(Xây dựng) - Nhận thức được tầm quan trọng của phát triển du lịch (ngành công nghiệp không khói) đối với phát triển kinh tế đất nước, từ đó cần phải đổi mới, sáng tạo trong hoạt động của ngành du lịch Việt Nam để thu hút khách du lịch, đặc biệt là khách quốc tế. Đó là nội dung được thảo luận sôi nổi, với rất nhiều ý kiến đóng góp của các đại biểu tham dự tại hội thảo “Đổi mới sáng tạo cho ngành du lịch Việt Nam” diễn ra ngày 20/7 tại TP.HCM.
Nhà thờ Đức Bà - điểm đến quen thuộc của du khách khi đến thăm TP.HCM.
Trong những năm gần đây, du lịch Việt Nam đều có sự tăng trưởng lượt khách quốc tế đến ổn định (trung bình khoảng 11%/năm), riêng trong năm 2016 con số này đã đạt kỷ lục 10 triệu khách giúp tăng trưởng 26%, riêng trong 6 tháng đầu năm 2017 cũng đã có bước tăng trưởng lạc quan, khách quốc tế đến Việt Nam đạt 6,2 triệu lượt, tăng 30,2% so với cùng kỳ năm 2016.
Nhưng con số tăng trưởng đó chỉ mang tính tổng thể, nếu so sánh với các quốc gia khác trong khu vực Asean, các chỉ số của Việt Nam được đánh giá hầu như đều thấp, thậm chí là thấp nhất với rất nhiều điểm hạn chế cần khắc phục để phát triển trong tương lai.
Lượng khách quốc tế đến Việt Nam so với một số nước.
Ông Jeff Hoffman, người sáng lập ColorJar, LLC, đồng thời hỗ trợ Nhà Trắng trong việc đưa ra các sáng kiến hỗ trợ doanh nghiệp và tăng trưởng kinh tế trên toàn thế giới cho biết: “Công nghệ đang làm thay đổi hoàn toàn ngành du lịch. Đứng trước làn sóng thay đổi công nghệ và những tác động to lớn của nó, làm sao để các doanh nghiệp du lịch khai thác được sức mạnh công nghệ để vươn lên và phát triển vượt ra khỏi thị trường Việt Nam”.
“Từ đó, các doanh nghiệp du lịch cần phải thật sự đổi mới, sáng tạo, từ đó tạo ra những sản phẩm du lịch đặc trưng, không chỉ chăm sóc khách hàng tốt hơn mà còn thu hút khách du lịch, phát huy tiềm năng, thế mạnh của du lịch Việt Nam”, ông Jeff Hoffman, nhấn mạnh.
Hiện nay, xu hướng đi du lịch sinh thái ngày càng phát triển vì con người ngày càng muốn gần gũi với thiên nhiên, với lợi thế của mình, Việt Nam cần phải phát huy tối đa lợi thế sẵn có được tạo hóa ban tặng. Việt Nam có nhiều kỳ quan thiên nhiên đẹp, những cảnh quan hoang dã phù hợp với loại hình du lịch sinh thái, để phát triển du lịch, biến Việt Nam thành điểm đến quen thuộc đối với du khách yêu thích khám phá, tìm hiểu tự nhiên.
Dưới góc độ lãnh đạo doanh nghiệp du lịch, ông Nguyễn Quốc Kỳ - Tổng giám đốc Vietravel cho biết: “Trong những năm qua, du lịch đã dần khẳng định vị trí trong phát triển kinh tế-xã hội của đất nước. Để làm được điều này, việc kết hợp văn hóa và du lịch đóng vai trò hết sức quan trọng để tạo ra tính hấp dẫn riêng của du lịch Việt Nam”.
“Mối quan hệ giữa văn hóa và du lịch đã nhận được nhiều sự quan tâm đánh giá của các chuyên gia và đều thống nhất ở điểm chú trọng yếu tố văn hóa truyền thống dân tộc là cần thiết, vừa bảo tồn và khai thác hiệu quả các giá trị nhằm hướng tới việc phát triển du lịch bền vững, trong đó, đổi mới, sáng tạo trong hoạt động ngành du lịch Việt Nam có tính quyết định”, ông Nguyễn Quốc Kỳ nhấn mạnh.
Bưu điện TP.HCM - điểm đến thu hút đông đảo khách du lịch trong và ngoài nước.
Những kết quả đánh giá thông qua các chỉ tiêu về lượng khách, thu nhập, tỷ trọng GDP và việc làm đã khẳng định vai trò của ngành du lịch trong nền kinh tế đất nước. Du lịch đã đóng góp quan trọng vào tăng trưởng kinh tế, xóa đói, giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội, bảo tồn và phát huy giá trị văn hoá, bảo vệ môi trường và giữ vững an ninh, quốc phòng. Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đạt được, ngành du lịch còn nhiều hạn chế và bất cập, nhiều khó khăn, trở ngại vẫn chưa được giải quyết thoả đáng chưa có bước phát triển đột phá để khẳng định thực sự là ngành kinh tế mũi nhọn, kết quả chưa tương xứng với tiềm năng và lợi thế của đất nước, phát triển nhưng vẫn ẩn chứa nhiều nguy cơ, yếu tố thiếu bền vững.
Xu thế hội nhập, hợp tác, cạnh tranh toàn cầu, giao lưu mở rộng và tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ trong nền kinh tế tri thức trên thế giới đang tạo những cơ hội to lớn, đồng thời cũng là thách thức đối với phát triển du lịch. Trước bối cảnh và xu thế đó, Việt Nam cần phải có chiến lược phát triển du lịch với quan điểm phát triển đột phá, đáp ứng được những yêu cầu mới của thời đại về tính chuyên nghiệp, tính hiện đại, hội nhập, hiệu quả và bền vững, tương xứng với tiềm năng của đất nước, đủ sức cạnh tranh trong khu vực và quốc tế. Trong đó, đổi mới và sáng tạo trong hoạt động du lịch sẽ tạo ra những cú hích đưa du lịch thật sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn với tính chất hiện đại, phát triển trong tương lai.
Bình An Đức
Theo