Thứ bảy 05/10/2024 22:22 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Kinh tế /

Đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp vươn lên từ 'nghịch cảnh'

18:27 | 03/01/2022

Nỗ lực của cả hệ thống chính trị nhằm hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp và quyết tâm, tinh thần tự lực, tự cường, vươn lên từ “nghịch cảnh” đã góp phần quan trọng giúp ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội, duy trì triển vọng kinh tế tích cực của đất nước trong năm 2022 và củng cố niềm tin của doanh nghiệp vào các quyết sách của Đảng, Nhà nước và Chính phủ.

dong hanh ho tro doanh nghiep vuon len tu nghich canh
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông - Ảnh: VGP/Minh Ngọc

Năm qua, cộng đồng doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh COVID-19. Với vai trò là cơ quan tham mưu tổng hợp cho Chính phủ về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã đề xuất với Chính phủ nhiều quyết sách quan trọng và tổ chức hàng loạt hoạt động góp phần thiết thực vào việc nêu cao tinh thần Chính phủ luôn “chung vai sát cánh” cùng doanh nghiệp. Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông đã chia sẻ với Báo Điện tử Chính phủ về những kết quả đạt được và giải pháp để tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp phát triển bền vững trong tương lai.

Hỗ trợ doanh nghiệp rất đúng nhu cầu, đúng thời điểm

Có thể nói, năm 2021 là một chặng đường chông gai với nhiều “khúc cua”, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) có những hành động cụ thể gì và hiệu quả ra sao trong việc hỗ trợ, đồng hành cùng doanh nghiệp vượt qua khó khăn, thách thức?

Ông Trần Duy Đông: Bốn làn sóng dịch COVID-19 tại Việt Nam gây ảnh hưởng và sức ép nặng nề đến mọi mặt đời sống, kinh tế - xã hội. Trong đó, cộng đồng doanh nghiệp phải đối mặt với rất nhiều thách thức. Để tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh, phục hồi kinh tế, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách, giải pháp vừa ứng phó với dịch bệnh vừa duy trì hoạt động kinh tế.

Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ KH&ĐT luôn phát huy tinh thần đồng hành cùng doanh nghiệp, lắng nghe mọi ý kiến, đề xuất của doanh nghiệp, doanh nhân. Chúng tôi đã chủ động tổ chức các cuộc gặp gỡ lắng nghe vướng mắc, khó khăn, đề xuất của cộng đồng doanh nghiệp và phối hợp với Văn phòng Chính phủ tổ chức thành công các Hội nghị Thủ tướng Chính phủ đối thoại với doanh nghiệp.

Đặc biệt, thời gian qua, Bộ đã tiên phong đề xuất cho Chính phủ, Thủ tướng Chính ban hành kịp thời các quyết sách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ doanh nghiệp thích ứng và phục hồi trong bối cảnh dịch COVID-19 như các Nghị quyết: Số 41/NQ-CP năm 2020, số 84/NQ-CP năm 2020, số 105/NQ-CP năm 2021, 97/NQ-CP năm 2021…

Tôi có thể chia sẻ một số kết quả nổi bật như sau: Qua 5 đợt triển khai Nghị quyết 97/NQ-CP về phương án hỗ trợ giảm tiền điện, giảm giá điện, doanh nghiệp được hỗ trợ gần 17.000 tỷ đồng; ước tính hỗ trợ các dịch vụ viễn thông qua gói hỗ trợ trong 3 tháng kể từ tháng 8/2021 là khoảng 4.000 tỷ đồng; hỗ trợ người lao động tham gia đóng bảo hiểm xã hội 30.000 tỷ đồng.

Đáng chú ý, thông qua Nghị quyết 105/NQ-CP, 500.000 doanh nghiệp đã được cơ cấu thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ với dư nợ 260.000 tỷ đồng; 1,7 triệu doanh nghiệp được miễn, giảm, hạ lãi suất với dư nợ gần 2,5 triệu tỷ đồng.

Đồng thời, Bộ KH&ĐT thực hiện tốt vai trò cơ quan thường trực của 2 Tổ công tác đặc biệt của Thủ tướng Chính phủ về tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân; tháo gỡ vướng mắc về đầu tư kinh doanh.

Là đầu mối thúc đẩy việc triển khai các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) theo quy định tại Luật Hỗ trợ DNNVV và Nghị định 80/2021/NĐ-CP, Bộ đã trực tiếp phối hợp với USAID LinkSME và một số tổ chức khác (JICA, Cơ quan phát triển doanh nghiệp Singapore, Hiệp hội DNNVV Việt Nam, các tập đoàn công nghệ lớn trên thế giới...) triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ DNNVV. Trong đó, trọng tâm là hỗ trợ doanh nghiệp giải quyết những thách thức do tác động của dịch bệnh liên quan tới việc tham gia vào chuỗi liên kết, giảm thiểu sự đứt gãy chuỗi cung ứng, tiếp cận tài chính và chuyển đổi số nhằm tạo nền tảng phát triển bền vững.

Nhìn chung, các chính sách được ban hành có sự kết hợp giữa chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ và các chính sách hỗ trợ ngành hoặc an sinh xã hội khác. Theo đánh giá của tôi, những hỗ trợ trên là rất đúng nhu cầu, đúng thời điểm để doanh nghiệp có thêm động lực, nền tảng duy trì, ổn định hoạt động sản xuất kinh doanh và hoàn toàn phù hợp với ưu tiên chính sách của Chính phủ, khẳng định Chính phủ luôn đồng hành và lắng nghe doanh nghiệp.

