đạt 100% và có tỷ lệ thất thoát nước đặc biệt thấp, chỉ 16%, với 97,36% dân số nội thị được cấp nước sạch sinh hoạt. Ấn tượng hơn nữa, 100% lượng rác thải rắn sinh hoạt khu vực nội thị sau khi được thu gom đều được xử lý triệt để, với tổng khối lượng rác thải được xử lý là 84 tấn/ngày đêm.
Đánh giá về tiêu chí này, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Phan Thị Mỹ Linh cho biết: "Trong khi nhiều TP lớn của cả nước thì tỷ lệ thu gom và xử lý chất thải rắn còn gặp không ít khó khăn, thách thức, thì tại một TP trực thuộc tỉnh như Quảng Bình như Đồng Hới lại đạt được tỷ lệ rất đáng mừng trong thu gom, xử lý chất thải rắn".
Thứ trưởng Phan Thị Mỹ Linh đánh giá cao kết quả xã hội hóa của TP Đồng Hới trong linh vực chiếu sáng đô thị, xây dựng hạ tầng giao thông đô thị nên đã mang lại nhiều lợi ích thực tế cho người dân TP. Trong thời gian tới, Thứ trưởng Phan Thị Mỹ Linh mong muốn TP Đồng Hới tiếp tục phát huy thế mạnh này nhằm tạo ra động lực phát triển kinh tế - xã hội cũng như nâng cao mức sống, hưởng thụ của người dân Đồng Hới nói riêng, tỉnh Quảng Bình nói chung.
TP trung tâm dịch vụ vùng
"Việc nâng cấp Đồng Hới lên đô thị loại II không những tạo cho TP những tiền đề phát huy tối đã những tiềm năng tự nhiên, tạo thế và lực mới trong xu thế hội nhập, phát triển, hoặc tạo cho TP thêm nhiều kinh nghiệm nhằm nâng cao năng lực quản lý cũng như tăng cường chất lượng đô thị mà còn có ý nghĩa hết sức quan trọng trong quá trình xây dựng cũng như phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Quảng Bình, đặc biệt là về dịch vụ, du lịch", KTS Trần Đình Dinh - Chủ tịch UBND TP Đồng Hới cho biết.
Từ năm 2011, UBND TP Đồng Hới đã ban hành Chương trình phát triển du lịch, thương mại giai đoạn 2011 - 2015, với mục tiêu phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn của TP, trung tâm dịch vụ vùng Bắc Trung bộ, đồng thời là một trong những điểm đến hấp dẫn nhất trong tuyến du lịch Con đường di sản miền Trung và hành lang kinh tế Đông - Tây. Đến nay, hệ thống nhà hàng, khách sạn của TP đã được đầu tư phát triển với hơn 140 cơ sở, trong đó có 2 cơ sở đạt tiêu chuẩn 4 sao là khách sạn Sài Gòn - Quảng Bình và khu du lịch sinh thái Sunspa Resort.
TP Đồng Hới định hướng phát triển các tuyến du lịch theo các tuyến đường viên biển (Đồng Hới - Nha Trang - Vân Phong - Đại Lãnh), tuyến đường di sản (Đồng Hới - Kim Liên, Đồng Hới - Huế - Thánh địa Mỹ Sơn - phố cổ Hội an), tuyến hành lang Đông - Tây sang Lào, Thái Lan, Campuchia, Đồng Hới - Đà Lạt, Đồng Hới - Phong Nha Kẻ Bàng, Đồng Hới - Vũng Chùa, Đảo Yến...
Đến năm 2015, TP Đồng Hới phấn đấu đạt 1 triệu lượt khách du lịch, trong đó có 95 nghìn lượt khách quốc tế. Số lượng này sẽ tăng lên khoảng 2 triệu lượt khách vào năm 2020 (khách quốc tế đạt khoảng 280 nghìn lượt). TP Đồng Hới hiện nay đang chú trọng nâng cao chất lượng phục vụ, phong cách giao tiếp của đội ngũ nhân viên ngành du lịch, đồng thời phấn đấu tăng thời gian lưu trú đến năm 2015 của khách du lịch đạt khoảng 2 ngày/khách, với khoảng 200 cơ sở lưu trú...
Để Đồng Hới phát huy tốt nhất tiềm năng, thế mạnh vê du lịch, Thứ trưởng Phan Thị Mỹ Linh có đề nghị TP cần chú trọng đến việc xây dựng những công trình du lịch tạo điểm nhấn về kiến trúc, để Đồng Hới xứng tầm là một đô thị loại II, không chỉ trong các văn bản hành chính mà quan trọng hơn là trong lòng du khách mỗi khi đến thăm Quảng Bình.
Trần Đình Hà
Theo