Ngày 27/3, chùa Hoằng Phúc ở xã Mỹ Thủy, huyện Lệ Thủy (Quảng Bình) đã tổ chức lễ đón nhận và trưng bày tượng Phật ngọc hòa bình thế giới.
Tượng Phật ngọc hòa bình thế giới được cung nghinh, trưng bày tại chùa Phật Tích (Bắc Ninh), năm 2009. Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)
Phật ngọc hòa bình thế giới là pho tượng Phật Thích ca Mâu ni ngồi thiền trên tòa sen trong tư thế liên hoa, làm bằng ngọc thạch Đây là pho tượng Phật được cho là lớn nhất và trang nghiêm nhất thế giới với chiều cao 2,54m, chiều ngang 1,77m. Tượng Phật ngọc được ghép lại từ 5 phần gồm kim thân, nhục kế, hào quang, tòa sen, bình bát.
Khối ngọc thạch để làm tượng Phật ngọc hòa bình thế giới này được phát hiện tại miền Bắc Canada vào năm 2000. Toàn bộ khối ngọc nặng khoảng 18 tấn, ít tì vết, có màu xanh lá cây. Vào năm 2008, một phần của khối ngọc thạch, nặng khoảng 4 tấn đã được lấy để các nhà điêu khắc tài ba ở Thái Lan chế tác thành pho tượng Phật ngọc hòa bình thế giới.
Sau khi hoàn thành, vào năm 2009, một số nước, trong đó có Việt Nam đã được chọn để trưng bày với niềm tin tưởng Phật ngọc sẽ đem đến hòa bình cho thế giới. Như vậy, đây là lần thứ 2, Việt Nam là nước được chọn để trưng bày tượng Phật ngọc hòa bình thế giới. Dự kiến, tượng Phật ngọc hòa bình thế giới được trưng bày tại chùa Hoằng Phúc đến hết ngày 5/4/2016.
Chùa Hoằng Phúc - di tích lịch sử cấp Quốc gia, nơi trưng bày tượng Phật ngọc hòa bình thế giới, còn có tên là chùa Kính Thiên, chùa Quan. Chùa gắn với cuộc đời hoằng pháp của Phật hoàng Trần Nhân Tông và cũng là nơi từng nuôi dưỡng, che giấu cán bộ cách mạng trong hai cuộc kháng chiến của dân tộc.
Chùa Hoằng Phúc tọa lạc trên vùng đất cao ráo, rộng gần 10.000 m2, ở phía hữu ngạn sông Kiến Giang, cách trung tâm huyện Lệ Thủy 4km về phía Nam. Hiện nay, chùa còn lưu giữ nhiều hiện vật cổ có giá trị cao như tượng Phật bà Quán thế âm Bồ Tát, Địa tạng Vương Bồ Tát cùng một số pháp khí bằng đồng được đúc rất tinh xảo. Ngoài ra, tại chùa còn có đại hồng chung lớn được đúc vào thời vua Minh Mạng.
Năm 2014, chùa Hoằng Phúc đã được phục dựng, tôn tạo theo hướng giữ nguyên trạng chùa cũ (lối chùa cổ thời nhà Trần) gồm Tam quan ngoại, tam quan nội, tháp phật, tam bảo chùa với tổng mức đầu tư gần 60 tỷ đồng từ nguồn xã hội hóa. Hiện, chùa Hoằng Phúc là nơi sinh hoạt văn hóa tâm linh, giữ gìn truyền thống, bản sắc văn hóa quê hương. Chùa Hoằng Phúc cũng là danh thắng thu hút nhiều du khách khi đến Quảng Bình.
Theo Hi Trang-Đức Thọ/Vietnamplus.vn
Theo