Nỗ lực của cả hệ thống chính trị nhằm hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp và quyết tâm, tinh thần tự lực, tự cường, vươn lên từ “nghịch cảnh” đã góp phần quan trọng giúp ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội, duy trì triển vọng kinh tế tích cực của đất nước trong năm 2022 và củng cố niềm tin của doanh nghiệp vào các quyết sách của Đảng, Nhà nước và Chính phủ.

Giải pháp cho năm mới và cơ hội sát hạch lại năng lực doanh nghiệp

Để tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn, thách thức và phát triển bền vững trong tương lai, những kế hoạch, chương trình cụ thể gì cần phải được triển khai trong năm mới 2022, thưa Thứ trưởng?

Ông Trần Duy Đông: Tôi cho rằng cần triển khai chương trình phục hồi cho doanh nghiệp với một số giải pháp cụ thể. Thứ nhất là tiếp tục đẩy mạnh hỗ trợ tăng tính thanh khoản cho doanh nghiệp, như giãn, hoãn thời gian nộp thuế; miễn, giảm thuế, phí, các khoản phải nộp, giảm lãi suất cho vay. Thứ hai, cấp bù lãi suất cho doanh nghiệp trong những ngành nghề bị tác động mạnh bởi dịch bệnh COVID-19 và những nhóm ngành trọng tâm ưu tiên phát triển để tạo đà phục hồi cho kinh tế.

Ngoài ra, doanh nghiệp của chúng ta không thể nằm ngoài cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 nên việc hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số, doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, ứng dụng khoa học công nghệ là tất yếu.

Thứ năm là hỗ trợ tái cấu trúc lao động, thu hút, đào tạo lại lao động đi kèm với nhiệm vụ quan trọng là tái cấu trúc doanh nghiệp. Trong đó, doanh nghiệp phải tái cấu quản lý tài chính và quản trị rủi ro.

Thứ sáu, tôi nghĩ cần tích cực đẩy mạnh triển khai hỗ trợ DNNVV theo quy định tại Nghị định 80/2021/NĐ-CP của Chính phủ. Theo đó, tập trung vào các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, hỗ trợ doanh nghiệp tham gia chuỗi liên kết, chuỗi giá trị, hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số, ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo.

Cuối cùng, việc triển khai có hiệu quả các hoạt động trong khuôn khổ các dự án hỗ trợ kỹ thuật cho doanh nghiệp như hỗ trợ kết nối, hỗ trợ nâng cao năng lực cạnh tranh doanh nghiệp khu vực tư nhân, hỗ trợ chuyển đổi số, hỗ trợ tiếp cận tài chính,... sẽ góp phần tạo ra nền tảng vững chắc để doanh nghiệp phát triển bền vững.

Thứ trưởng vừa nhắc đến DNNVV – khối doanh nghiệp chiếm đa số trong nền kinh tế nước ta và dễ bị tổn thương nhất khi có biến động. Theo ông, để chủ động vượt qua khó khăn, nắm bắt cơ hội phát triển, các DNNVV cần chuẩn bị những gì?

Ông Trần Duy Đông: Doanh nghiệp Việt Nam, đa số là DNNVV có năng lực cạnh tranh thấp, khả năng tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu còn hạn chế. Hầu hết các doanh nghiệp Việt Nam chủ yếu vẫn đang phát triển theo chiều rộng, chưa cải thiện nhiều về chất lượng và phát triển theo chiều sâu. Đại dịch COVID-19 làm cho sức chống chịu của doanh nghiệp, đặc biệt DNNVV bị suy giảm, dẫn đến nguy cơ đứt gãy chuỗi cung ứng, chuỗi lao động, ảnh hưởng sản xuất quy mô lớn.

Tuy nhiên, dịch bệnh cũng đem lại nhiều cơ hội cho doanh nghiệp. Đó là cơ hội hình thành và phát triển các chuỗi giá trị, chuỗi liên kết mới; hình thành các mô hình, ngành nghề kinh doanh mới,... Đây thực sự cũng là cơ hội giúp các DNNVV nước ta nhìn nhận, sát hạch lại năng lực thực sự, sức chống chịu, khả năng thích nghi trước biến cố thị trường, tái cơ cấu sản xuất và chuyển đổi chiến lược.

Trước thời cơ và thách thức, theo quan điểm của tôi, doanh nghiệp nên chủ động đổi mới mô hình sản xuất kinh doanh, tái cấu trúc doanh nghiệp gắn với chuyển đổi số, từ đó nâng cao năng lực, sức cạnh tranh. Đồng thời, chủ động chuyển đổi lao động, tái cấu trúc lao động, chú trọng đào tạo, tái đào tạo lại người lao động và trang bị nền tảng quản trị doanh nghiệp hiện đại, chuyên nghiệp.

Một điểm mà DNNVV cần không ngừng đẩy mạnh là chủ động ứng dụng mạnh mẽ khoa học công nghệ để biến thách thức thành cơ hội, tạo chuẩn giá trị mới và mở rộng thị trường, tiến tới tham gia vào sâu hơn chuỗi giá trị toàn cầu./.

Theo Minh Ngọc/baochinhphu.vn

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load