Chiều 28/11, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật.
Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN) |
Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 8, chiều 28/11, Quốc hội thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật.
Có quy định về xử lý vi phạm
Thảo luận tại hội trường, các đại biểu tán thành sự cần thiết bổ sung, sửa đổi một số điều của Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật; đồng thời cho rằng sau hơn 17 năm thi hành, Luật đạt nhiều kết quả quan trọng, góp phần nâng cao năng lực hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa chủ lực.
Một số đại biểu đề nghị Ban soạn thảo cần cân nhắc đơn giản hóa quy trình thẩm định và ban hành quy chuẩn kỹ thuật, đặc biệt trong các trường hợp cấp bách như phòng, chống dịch và thiên tai. Dự thảo luật cũng cần có cơ chế rõ ràng để bảo đảm quy trình xây dựng và ban hành quy chuẩn kỹ thuật không trở thành rào cản cho hoạt động thương mại và sản xuất của các doanh nghiệp.
Liên quan đến khái niệm đánh giá sự phù hợp, đại biểu Nguyễn Tâm Hùng (tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu) đề nghị Ban soạn thảo xem xét bổ sung thêm các quy định rõ ràng hơn về trách nhiệm, quyền hạn của các tổ chức thực hiện đánh giá sự phù hợp. Các tổ chức này phải có trách nhiệm báo cáo định kỳ về hoạt động và chịu sự giám sát của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền để bảo đảm tính minh bạch và tránh tình trạng lạm quyền. "Đặc biệt cần có quy định về xử lý vi phạm nếu các tổ chức này cung cấp kết quả đánh giá sai lệch hoặc không khách quan," đại biểu Nguyễn Tâm Hùng nêu.
Về chính sách của Nhà nước về phát triển hoạt động trong lĩnh vực tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật, đại biểu Nguyễn Tâm Hùng cho rằng đây là bước tiến quan trọng để nâng cao năng lực, tiêu chuẩn hóa, góp phần giúp Việt Nam hội nhập sâu rộng hơn vào thị trường quốc tế. Song, Ban soạn thảo xem xét cần bổ sung thêm quy định về việc hỗ trợ tài chính và kỹ thuật cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa trong việc áp dụng các tiêu chuẩn quốc gia và quốc tế.
"Thực tế hiện nay nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc tiếp cận các chương trình đào tạo và ứng dụng các tiêu chuẩn quốc tế do chi phí cao. Việc hỗ trợ này sẽ giúp các doanh nghiệp trong nước nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, đáp ứng các yêu cầu khắt khe của thị trường quốc tế," đại biểu Nguyễn Tâm Hùng lý giải.
Tránh tình trạng độc quyền hoặc nhóm lợi ích
Phát biểu tại Hội trường, đại biểu Phạm Văn Thịnh (tỉnh Bắc Giang) đề nghị Chính phủ cần có biện pháp để tạo cạnh tranh lành mạnh của thị trường dịch vụ đánh giá sự phù hợp tiêu chuẩn, quy chuẩn; tránh xảy ra tình trạng độc quyền hoặc nhóm lợi ích.
"Trong thực tiễn, đã có những quy chuẩn kỹ thuật có hiệu lực nhưng không có đơn vị đánh giá sự phù hợp hoặc có nhưng không đủ công suất gây ách tắc hoạt động của doanh nghiệp trong nhiều tháng," đại biểu Phạm Văn Thịnh nêu.
Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN) |
Bên cạnh đó, đại biểu Phạm Văn Thịnh cho rằng các cơ quan quản lý đã thường xuyên sửa đổi, bổ sung nhiều tiêu chuẩn, quy chuẩn nhưng thực trạng tiêu chuẩn, quy chuẩn có những bất cập vẫn diễn ra. Hiện có khoảng 13.000 tiêu chuẩn quốc gia và 800 quy chuẩn. Việc áp dụng quy chuẩn là bắt buộc, còn tiêu chuẩn là tự nguyện, nhưng thực tế hầu hết các hoạt động, khi tiến hành thực hiện, người có thẩm quyền đều quy định tuân thủ bắt buộc đối với tiêu chuẩn, nhất là đối với hoạt động xây dựng công trình.
Việc thiết kế tiêu chuẩn, quy chuẩn có thể gặp phải xu hướng là xây dựng quá chi tiết, quá thừa, chủ yếu quan tâm đến thủ tục thực hiện mà không ưu tiên theo hướng kiểm soát chất lượng khi kết thúc từng giai đoạn, dẫn đến mất đi sự sáng tạo, tăng chi phí tuân thủ, có thể còn lạc hậu khi công nghệ, vật liệu sử dụng đã thay đổi hoặc khi có tiêu chuẩn sản phẩm phù hợp hơn với thực tiễn, hiệu quả kinh tế cao hơn nhưng chậm được ban hành để áp dụng.
"Để cải thiện việc này được bền vững, cách duy nhất là phát huy vai trò của nhân dân, dựa vào nhân dân. Đề nghị Luật quy định cơ chế thúc đẩy sáng kiến cải tiến các tiêu chuẩn, quy chuẩn và cơ chế giám sát của cộng đồng, Quốc hội; trách nhiệm giải trình của cơ quan ban hành để đảm bảo các tiêu chuẩn quốc gia, quy chuẩn quốc gia luôn được cải tiến theo hướng phù hợp với hội nhập quốc tế, dễ thực hiện, chi phí tuân thủ tối ưu, có không gian sáng tạo để thúc đẩy áp dụng công nghệ, kỹ thuật, vật liệu mới trong thực hiện tiêu chuẩn, quy chuẩn.
Nội dung các sáng kiến, giám sát, giải trình cần được thực hiện công khai và ghi nhận hoàn toàn trên môi trường số. Chính phủ có trách nhiệm quy định chi tiết nội dung của Điều này," đại biểu Phạm Văn Thịnh đề nghị.
Giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt khẳng định: "không hề có sự chồng chéo giữa Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật với các luật chuyên ngành khác" đối với bản công bố hợp quy đối với sản phẩm thú y. Qua quá trình đánh giá hồ sơ Luật, Bộ Khoa học và Công nghệ thấy rằng doanh nghiệp vừa phải tuân thủ quy chuẩn kỹ thuật do bộ chuyên ngành xây dựng, vừa phải thực hiện các biện pháp chuyên ngành khác để đảm bảo chất lượng sản phẩm, hàng hóa. Như vậy, quy định quá nghiêm ngặt dẫn đến tình trạng doanh nghiệp phải thực hiện cùng một lúc hai hoặc nhiều thủ tục.
Bộ Khoa học và Công nghệ thấy rằng nếu bỏ thủ tục công bố hợp quy thì không khác nào Việt Nam bỏ quy chuẩn kỹ thuật. Vì đã có quy chuẩn kỹ thuật, bắt buộc phải có công bố hợp quy thì mới kiểm soát, đảm bảo được chất lượng sản phẩm, hàng hóa.
"Mặt khác, việc bỏ thủ tục công bố hợp quy hay quy chuẩn kỹ thuật sẽ đi ngược lại với thông lệ quốc tế, cam kết quốc tế; đồng thời gây rủi ro, mất an toàn khi có những sản phẩm, hàng hóa không có biện pháp quản lý chất lượng nào khác ngoài quy chuẩn kỹ thuật," Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt nêu.
Theo Diệp Trương (TTXVN/Vietnam+)