Chủ nhật 15/09/2024 16:34 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Thời sự /

Đổi mới Nội quy kỳ họp Quốc hội

21:54 | 18/08/2015

(Xây dựng) - Chiều 18/8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) bế mạc phiên họp thứ 40, sau khi thảo luận về dự thảo Nội quy kỳ họp QH với nhiều điểm đổi mới.


Ảnh: VGP/Nguyên Linh

Sau hơn 12 năm thi hành, Nội quy kỳ họp QH ban hành năm 2002 được đánh giá đã có đóng góp quan trọng đối với hoạt động của QH, góp phần nâng cao chất lượng các kỳ họp của QH. Tuy nhiên, để tiếp tục đổi mới, nâng cao hơn nữa chất lượng các kỳ họp, chất lượng, hiệu lực các quyết định của QH, nhiều ý kiến cho rằng, một số nội dung Nội quy còn một số hạn chế, bất cập cần phải thay đổi, bổ sung.

Các thành viên UBTVQH dẫn chiếu những quy định mới trong Hiến pháp, Luật Tổ chức Quốc hội và nhiều đạo luật khác liên quan về việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của QH và cho rằng Nội quy kỳ họp cần được thay thế một số điều không còn phù hợp.

Chẳng hạn, Nội quy còn thiếu các quy định cụ thể về trình tự, thủ tục QH quyết định một số vấn đề quan trọng quốc gia; thiếu nguyên tắc, cách thức tiến hành các phiên họp tổ đại biểu QH, quy trình, thủ tục tiến hành giới thiệu, thẩm tra, ứng cử, đề cử, xem xét thông qua danh sách ứng cử, đề cử, ý kiến của cơ quan, cá nhân giải trình về nhân sự khi có ý kiến của đại biểu QH.

Trong một số nội dung sửa đổi đáng chú ý trong Nội quy kỳ họp QH lần này, Thường vụ QH tập trung vào các quy định bảo đảm quy trình và thủ tục tại mỗi kỳ họp của QH theo hướng chặt chẽ, khoa học, phù hợp hơn với đặc thù hoạt động của QH Việt Nam.

Đặc biệt, các ý kiến cho rằng, Dự thảo Nội quy (sửa đổi) cần nhấn mạnh các quy định để đại biểu QH nâng cao trách nhiệm, tăng cường kỷ cương tham gia đầy đủ các kỳ họp QH, các phiên họp tại kỳ họp.

Về chất vấn và trả lời chất vấn, việc sửa đổi, bổ sung các quy định trong Nội quy kỳ họp QH cần gắn với việc sửa đổi các đạo luật liên quan, trong đó có dự án Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND đang trình QH xem xét, chuẩn bị thông qua tại kỳ họp cuối năm nay; làm rõ mối liên hệ giữa hoạt động chất vấn với lấy phiếu tín nhiệm cũng như giám sát chuyên đề, về thực hiện nhiệm vụ của Tổng thư ký QH tại kỳ họp...

Cũng trong ngày bế mạc phiên họp, UBTVQH đã thống nhất yêu cầu hoàn thiện các nội dung dự thảo Bộ luật Hàng hải (sửa đổi) để có thể trình QH xem xét, thông qua tại kỳ họp thứ 10 sắp tới.

Buổi thảo luận tập trung hoàn thiện các nội dung tiếp thu của dự thảo bộ luật, liên quan đến chế định về Ban Quản lý và khai thác cảng được coi là mô hình quản lý thích hợp để khai thác hiệu quả hơn hoạt động cảng biển, hàng hải của đất nước.

Cơ quan soạn thảo (Bộ GTVT) giải trình, mô hình Ban Quản lý và khai thác cảng sẽ hoàn toàn độc lập với các cảng vụ. Chức năng nhiệm vụ chính là tổ chức có chức năng đầu tư xây dựng và quản lý khai thác, kinh doanh kết cấu hạ tầng cảng biển, khu hậu cần sau cảng; được thực hiện một số chức năng quản lý Nhà nước trong phạm vi vùng đất, vùng nước được giao.

Còn Cảng vụ quản lý tàu ra tàu vào, làm nhiệm vụ cấp phép cho tàu ra, tàu vào cảng. Mô hình này sẽ khắc phục được tồn tại là cùng một khu vực mà đầu tư dàn trải, manh mún, sự liên kết giữa các cảng không có, làm ăn không hiệu quả dẫn đến cạnh tranh không lành mạnh.

Kết luận, Phó Chủ tịch QH Uông Chu Lưu khẳng định, việc thành lập chính quyền cảng, hay Ban Quản lý và khai thác cảng là vấn đề lớn nhất trong việc sửa đổi khung pháp lý lần này.

Hiện nay việc khai thác chưa được như mong muốn nên Chính phủ muốn có một cơ chế mới để tạo ra sự đột phá trong khai thác.

Nguyên Linh/Chinhphu.vn

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load