(Xây dựng) - Đến đảo Bạch Long Vĩ hôm nay, cảm nhận sự “thay da đổi thịt” của huyện đảo mới thấy hết được sự nỗ lực không mệt mỏi của Đảng bộ, chính quyền, quân và dân nơi đầu sóng ngọn gió. Hệ thống hạ tầng cơ sở được đầu tư phát triển với điện, đường, trường, trạm, nhà cửa khang trang. Kinh tế phát triển, đời sống nhân dân được nâng cao, tạo nên một diện mạo mới cho huyện đảo.
Âu Cảng Bạch Long Vĩ luôn nhộn nhịp tàu thuyền ra vào (ảnh TL)
Huyện đảo Bạch Long Vĩ trực thuộc TP Hải Phòng, được thành lập theo Nghị định số 15/NĐ-CP ngày 9/12/1992 của Chính phủ. Mặc dù diện tích đất tự nhiên không lớn (6,5 km2) nhưng Bạch Long Vĩ có vị trí chiến lược và tầm quan trọng đặc biệt đối với bảo đảm chủ quyền quốc gia trên biển và quốc phòng - an ninh. Khả năng phát triển kinh tế - xã hội của huyện đảo cũng rất to lớn nhờ có nguồn tài nguyên thiên nhiên tại chỗ đáng kể và tài nguyên vùng biển bao quanh giàu có.
Là đảo xa bờ nhất của Việt Nam trên Vịnh Bắc Bộ, cách đất liền khoảng 140 km, Bạch Long Vĩ là một trong 8 ngư trường lớn của vịnh Bắc bộ. Ban ngày đảo nhộn nhịp với tàu thuyền đánh cá. Đêm đến, ngọn hải đăng vẫn lặng lẽ tỏa sáng chỉ đường cho các tàu thuyền đi lại.
Qua 25 năm xây dựng và phát triển, đời sống nhân dân huyện đảo đã ổn định, nhiều công trình hạ tầng kinh tế - xã hội được đầu tư xây dựng và đang từng bước trở thành huyện đảo vững mạnh toàn diện. Cụ thể: Kinh tế - xã hội huyện đảo phát triển liên tục với tốc độ tăng trưởng cao; quốc phòng - an ninh được bảo đảm vững chắc; văn hóa - xã hội có những chuyển biến mới; công tác giáo dục - đào tạo được quan tâm xây dựng, bảo đảm chất lượng. Chất lượng dịch vụ y tế, giáo dục được nâng lên. Đời sống của cán bộ, chiến sĩ, người dân trên đảo ngày càng được cải thiện và nâng cao. Nhiều công trình hạ tầng lớn, như âu cảng phía Tây Bắc, hồ chứa nước ngọt; trụ sở các cơ quan, đơn vị; hệ thống đường giao thông; các dự án phát triển thủy sản… được đầu tư xây dựng, trong đó nhiều công trình đã hoàn thiện. Đặc biệt, hiện nay, việc di chuyển giữa đảo với đất liền đã không còn khó khăn như trước vì đã tàu Hoa Phượng với sức chứa 200 hành khách.
Ngày nay, hòn đảo nhỏ Bạch Long Vĩ giữa biển khơi chẳng khác gì một đô thị sầm uất, khang trang. Những ngôi nhà nhiều tầng được xây dựng san sát. Các khu dân cư đã có đầy đủ các dịch vụ như trong đất liền. Đường xá được bê tông hóa. Buổi tối, ánh điện tỏa sáng khắp đảo, cùng với ánh đèn trên các tàu trong âu cảng làm cho Bạch Long Vĩ càng lung linh giữa biển khơi sóng nước. Những bãi đất hoang xưa khô cằn, sỏi đá, giờ mọc lên nhiều công trình, cột vi-ba cao vút phủ sóng liên lạc một vùng rộng lớn.
Đặc biệt, 9 tháng đầu năm 2017, kinh tế huyện đảo Bạch Long Vĩ đã có bước phát triển nhanh, hầu hết các chỉ tiêu nhiệm vụ đều đạt kế hoạch đề ra và tăng cao so với cùng kỳ năm 2016. Cụ thể: Tổng giá trị sản xuất các ngành kinh tế ước đạt 336,7 tỷ đồng, tăng 20,8%; nhóm ngành công nghiệp - xây dựng tăng 20,27%; nông nghiệp - thủy sản tăng 0,85%, thương mại - dịch vụ tăng 22,73%, tổng huy động vốn cho đầu tư phát triển tăng 20,94%…
Với chủ đề năm 2017 “Tiếp tục đẩy mạnh thu hút đầu tư, nâng cao chất lượng cơ sở hạ tầng - Đảm bảo an sinh xã hội”, huyện đã đạt được những kết quả tích cực, diện mạo huyện đảo có những đổi thay to lớn. Các dự án, công trình đang được đẩy nhanh tiến độ như Dự án quảng trường, cổng chào Bạch Long Vĩ; sửa chữa và nâng cấp trường tiểu học và mẫu giáo huyện; sửa chữa và nâng cấp 3 tầng Trung tâm y tế quân dân y; cải tạo và nâng cấp vỉa hè, hệ thống thoát nước hè đường giai đoạn 2… các công trình dự án này sau khi hoàn thành sẽ tạo nên một diện mạo mới của một đô thị có cơ sở hạ tầng khang trang, hiện đại.
Ông Đỗ Đức Hòa - Chủ tịch UBND huyện Bạch Long Vĩ cho biết: “Được sự quan tâm của thành phố cùng với sự nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền, quân dân huyện đảo mà Bạch Long Vĩ đang thay da, đổi thịt từng ngày. Huyện đảo ngày nay phát triển chẳng khác gì đất liền: Điện có 24/24, Trung tâm y tế quân dân y được thành lập với các trang thiết bị hiện đại đã xử lý các ca bệnh khó; hạ tầng cơ sở được chỉnh trang làm mới toàn bộ, đường xá được bê tông hóa; huyện đã có chi nhánh Ngân hàng chính sách hỗ trợ nhân dân vay vốn phục vụ cho việc phát triển kinh tế, vệ sinh môi trường, nước sạch… Thêm vào đó, năm 2017 này, hồ chứa nước ngọt cũng xây dựng xong, sẽ không còn lo thiếu nước như trước. Tất cả các yếu tố này, đã thu hút được sự đầu tư của các doanh nghiệp và nhân dân cho huyện đảo. Tính riêng năm 2017 ngoài nguồn đầu tư của Nhà nước, các doanh nghiệp, cá nhân đã đầu tư lại cho đảo hơn 50 tỷ đồng.”
Như vậy, sau 25 năm xây dựng và phát triển, diện mạo huyện đảo thay đổi rõ rệt, kinh tế - xã hội phát triển theo hướng bền vững, quốc phòng - an ninh được củng cố vững chắc.
Mỹ Hạnh
Theo