(Xây dựng) – Phương pháp tính định mức và giá xây dựng là một trong những điểm cốt lõi cần phải đổi mới trong triển khai Đề án Hoàn thiện hệ thống định mức kinh tế kỹ thuật và giá xây dựng.
Không tính theo điều kiện chuẩn
Phương pháp tính định mức, quyết định lớn đến hiệu quả dự án đầu tư, là yếu tố chủ yếu dẫn đến thất thoát, lãng phí. Phương pháp tính định mức hiện nay theo phương pháp bình quân, bộc lộ nhiều hạn chế và không phù hợp với cơ chế và các nguyên tắc quản lý chi phí đầu tư xây dựng hiện hành. Vì định mức tính trước đây mới chỉ phản ánh năng suất thi công ở mức bình quân cho mọi tiến độ, chưa gắn với các điều kiện, yêu cầu cụ thể về tiến độ thi công chưa gắn với khối lượng thi công của công trình, khối lượng công trình lớn hay nhỏ đều chung định mức hao phí, chưa gắn với các điều kiện tổ chức thi công (địa hình, địa chất, địa điểm…) và chưa gắn với mức độ phức tạp về thiết kế của công trình.
Phương pháp tính định mức hiện nay theo phương pháp bình quân, bộc lộ nhiều hạn chế và không phù hợp với cơ chế và các nguyên tắc quản lý chi phí đầu tư xây dựng hiện hành.
Ông Phạm Văn Khánh, Vụ trưởng Vụ Kinh tế xây dựng đánh giá thẳng thẳn rằng, những vấn đề tồn tại của định mức tính trước đây dẫn đến sai lệch rất lớn, làm giảm hiệu quả dự án đầu tư. Định mức tính trước đây được tính bình quân theo một điều kiện chuẩn, phân bổ đều cho từng m2 xây, m2 trát, từng tấn thép, máy vận thăng, máy làm thép… dẫn đến những sai lệch lớn khi một trong những yếu tố này khác đi.
Ở Nhật Bản, Singapore và nhiều nước khác có cách tính rất sát với thực tiễn trên cơ sở của các yếu tố: Năng suất của máy, tiến độ thi công, thời điểm máy đến và đi khỏi công trường, khấu hao máy… Chi phí nhân công, chi phí nhiên liệu (điện, nước) cho vận hành máy cũng được tính trên cơ sở tiến độ thực hiện dự án, số giờ vận hành máy, công việc thi công, điều kiện thi công, thời điểm thi công...
Tuy nhiên, nhắc đến bất cập của phương pháp tính định mức trước đây, không ít ý kiến cho rằng phải kể đến nguyên nhân có cơ quan, doanh nghiệp không chủ động trong việc xác định đúng, đủ định mức cho từng dự án đầu tư khi có sự khác biệt lớn, mà áp dụng cứng và áp dụng cho cả các dự án không phù hợp, mặc dù nhà nước công bố định mức chung nhưng chủ đầu tư có quyền vận dụng hoặc sửa đổi trên cơ sở xây dựng định mức ban hành của nhà nước.
Thiếu đơn giá ca máy
Đơn giá vật liệu, đơn giá nhân công và đơn giá máy cũng cần phải cải cách cho phù hợp với thực tiễn. Hiện nay chúng ta đã có đơn giá vật liệu, đơn giá nhân công tính theo thị trường nhưng vẫn còn nhiều bất cập, còn đơn giá ca máy chưa xác định theo thị trường.
Giá vật liệu mới chỉ đề cập đến giá bình quân đến thị trường xây lắp nhưng trong thực tế quản lý đối với những dự án lớn, mua khối lượng vật liệu lớn sẽ có chiết khấu rất lớn dưới nhiều hình thức khác nhau như khi mua thiết bị vệ sinh hoặc thiết bị đồ điện số lượng ít phải tự vận chuyển, nhưng vẫn giá đó mà mua với số lượng nhiều thì không mất tiền vận chuyển vật liệu tận chân công trình, và có những loại vật liệu được chiết khấu đến mấy chục phần trăm khi mua với số lượng rất lớn, việc cung ứng liên tục và cung ứng gián đoạn cũng dẫn đến những chi phí khác nhau... Những mức chiết khấu này cần được tính đúng, tính đủ vào đơn giá vật liệu.
Bên cạnh đó, nếu như có sự thống nhất, có thể chuyển đối giá vật liệu xây dựng theo địa giới hành chính như hiện nay thành giá vùng, để khắc phục tình trạng một công trình nằm trên danh giới 2 tỉnh lại có 2 mức giá khác nhau, khó thực hiện.
Đối với đơn giá nhân công, theo tổng kết ngành xây dựng Việt Nam và thế giới, có hơn 50 công tác xây dựng với mức lương khác nhau, thậm chí có mức chênh lệch nhau hơn 200%. Tuy nhiên, hiện trong đơn giá nhân công Việt Nam mới chỉ phân ra làm 2 nhóm, mỗi nhóm chỉ chênh lệch nhau hơn 10% là chưa đảm bảo nguyên tắc tính đúng, tính đủ và chắc chắn dẫn đến thất thoát, lãng phí, ảnh hưởng đến chất lượng công trình.
Đơn giá máy cần phải thay đổi nhiều nhất. Hiện nay đối với mỗi loại máy chỉ có một đơn giá máy, tức là tính cào bằng, hoạt động trong thời gian bao lâu cũng chỉ có một mức đơn giá. Cách tính này dẫn đến tình trạng quy mô công trình nhỏ, điều kiện vận hành máy khó khăn thì thiếu chi phí, còn khi quy mô công trình lớn, điều kiện vận hành máy thuận lợi thì dư chi phí. Trong khi thực tế quá trình hình thành sản phẩm xây dựng, có những loại máy đến với công trình chỉ làm việc mấy giờ, một ca, một ngày, vài ngày, hoặc một tuần. Thông lệ quốc tế tính đơn giá máy theo giờ cao hơn đơn giá máy tính theo ngày, đơn giá máy tính theo ngày cao hơn đơn giá máy tính theo tuần,...
Phương pháp tính định mức, đơn giá vật liệu, đơn giá nhân công và đơn giá máy cần phải cải cách cho phù hợp với thực tiễn.
Theo kinh nghiệm của Nhật Bản, chi phí máy được xác định trên cơ sở hai thành phần: Chi phí sở hữu máy và chi phí vận hành. Trong chi phí sở hữu máy bao gồm: Chi phí bảo dưỡng định kỳ, chi phí sửa chữa tại công trường, chi phí khấu hao và chi phí quản lý máy. Trong chi phí vận hành bao gồm: Chi phí vật liệu cho vận hành và chi phí nhân công vận hành.
Kỳ vọng, việc đổi mới phương pháp tính định mức và giá xây dựng trong Đề án Hoàn thiện hệ thống định mức kinh tế kỹ thuật và giá xây dựng lần này, không chỉ đảm bảo tính thống nhất, minh bạch, theo giá thị trường mà còn làm rõ trách nhiệm các chủ thể liên quan, quy trình kiểm soát thống nhất.
Thanh Nga
Theo