Chính phủ đã ban hành Nghị định số 80/2021/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn một số điều của Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa. Trong Nghị định nêu rõ, doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo được hỗ trợ về thông tin, truyền thông, xúc tiến thương mại, kết nối mạng lưới khởi nghiệp sáng tạo, kinh phí…
Tới đây, doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo được hỗ trợ rất nhiều chính sách. Ảnh: Cao Nguyên |
Tìm cơ hội trong thách thức
Đại dịch COVID-19 đã làm bộc lộ những hạn chế của nhiều doanh nghiệp (DN) khởi nghiệp, kể cả những DN đã lớn mạnh trên thế giới. DN khởi nghiệp dường như có khả năng chống chịu ít hơn khi kinh tế trở nên bất ổn. Nhìn vào số liệu kinh tế - xã hội tháng 8 được Tổng cục Thống kê công bố cho thấy, tính chung 8 tháng năm 2021, cả nước có 81.600 DN đăng ký thành lập mới nhưng có 85.500 DN rời khỏi thị trường, cao hơn đến 3.900 DN.
Tuy vậy, điều đó không thể nói lên tất cả, trong khi nhiều mô hình kinh doanh gặp bất lợi, một số mô hình kinh doanh và công nghệ lại trở nên hấp dẫn và tăng trưởng vượt bậc… Đây chính là bức tranh phong phú và đa dạng của khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.
Vẫn có nhiều dự án khởi nghiệp thành công, hợp xu thế, thể hiện sự sáng tạo, “cái khó ló cái khôn” của startup Việt. Vào đầu tháng 8.2021, startup StepHero - một đơn vị phát triển game trực tuyến được khởi động, chỉ sau 10 ngày đã đạt hơn 100.000 người quan tâm. Dự án liên tục xếp hạng top 1 - 3 về các chỉ số người dùng lớn nhất trên mạng xã hội Twitter về mảng blockchain gaming.
Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh cho rằng, trong khó khăn khủng hoảng luôn có những cơ hội xuất hiện và DN nào nhanh nhạy, thay đổi kịp với thời cuộc thì có thể mang lại giá trị mới, đột phá. Minh chứng, có những DN trong ngành game của Việt Nam đã vụt sáng tăng trưởng gần đây.
Nhiều DN khởi nghiệp ra những dự án trực tiếp giải quyết những nhu cầu bức thiết trong tình hình mới, ứng dụng những công nghệ mới như trí tuệ nhân tạo, thực tế ảo tăng cường như công cụ dạy học/phòng học trực tuyến, khám bệnh trực tuyến…
Thực tế, trước đây vẫn còn thiếu chính sách rõ ràng để phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo như: Quỹ tài trợ vốn, chính sách khuyến khích tư nhân đầu tư mạo hiểm vào các DN khởi nghiệp sáng tạo, khuyến khích các chương trình đào tạo đổi mới sáng tạo trong trường học. Chưa có cơ chế hỗ trợ cụ thể đối với các tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp, mặc dù đây là một thành phần đóng vai trò thiết yếu trong hoạt động của hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo.
DN khởi nghiệp tại địa phương chủ yếu là DN siêu nhỏ, nhỏ và vừa, khởi nghiệp theo phương thức truyền thống, tự tạo, tự lập. Sự ứng dụng, chuyển giao công nghệ chưa mạnh mẽ nên sức cạnh tranh của sản phẩm còn chưa hiệu quả, sự tăng trưởng chưa nhanh.
Nhiều chính sách thúc khởi nghiệp
Nói với Lao Động, chuyên gia tài chính - TS Nguyễn Ngọc Tú cho rằng, với những DN mới tham gia thị trường, không nên lựa chọn bài toán của COVID-19 ở thời điểm hiện tại để làm bài toán phát triển bền vững lâu dài. Bởi yếu tố bối cảnh và thời điểm có thể sẽ thay đổi khác, môi trường kinh doanh, thói quen khách hàng cũng sẽ khác đòi hỏi phải có những giải pháp mới.
Mới đây, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 80/2021/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn một số điều của Luật Hỗ trợ DN nhỏ và vừa. Theo Điều 22 của Nghị định, DN nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo được hỗ trợ nhiều chi phí, lệ phí…
Cụ thể, hỗ trợ 100% chi phí sử dụng trang thiết bị tại cơ sở kỹ thuật, cơ sở ươm tạo, khu làm việc chung nhưng không quá 20 triệu đồng/năm/doanh nghiệp; hỗ trợ tối đa 50% chi phí thuê mặt bằng tại các cơ sở ươm tạo, khu làm việc chung nhưng không quá 5 triệu đồng/tháng/doanh nghiệp. Thời gian hỗ trợ tối đa là 3 năm kể từ ngày doanh nghiệp ký hợp đồng thuê mặt bằng.
Hỗ trợ 100% giá trị hợp đồng tư vấn quản lý và phát triển các sản phẩm, dịch vụ được bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ ở trong nước nhưng không quá 50 triệu đồng/hợp đồng/năm/doanh nghiệp; hỗ trợ tối đa 50% giá trị hợp đồng tư vấn xác lập chuyển giao, khai thác và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ ở nước ngoài nhưng không quá 50 triệu đồng/hợp đồng/năm/doanh nghiệp.
"Hỗ trợ tối đa 50% chi phí thử nghiệm sản phẩm mới tại các đơn vị, tổ chức thử nghiệm sản phẩm hàng hóa nhưng không quá 30 triệu đồng/năm/doanh nghiệp; hỗ trợ tối đa 50% giá trị hợp đồng tư vấn hoàn thiện sản phẩm mới, dịch vụ mới, mô hình kinh doanh mới, công nghệ mới nhưng không quá 50 triệu đồng/hợp đồng/ năm/doanh nghiệp" - Nghị định nêu rõ.
Ngoài ra, hỗ trợ tối đa 50% chi phí tham gia các khóa đào tạo chuyên sâu trong nước cho học viên của doanh nghiệp về xây dựng, phát triển sản phẩm; thương mại hóa sản phẩm... nhưng không quá 5 triệu đồng/học viên/năm và không quá 3 học viên/doanh nghiệp/năm...
Chuyên gia Nguyễn Ngọc Tú nhấn mạnh thêm, các chính sách phần nào tạo ra “cú hích” cho hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo tại Việt Nam trong thời điểm này.
“Việc Chính phủ sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi để có một môi trường khởi nghiệp đổi mới nhưng khởi nghiệp có thành công được hay không phụ thuộc vào chính bản thân người đó” - ông Tú nói thêm.
Theo CAO NGUYÊN/Laodong.vn
Link gốc: https://laodong.vn/kinh-te/don-bay-chinh-sach-de-doanh-nghiep-nho-khoi-nghiep-sang-tao-960609.ldo