(Xây dựng) - Cho đến hôm nay, 40 năm sau ngày giải phóng, đất nước đã có nhiều đổi thay, những đô thị miền Trung cũng đã phát triển to đẹp hơn, phồn thịnh hơn. Đi dọc dải đất miền Trung trong những ngày tháng 3 lịch sử được chiêm ngưỡng và cảm nhận bao đổi thay trên dải đất một thời khói lửa này.
Thành phố trẻ Tuy Hòa đầy sức sống trong phát triển hội nhập.
Đà Nẵng - Thành phố của sự thân thiện
Dấu ấn đậm nét và dễ nhận thấy của bất kỳ ai khi đến Đà Nẵng là sự bình yên, lắng đọng của một đô thị đang trên đà phát triển. Thiên nhiên đã ban tặng Đà Nẵng những gì tốt nhất cho TP này và để tận hưởng những niềm vui lành mạnh. Con sông Hàn làm nền cho các dãy phố ven bờ, mang gió mát và hơi ẩm làm dịu bớt cái nắng nhiệt đới oi ả. Một dải bờ biển ôm hẳn chiều phía đông của TP với những bãi cát trắng nước xanh trong vắt như: Mỹ Khê, Tiên Sa, Bắc Mỹ An, Non Nước, Thanh Khê, Nam Ô… Xa hơn, những dãy núi quanh TP cùng với Ngũ Hành Sơn, đèo Hải Vân, rừng quốc gia Sơn Trà và thảm xanh bí ẩn Bà Nà như đưa TP gần hơn với thiên nhiên cây cỏ.
TP này từng có một thời chiến tranh tràn ngập lính Mỹ đã làm biến đổi bộ mặt đô thị thứ hai của miền Nam bởi kiểu kiến trúc bê tông nặng nề, góc cạnh lạnh lùng. Nhưng sau giải phóng, Đà Nẵng đã tự tu chỉnh lại mình. Những con đường lại phủ cây xanh… Rất nhiều ngôi nhà mới xây với đường nét mềm mại, những chi tiết trang trí tinh tế, duyên dáng, biến những con đường mới mở thành những khu phố tiêu biểu cho gương mặt TP mang đầy sức trẻ. Những ngôi nhà bình dị, thấp thoáng dăm khóm hoa kiểng lấp ló ngoài hiên, trên sân thượng, còn bên trong là không gian truyền thống của mình…
Có một điều thật lạ, trong những khó khăn, trong phong ba bão táp, người Đà Nẵng vẫn giữ được cho mình những nét văn hoá riêng, rất Đà Nẵng. Đây là mảnh đất mở của cảng biển, là nơi tiêu thụ sản vật cho những làng nghề tơ lụa, chạm gỗ, đúc đồng, đóng thuyền, làm mắm…; là nơi hấp thụ của những hát tuồng, hát bội, những điệu bài chòi, hò khoan, đối đáp của Quảng Nam; là TP chiến tranh của Mỹ, là một trung tâm của những cuộc nổi dậy, xuống đường của quần chúng và sinh viên học sinh. Và giờ đây, là TP bình yên bên sông Hàn - một TP lý tưởng để ở. Nói không quá lời, trong cái TP hơn 1 triệu dân hôm nay, dường như người ta đều biết nhau, hoặc ít, hoặc nhiều trong từng ánh mắt, nụ cười, trên từng góc phố, quán xá…
Người Đà Nẵng cũng đã nhìn trước cho sự phát triển của một đô thị hiện đại. Không phải cứ xây dựng nhiều nhà hàng, khách sạn là đô thị khang trang mà phải tạo được bản sắc riêng. Làm sao để bộ mặt đô thị vừa trật tự, lại không đơn điệu. Đó là câu hỏi mà những người làm xây dựng ở Đà Nẵng đang trăn trở. Có một điều đáng mừng là ở Đà Nẵng, lãnh đạo rất quan tâm đến quy hoạch, kiến trúc. Một ngôi nhà “nghịch mắt” là lọt vào tầm ngắm của lãnh đạo ngay. Và cơ quan chức năng sẽ ra tay chỉnh trang. Đó là sức ép, nhưng cũng là điều mừng cho TP, cho bộ mặt kiến trúc đô thị. Bởi thế, Đà Nẵng hôm nay đang được dựng xây trong quy củ, nền nếp. Những toà nhà mới mọc lên trong sự thận trọng của các cấp chính quyền. Phát triển nhanh, nhưng không phá vỡ cảnh quan, môi trường, ấy là tâm ý, là mong mỏi của hết thảy người Đà Nẵng. Một thời gian dài, cả TP này như nóng lên, như vỡ ra bởi khắp nơi “lật” lên xây dựng hạ tầng. Người ta cũng đã lo cho TP bị ô nhiễm. Nhưng bây giờ, mối lo ấy đã đi qua. Hơn 60 nghìn hộ gia đình bị di dời để phát triển đô thị đến nay đã ổn định cuộc sống, không có một điểm nóng nào trong giải toả, đền bù. Đó là một thành công đáng ghi nhận.
