Thứ sáu 29/03/2024 21:44 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866

"Đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng là yêu cầu thực tiễn"

15:50 | 23/06/2022

Trưởng ban Tổ chức Trung ương Trương Thị Mai nhấn mạnh, quá trình đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng là quá trình liên tục, phù hợp với yêu cầu từng giai đoạn của cách mạng.

doi moi phuong thuc lanh dao cua dang la yeu cau thuc tien
Quang cảnh Hội thảo. (Ảnh: Xuân Khu/TTXVN)

Sáng 23/6, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Ban Tổ chức Trung ương, Hội đồng Lý luận Trung ương phối hợp với Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức Hội thảo khoa học quốc gia chủ đề “Đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động của hệ thống chính trị - những vấn đề lý luận và thực tiễn,” tại khu vực miền Nam.

Chủ trì Hội thảo có các Ủy viên Bộ Chính trị: Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tổ chức Trung ương Trương Thị Mai; Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh Nguyễn Xuân Thắng; Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên và Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Tổ chức Trung ương Nguyễn Quang Dương.

Dự Hội thảo có các Ủy viên Trung ương Đảng là thành viên Ban Chỉ đạo Đề án Trung ương 6 khóa XIII, lãnh đạo các cơ quan Trung ương, đại diện các bộ, ban, ngành, chuyên gia, nhà khoa học; Thường trực các tỉnh, thành ủy phía Nam; đại diện các cơ quan tham mưu, giúp việc của Thành ủy, lãnh đạo quận ủy, huyện ủy và Thành ủy thành phố Thủ Đức (Thành phố Hồ Chí Minh).

Yêu cầu thực tiễn

Khai mạc Hội thảo, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương Nguyễn Xuân Thắng nhấn mạnh, 92 năm qua, để thực hiện thành công sứ mệnh cao cả mà lịch sử dân tộc, nhân dân giao phó, Đảng ta đã không ngừng nghiên cứu, tìm tòi, học hỏi để đổi mới, bổ sung, hoàn thiện phương thức lãnh đạo, không ngừng nâng cao năng lực lãnh đạo, năng lực cầm quyền và sức chiến đấu, phù hợp với những bước chuyển chiến lược trong tiến trình cách mạng Việt Nam và sự phát triển của đất nước.

Ông Nguyễn Xuân Thắng khẳng định, tiếp tục đổi mới mạnh mẽ phương thức lãnh đạo của Đảng trong điều kiện mới là nội dung rất quan trọng trong 10 nhiệm vụ xây dựng Đảng mà Văn kiện Đại hội XIII đã đề ra, nhằm đáp ứng yêu cầu tiếp tục đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới, bảo đảm đổi mới chính trị đồng bộ, phù hợp với đổi mới kinh tế, phù hợp với tiến trình xây dựng, hoàn thiện nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, phát huy dân chủ trong điều kiện một đảng duy nhất cầm quyền, lãnh đạo và trong điều kiện bản thân Đảng và hệ thống chính trị đang tiếp tục đổi mới tổ chức và hoạt động, khắc phục tình trạng suy thoái, tham nhũng, tiêu cực, "tự diễn biến”, "tự chuyển hóa" trong nội bộ.

doi moi phuong thuc lanh dao cua dang la yeu cau thuc tien
Ông Nguyễn Văn Nên, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh, phát biểu tạiHội thảo. (Ảnh: Xuân Khu/TTXVN)

Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên cho rằng, việc tổ chức Hội thảo này là cơ hội để Thành phố được trực tiếp lắng nghe, tiếp thu ý kiến các chuyên gia, nhà khoa học nhằm bổ sung nhận thức về đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động của hệ thống chính trị. Đặc biệt là tiếp thu, học hỏi những thành tựu, kết quả, bài học kinh nghiệm, mô hình hay, cách làm sáng tạo của các tỉnh, thành phố bạn để áp dụng vào thực tiễn của thành phố thời gian tới.

Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, Thành phố đã tổng kết và ban hành Kết luận sau 15 năm thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 khóa X về tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động của hệ thống chính trị. 15 năm thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 khóa X trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh gắn đổi mới phương thức với công tác xây dựng chỉnh đốn Đảng và sửa đổi lối làm việc, phương pháp lãnh đạo, chỉ đạo của Thành ủy đối với hoạt động của nền chính trị, mối quan hệ giữa sự lãnh đạo của Đảng với hoạt động quản lý điều hành, hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị-xã hội và công tác tổ chức cán bộ, kiểm tra giám sát, kỷ luật Đảng.

Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh đã chú trọng điều chỉnh các nội dung nhằm tiếp tục phát huy sức mạnh tổng hợp của khối đại đoàn kết toàn dân tộc; xây dựng, hoàn thiện thể chế, cơ chế chính sách nhằm huy động tối đa mọi nguồn lực cho đầu tư phát triển; cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới tăng trưởng, gắn với xây dựng chính quyền địa phương mang tính đặc thù, xây dựng nền hành chính dân chủ, công khai minh bạch, phục vụ nhân dân, tăng cường xây dựng chỉnh đốn Đảng; tăng cường kỷ cương, kỷ luật đảng viên, nhất là cán bộ, người đứng đầu các cấp, nâng cao hơn nữa tính tiên phong, gương mẫu, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm của cán bộ, đảng viên…

Trong đề dẫn Hội thảo, Phó trưởng Ban Tổ chức Trung ương Nguyễn Quang Dương nhấn mạnh, xuất phát từ tính chất, tầm quan trọng của đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với toàn bộ sự nghiệp đổi mới, Hội thảo này có nhiệm vụ nhận diện vấn đề, phân tích, đánh giá thành tựu, hạn chế, nguyên nhân và tổng kết bài học kinh nghiệm qua 15 năm thực hiện Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 30/7/2007 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X về tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động của hệ thống chính trị.

Hội thảo hướng tới làm rõ những yêu cầu đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng trước tình hình, nhiệm vụ mới; cung cấp cơ sở lý luận và thực tiễn; đề xuất quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp tiếp tục hoàn thiện, đổi mới phương thức lãnh đạo nhằm nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng trong tình hình mới.

Nâng cao năng lực lãnh đạo của Đảng

Phát biểu chỉ đạo và tổng kết Hội thảo, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tổ chức Trung ương Trương Thị Mai nhấn mạnh, thực tế cho thấy, phương thức lãnh đạo của Đảng đóng góp rất quan trọng vào những thành tựu to lớn của 35 năm đổi mới.

doi moi phuong thuc lanh dao cua dang la yeu cau thuc tien
Bà Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tổ chức Trung ương, phát biểu tại Hội thảo. (Ảnh: Xuân Khu/TTXVN)

35 năm đổi mới đã bổ sung rất nhiều cho công tác lãnh đạo của Đảng cả về lý luận và thực tiễn, thể hiện sự đổi mới về phương thức lãnh đạo của Đảng, góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo của Đảng, năng lực cầm quyền và nhất là đảm bảo sự lãnh đạo của Đảng đối với sự phát triển nói chung.

Bà Trương Thị Mai cho rằng, đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng là một vấn đề toàn diện, xuyên suốt, đồng bộ, liên thông, có hiệu quả trong hoạt động của cả hệ thống chính trị.

Đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng với hệ thống chính trị là quá trình tiếp tục hoàn thiện, đổi mới, đưa đường lối, chủ trương của Đảng vào cuộc sống, thông qua thể chế, tuyên truyền, vận động, thông qua thiết chế tổ chức bộ máy quản lý, thông qua kiểm tra, giám sát. Qua đó nâng cao năng lực lãnh đạo, năng lực cầm quyền, bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng thông qua cơ chế “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ.”

“Không thể không đổi mới. Mỗi một giai đoạn cách mạng có một yêu cầu khác. Vì vậy, quá trình đổi mới là quá trình liên tục, phù hợp với yêu cầu từng giai đoạn của cách mạng. Không đổi mới sẽ là cản trở quá trình phát triển của cách mạng,” bà Trương Thị Mai nhấn mạnh.

Tổng hợp 11 ý kiến tham luận tại Hội thảo cũng như 40 tham luận gửi đến Hội thảo, Trưởng ban Tổ chức Trung ương Trương Thị Mai đánh giá cao Hội thảo đã đưa ra nhiều ý kiến hay, vấn đề cụ thể để đề xuất với Trung ương.

Đó là đổi mới phương thức lãnh đạo phải cụ thể hóa, tối ưu hóa để hiện thực hóa tốt nhất các chủ trương, đường lối của Đảng vào cuộc sống, phục vụ sự phát triển của xã hội.

Ban Chỉ đạo Đề án Trung ương 6 khóa XIII sẽ tiếp thu đầy đủ ý kiến tham luận tại các Hội thảo, làm rõ ưu điểm, khuyết điểm trong thực hiện đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với hệ thống chính trị, đề xuất nhiệm vụ, giải pháp hiệu quả trình Ban Chấp hành Trung ương xem xét, cho ý kiến để xây dựng và hoàn thiện Đề án./.

Theo Xuân Khu (TTXVN/Vietnam+)

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load