(Xây dựng) - Ngày 19/6, tại TP Hạ Long đã diễn ra Hội nghị Đối thoại chính sách cao cấp du lịch bền vững APEC. Hội nghị không chỉ là diễn đàn để các nền kinh tế thành viên APEC thảo luận, tìm ra giải pháp chung cho sự phát triển du lịch lâu dài, mà đó còn là cơ hội để Quảng Ninh giới thiệu du lịch địa phương cũng như học hỏi kinh nghiệm của các quốc gia trong khu vực.
Ghi dấu ấn trong lòng đại biểu
Vẻ đẹp của Vịnh Hạ Long có lẽ là một trong những ấn tượng sâu sắc nhất đối với các đại biểu tham dự đối thoại. Nhất là đối với các đại biểu lần đầu đến Hạ Long, phần lớn đều dành sự yêu mến và những lời khen cho vẻ đẹp của kỳ quan thiên nhiên thế giới. Bà Masermieyati Samsudin, Thứ trưởng Bộ Du lịch và Văn hóa Malaysia còn dùng hàng loạt “mỹ từ”, như “beauty” (vẻ đẹp), “magnificent” (tráng lệ) và “tranquility” (thanh bình) để thể hiện niềm cảm mến và ngưỡng mộ đối với kỳ quan thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long. Bà Masermieyati Samsudin cũng chia sẻ nguyện vọng sẽ đưa gia đình và bạn bè quay trở lại Vịnh Hạ Long trong thời gian tới để giới thiệu và tận hưởng trọn vẹn hơn về văn hóa và con người nơi đây.
Các đại biểu quốc tế tại Hội nghị Đối thoại chính sách cao cấp về phát triển du lịch bền vững. Ảnh: Đỗ Phương
Khi được phóng viên Báo Quảng Ninh đặt câu hỏi về tiềm năng du lịch của Hạ Long, phần lớn các đại biểu khẳng định Hạ Long nói riêng và Quảng Ninh nói chung còn có cơ hội rất lớn phát triển du lịch. Ông Roger Wigglesworth, Trưởng Phòng Du lịch, Ngành, Địa phương và Thành phố thuộc Vụ Lao động, Khoa học và Doanh nghiệp, Bộ Cải tổ kinh doanh và Việc làm New Zealand, nhận định, sau khi nghe bài phát biểu của Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh, ông đã phần nào hiểu được những tiềm năng cũng như định hướng phát triển của tỉnh trong thời gian tới. Có thể nói, Quảng Ninh nói chung và Hạ Long đang sở hữu tài nguyên du lịch vô cùng quý giá. Đó là một lợi thế mà không phải địa phương nào cũng có được. Điều quan trọng, chính quyền địa phương phải biết tận dụng những tài nguyên đó để quảng bá, thu hút khách du lịch. Cùng với đó là việc duy trì và phát triển nguồn tài nguyên này một cách bền vững cũng là vấn đề cần được chính quyền quan tâm.
Bên cạnh đó, một trong những điều khiến đại biểu các nền kinh tế APEC ấn tượng đó chính là công tác tổ chức Hội nghị Đối thoại được thực hiện chuyên nghiệp, địa điểm hội nghị sang trọng nhưng vẫn thân thiện, gần gũi với thiên nhiên. Bà Alcinda Louise Trawen, Trưởng đoàn Papua New Guinea còn bày tỏ sự lo lắng khi sắp tới, công tác tổ chức Hội nghị APEC 2018 diễn ra tại quốc gia này sẽ còn nhiều việc phải làm, bởi Quảng Ninh đã làm quá tốt công tác chuẩn bị cho Hội nghị Đối thoại lần này.
Những bài học dành cho Quảng Ninh
Hội nghị Đối thoại chính sách cao cấp du lịch bền vững được tổ chức ở Hạ Long là cơ hội rất lớn để Quảng Ninh học tập kinh nghiệm du lịch của các nước bạn, cũng như nhận được sự tư vấn, đóng góp ý kiến của các chuyên gia.
Ông Yasuto Kawarabayashi, Phó Cục trưởng Du lịch, Bộ Đất đai, hạ tầng, giao thông và Du lịch Nhật Bản, chia sẻ: Quảng Ninh cần chú trọng đẩy mạnh hơn việc phát triển thương hiệu Vịnh Hạ Long, coi đó như biểu tượng khi nhắc đến du lịch Quảng Ninh, từ đó làm cầu nối để thúc đẩy du lịch trong vùng. Giống như ở Nhật Bản, khi nhắc đến hoa anh đào và xứ sở mặt trời mọc người ta sẽ nhắc đến ngay Nhật Bản. Tại sao các bạn không tạo lập một thương hiệu mà khi nhắc đến Quảng Ninh, người ta có thể nhắc đến ngay Vịnh Hạ Long - kỳ quan thiên nhiên thế giới?
Bà Masermieyati Samsudin, Thứ trưởng Bộ Du lịch và Văn hóa Malaysia, cũng đưa ra ý tưởng về việc phát triển du lịch liên kết giữa các vùng, miền của các quốc gia trong khối APEC. Trong đó, bà nhấn mạnh: Quảng Ninh cần thúc đẩy liên kết du lịch giữa địa phương mình với địa phương các nước trong khu vực, nhất là khối APEC. Bởi lẽ, để phát triển du lịch bền vững, chúng ta không chỉ chú trọng đến du lịch của bản thân địa phương, quốc gia đó, mà nó rộng hơn, là sự kết nối giữa các quốc gia với nhau, cùng nhau phát triển. Quảng Ninh có thể tìm kiếm cơ hội để hợp tác với một địa phương tại Malaysia, để cùng nhau tập trung trao đổi thông tin, kinh nghiệm, giới thiệu các danh lam thắng cảnh để thu hút khách du lịch của hai địa phương, cũng như quốc tế. Tôi nghĩ đây là một giải pháp rất thiết thực để chúng ta kết nối các địa điểm du lịch với nhau, đồng thời, tạo sự liên kết lâu dài giữa hai quốc gia, xây dựng tính cộng đồng du lịch bền vững trong khối APEC. Vấn đề về du lịch thiện nguyện cũng được bà Samsudin nhắc tới. Đây là hình thức du lịch còn khá mới mẻ ở Quảng Ninh, nhưng đã được Malaysia thực hiện khá bài bản và có những kết quả nhất định. Du lịch thiện nguyện là hình thức du khách sẽ được tìm hiểu về phong tục, tập quán của địa phương, được tiếp xúc và giúp đỡ cộng đồng bản địa thông qua các hoạt động dạy học, dọn rác, làm nhà... Qua đó, góp một phần nhỏ bé để xây dựng và thay đổi cuộc sống của người dân địa phương tốt hơn.
Các vấn đề chung ảnh hưởng trực tiếp đến du lịch, như bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, tạo việc làm cho người dân... cũng được các đại biểu thảo luận sôi nổi tại cuộc đối thoại. Thông qua buổi đối thoại, Quảng Ninh cũng đã có cơ hội để tìm hiểu và trao đổi, cũng như học tập kinh nghiệm phát triển du lịch của các nền kinh tế thành viên trong APEC.
Tin tưởng rằng, sau Đối thoại, du lịch Quảng Ninh sẽ có những hướng đi đột phá, trở thành một trong những ngành kinh tế trọng điểm và tiên phong của tỉnh.
PV
Theo