Tam Kỳ - “Thủ phủ xanh”
Như một kỳ duyên thiên nhiên ban tặng, đô thị Tam Kỳ có các yếu tố tự nhiên rất đặc trưng, sở hữu 5 con sông (gồm sông Trường Giang, Tam Kỳ, Bàn Thạch, Sông Đầm và sông Kỳ Phú), 5 ngọn núi (gồm núi Dài, núi Cấm, núi Baty, đồi An Hà, đồi Trà Cai). Ngoài ra, TP còn được nuôi dưỡng bởi bờ biển dài, đồng ruộng trù phú, liên kết với nhiều địa điểm du lịch nổi tiếng như hồ Phú Ninh, địa đạo Kỳ Anh, tượng đài Mẹ Việt Nam anh hùng. Thế nên, hướng phát triển đô thị Tam Kỳ thành “thủ phủ xanh” đã được những người làm công tác quy hoạch định hướng ngay từ ban đầu.
Việc phát triển thành đô thị xanh, đô thị thông minh là đúng đắn và cần thiết đối với TP Tam Kỳ trong tương lai. Có thể hình dung, TP Tam Kỳ hiện nay sẽ được kết nối với khu đô thị mới phía bên kia sông Bàn Thạch và kéo dài cho đến tận biển Tam Thanh. Đó sẽ là một đô thị “thủ phủ xanh”, đô thị cộng sinh môi trường được bao bọc bởi núi, biển, sông, hồ và đồng ruộng, trở thành địa điểm lý tưởng thu hút nhiều người tìm đến an cư. Hướng xây dựng TP Tam Kỳ phát triển bền vững trên cơ sở đảm nhiệm các chức năng chủ yếu như là trung tâm chính trị hành chính, kinh tế, văn hóa giáo dục, nghiên cứu khoa học của tỉnh Quảng Nam; hỗ trợ cho các trọng điểm kinh tế và đô thị gồm Khu Kinh tế mở Chu Lai, TP Hội An.
Quảng Ngãi - đô thị hướng biển
Suốt một thời gian dài, Quảng Ngãi như một đô thị “tỉnh lẻ” trên trục đường Bắc - Nam. Nhưng rồi, nhận ra địa thế tiềm tàng, vị trí chiến lược trong phát triển kinh tế - xã hội khu vực miền Trung, Quảng Ngãi dần được “đánh thức” với hàng loạt dự án lớn.
Quảng Ngãi được xác định là TP đô thị tỉnh lỵ, trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa - xã hội và khoa học kỹ thuật của tỉnh Quảng Ngãi. Là một trong những trung tâm kinh tế khu vực miền Trung về công nghiệp chế biến, gia công, thương mại, dịch vụ, du lịch và đặc biệt là hậu phương quan trọng trong quá trình hình thành và phát triển Khu kinh tế Dung Quất. Là đầu mối giao thông quan trọng của khu vực. Theo quy hoạch sẽ xây dựng TP Quảng Ngãi phát triển hai bên sông Trà, gắn kết chặt chẽ với Khu kinh tế Dung Quất. Định hướng phát triển không gian đô thị hướng biển, liên kết không gian với khu du lịch biển Mỹ Khê, biển Nghĩa An, cảng Sa Kỳ và tuyến kinh tế ven biển của tỉnh Quảng Ngãi.
TP Quảng Ngãi được phân theo 4 vùng chức năng cơ bản, bao gồm: Vùng trung tâm TP, vùng mặt biển bờ sông, vùng công viên sinh thái và vùng biển. Theo quy hoạch TP Quảng Ngãi đến năm 2015 có tổng diện tích khoảng 6.289ha, đến năm 2030 tăng lên 14.230ha, trong đó đất nội thị là 10.179ha, gồm khu vực TP hiện hữu (8 phường và 2 xã), khu vực dự kiến mở rộng về phía đông và phía bắc gồm các xã: Tịnh An, Tịnh Ấn Tây, Tịnh Ấn Đông, thị trấn Sơn Tịnh, Tịnh Châu, Tịnh Thiện, Tịnh Khê, Tịnh Kỳ (Sơn Tịnh) và Nghĩa Hà, Nghĩa Phú, Nghĩa An (Tư Nghĩa).
