(Xây dựng) - Đây là nội dung chính được đề cập tại hội thảo “Đối thoại chính sách đô thị hướng tới chương trình nghị sự mới cho đô thị” do Bộ Xây dựng cùng Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), Tổ chức UN - Habitat tổ chức tại Hà Nội, ngày 20/4.
Việt Nam là nước đông dân thứ ba ở Đông Nam Á, sau Indonesia và Philippines. Việt Nam đang trải qua một quá trình tăng trưởng kinh tế và đô thị hóa nhanh chóng. Trong khi tỉ lệ đô thị hóa hiện nay của Việt Nam vẫn ở mức thấp (35,7%) nhưng tốc độ tăng trưởng cao, dân số đô thị tăng bình quân 3%/năm từ năm 2005, tương đương với các nước đô thị hoá nhanh như Trung Quốc. Đến năm 2050, phần lớn người dân Việt Nam sẽ sống ở các khu vực thành thị với tỷ lệ đô thị hóa khoảng 54% (Báo cáo của Liên Hợp quốc, 2014). Đồng thời, Việt Nam đã giữ vững mức tăng trưởng kinh tế bình quân hàng năm là 6,9% kể từ năm 1990. Mặc dù đã tăng gần 4 lần kể từ đầu năm 1990, GDP bình quân đầu người của Việt Nam vẫn nằm trong nhóm thấp của những nước có thu nhập trung bình. Quá trình đô thị hóa nhanh chóng cũng đặt ra một số thách thức cấp bách đối với các thành phố của Việt Nam về môi trường, tính toàn diện và năng suất.
Trước những thách thức này, Việt Nam nhất thiết phải xem lại khung chính sách đô thị hiện tại và điều chỉnh chúng phù hợp với bối cảnh kinh tế xã hội và môi trường hiện nay.
Gần đây, Chính phủ Việt Nam đã quyết định xây dựng một khung pháp lý mới làm cơ sở tăng tính hiệu quả của công tác quản lý phát triển đô thị. Luật Quản lý phát triển đô thị sẽ cung cấp các cơ chế mới để thực hiện các dự án phát triển đô thị và các dự án cơ sở hạ tầng quan trọng bao gồm cả cơ chế về quản trị và tài chính. Bộ Xây dựng và các bộ ngành có liên quan đang chuẩn bị để trình dự thảo luật lên Quốc hội trong năm nay.
Năm 2016, OECD và Chính phủ Việt Nam đã đồng ý tiến hành nghiên cứu của OECD: Đánh giá Chính sách Đô thị Quốc gia của Việt Nam. Nghiên cứu phân tích cấu trúc đô thị và xu hướng phát triển của quốc gia trong một khuôn khổ so sánh quốc tế; Xác định những thách thức chính mà những khu vực đô thị và các TP lớn gặp phải; Đánh giá chính sách đô thị hiện tại đã hỗ trợ việc đạt được các mục tiêu phát triển môi trường và tăng trưởng xanh như thế nào?
Nghiên cứu nhằm cung cấp dữ liệu đầu vào hữu ích cho quá trình chuẩn bị của Luật Quản lý phát triển đô thị. Một trong những vấn đề trọng tâm mà Nghiên cứu quan tâm là sự phối hợp ở cấp Trung ương (giữa các Bộ và các cơ quan khác về chính sách đô thị) và giữa các cấp chính quyền.
Quá trình đánh giá bao gồm phân tích dữ liệu và thông tin chính sách cũng như các cuộc phỏng vấn và trao đổi ý kiến giữa các bên liên quan chính về chính sách đô thị.
Vào tháng 01/2017, nhóm nghiên cứu (bao gồm OECD, UN-Habitat và Viện Tăng trưởng Xanh toàn cầu) đã đến thăm Hà Nội và Đà Nẵng và trao đổi ý kiến với các Bộ ngành khác nhau, các cấp chính quyền địa phương, các viện nghiên cứu và các tổ chức phi Chính phủ. Nhóm đánh giá dự kiến trình bày kết quả đầu tiên của bản đánh giá vào giữa năm 2017 và đưa ra báo cáo cuối cùng vào cuối năm 2017.
Tại hội thảo, các nhà hoạch định chính sách cấp cao từ các Bộ có liên quan về chính sách đô thị ở Việt Nam cũng như các đại diện từ Chính phủ Đức, Nhật Bản sẽ trao đổi quan điểm về những thách thức đô thị hóa ở Việt Nam, những phản hồi chính sách, những thực tiễn chính sách tốt có thể chia sẻ với các nước khác...
Viễn Phong
Theo