Riêng vùng trung tâm TP năm 2030 có diện tích tự nhiên khoảng trên 4.000ha, dân cư dự kiến khoảng 194.000 người. Khu vực trung tâm sẽ không thay đổi lớn tại khu vực các phường hiện tại; các trục trung tâm đô thị được giữ ổn định về lộ giới, với tính chất là các trục trung tâm thương mại, dịch vụ hỗn hợp của đô thị như hiện nay.
Khai thác triệt để các khu vực mặt tiền bờ sông, xây dựng các khu đô thị mới với chức năng sử dụng hỗn hợp (nhà ở, thương mại, dịch vụ, văn phòng), phát triển các khu đô thị mật độ cao; xây dựng các trung tâm y tế chất lượng cao của vùng…
Tuy Hòa - đô thị trẻ
Từ khi tái lập tỉnh (tháng 7/1989), TP Tuy Hòa luôn thể hiện sự bứt phá, luôn đi đầu trong sự nghiệp CNH, HĐH của tỉnh Phú Yên. Đô thị trẻ Tuy Hòa như thay đổi từng ngày đang hướng đến một TP dịch vụ của khu vực.
Nếu đứng trên núi Nhạn chiêm ngưỡng toàn cảnh TP Tuy Hòa sẽ thấy dòng Sông Ba, con sông lớn nhất miền Trung trước khi đổ ra biển Đông, như một dải lụa mềm vắt qua giữa lòng TP. Có biển, có núi, có đồng bằng rộng lớn bao quanh, Tuy Hòa như một bức tranh thủy mặc đầy màu sắc. Phú Yên có lịch sử hình thành và phát triển hơn 400 năm (1611), nhưng phát triển đô thị thì lại đi sau. Có phải thế chăng nên đô thị Tuy Hòa được kế thừa và ít vấp phải những khiếm khuyết trong phát triển đô thị. Phố sá Tuy Hòa hôm nay trông rất trẻ trung, duyên dáng nhưng không kém phần hiện đại.
Khi tỉnh Phú Yên được tái lập, từ một thị xã nhỏ bé, hạ tầng kỹ thuật yếu kém, cơ sở sản xuất công nghiệp, dịch vụ hầu như không có gì đến năm 2004, Tuy Hòa đã đạt các tiêu chí của đô thị loại III. Và đầu năm 2005, Chính phủ có Nghị định 03/2005/NĐ-CP thành lập TP Tuy Hòa thuộc tỉnh Phú Yên. Những năm gần đây, quá trình đô thị hóa của TP tiếp tục diễn ra mạnh mẽ. Không gian đô thị được mở rộng cả 3 hướng Bắc, Tây, Nam. Quy mô dân số của TP hiện nay hơn 165.000 người, chiếm hơn 20% dân số toàn tỉnh. Diện mạo TP đã và đang không ngừng thay đổi theo hướng văn minh, hiện đại và khẳng định được vai trò trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa của tỉnh.
Trung tâm đô thị Tuy Hòa hôm nay với điểm nhấn là đại lộ Hùng Vương rộng 36m, là khu đô thị mới khang trang, nhiều biệt thự xinh xắn tạo dấu ấn rất riêng cho TP Tuy Hòa năng động, trẻ trung.
Về hướng Nam, khu đô thị mới Nam sông Đà Rằng tiếp cận với khu kinh tế Nam Phú Yên rộng 395ha đã được các chuyên gia tư vấn quy hoạch đô thị TPO (Singapore) thiết kế theo tiêu chuẩn thế giới. Tại đây, cầu Hùng Vương (cây cầu thứ 3 qua sông Ba, trên địa phận TP Tuy Hòa) như "kéo" khu đô thị bờ Bắc với khu đô thị mới Nam Tuy Hòa, sân bay Tuy Hòa, KCN Hòa Hiệp và nối vào đường Phước Tân - Bãi Ngà hình thành trục giao thông mới ven biển từ khu trung tâm hành chính tỉnh đến cảng Vũng Rô. Hiện tại, bờ biển của TP cũng được nhiều nhà đầu tư chú ý, bên cạnh các dự án đã được triển khai như các Khu du lịch sinh thái Thuận Thảo, Sao Việt, Gió Chiều, Làng Du lịch Bắc Âu còn có nhiều dự án du lịch khác đã cấp phép đầu tư dọc đường Độc Lập, bãi biển Long Thủy…
TP trẻ Tuy Hòa hiện nay có nhiều cơ hội trở thành một đô thị hiện đại trong chuỗi đô thị ven biển Nam Trung bộ.
Song Ngọc
Theo