(Xây dựng) - Trường Cao đẳng Nghề Việt Xô số 1 (nguyên là Trường Công nhân xây dựng số 1) được thành lập theo Quyết định số 682/BXD-TC ngày 27/7/1976 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng. Khởi công xây dựng năm 1974, hoàn thành năm 1978 và chính thức đưa vào khai thác sử dụng từ tháng 9/1977.
Trường là một trong những công trình được viện trợ toàn bộ trang thiết bị - Món quà của tình hữu nghị do nhân dân Liên xô (cũ) giúp nhân dân Việt Nam, nhằm tạo lập nên một cơ sở dạy nghề đồng bộ, hiện đại ở cuối thập kỷ 70 của thế kỷ XX để đào tạo công nhân kỹ thuật chuyên ngành Cơ giới - Cơ khí xây dựng.
Chặng đường 38 năm xây dựng và phát triển của Trường mặc dù trải qua những bước thăng trầm của sự chuyển đổi cơ chế. Những khó khăn nghiệt ngã của nền kinh tế thị trường. Sự chuyển mình theo đề án phát triển chung của toàn ngành Xây dựng, từ Trường Công nhân xây dựng số 1 thành Trường Cao đẳng Nghề Việt Xô số 1 và tiến tới trở thành Trường dạy nghề chất lượng cao của cả nước. Đến hôm nay, Trường Cao đẳng Nghề Việt Xô số 1 đã thực sự có nhiều đổi mới trên cơ sở kế thừa và phát triển những thành tích mà lớp cha anh đi trước đã dày công xây dựng để vun đắp thương hiệu Trường Cao đẳng Nghề Việt Xô số 1 đứng vững trên thị trường cung ứng lao động lành nghề trong nước và khu vực cũng như hội nhập quốc tế.
Trường Cao đẳng Nghề Việt Xô số 1 hiện đã và đang đào tạo học sinh - sinh viên ở 17 chuyên ngành như: Công nghệ Hàn; Công nghệ Ôtô; Điện công nghiệp; Điện dân dụng; Cơ điện tử; Kỹ thuật máy lạnh và điều hòa không khí; sửa chữa máy thi công xây dựng; Vận hành máy thi công nền... ở các trình độ cao đẳng nghề, trung cấp nghề và sơ cấp nghề, nhằm trang bị cho người học năng lực thực hành nghề tương xứng với trình độ đào tạo, có sức khỏe, đạo đức lương tâm nghề nghiệp, ý thức kỷ luật, tác phong công nghiệp, tạo điều kiện cho họ có khả năng tìm việc làm, tự tạo việc làm hoặc tiếp tục học lên trình độ cao hơn, đáp ứng yêu cầu thị trường lao động.
Học sinh - sinh viên của nhà trường sau khi tốt nghiệp đã và đang đóng góp sức mình cho các công trình trọng điểm của ngành và quốc gia như: Thủy điện Hòa Bình; Thác Bà; Yaly; Đa Nhim; Huội Quảng; Sơn La; Sông Tranh; KCN Vũng Áng; KCN Dung Quất; các KCN của các tỉnh Phú Thọ, Tuyên Quang, Bắc Ninh, Hà Nội... Trong suốt quá trình xây dựng và phát triển của trường, đội ngũ cán bộ, giáo viên đã không ngừng được bổ sung cả về số lượng và chất lượng. Nhiều người đã trở thành giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh và cấp ngành Xây dựng; nhiều đề tài nghiên cứu cấp Bộ, cấp Nhà nước được ghi nhận và đánh giá cao mang lại hiệu quả thiết thực cho quá trình đào tạo nghề của cả nước nói chung và của Trường Cao đẳng Nghề Việt Xô số 1 nói riêng. Bên cạnh đó để đáp ứng kịp thời những yêu cầu mới của công tác giảng dạy, học tập và nghiên cứu, nhà trường cũng được bổ sung đầu tư thêm nhiều trang thiết bị và công nghệ dạy học đồng bộ, tiên tiến.
Đánh giá và ghi nhận đóng góp của Trường Cao đẳng Nghề Việt Xô số 1 cho sự nghiệp đào tạo nghề nhà trường đã nhận được nhiều phần thưởng xứng đáng như: Huân chương Độc lập hạng Nhì, hạng Ba; Huân chương Lao động hạng Nhất, Nhì, Ba cho quá trình xây dựng, phát triển và khẳng định vị thế của trường. Bên cạnh đó còn rất nhiều bằng khen, giấy khen, cờ thi đua của Bộ Xây dựng; Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam; Công đoàn Xây dựng Việt Nam, tỉnh Vĩnh Phúc.
Năm 2016, nhà trường xác định: “Đất nước vẫn còn gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của nền kinh tế toàn cầu, bên cạnh đó có nhiều chuyển biến mới trong việc thực hiện chế độ chính sách, cơ chế quản lý hoạt động đối với khối các trường cao đẳng, đại học khi Luật Dạy nghề được ban hành. Những yếu tố đó có ảnh hưởng không nhỏ đến công tác đào tạo nguồn nhân lực ở các cơ sở đào tạo nghề trong đó có Trường Cao đẳng Nghề Việt Xô số 1”.
Trước những khó khăn thách thức mới Nhà trường phải có những bước đột phá phù hợp để thực hiện mục tiêu nhiệm vụ đề ra trong năm 2016, tiếp tục thực hiện Chiến lược phát triển nhà trường 2011 - 2020. Đổi mới quản lý, nâng cao chất lượng đào tạo, đáp ứng nhu cầu xã hội. Tiếp cận với những xu hướng mới trong nền kinh tế thị trường, hội nhập kinh tế quốc tế dựa trên cơ sở ổn định lâu dài, kế thừa, phát huy những kết quả và kinh nghiệm đạt được trong thời gian qua. Tiếp tục đẩy mạnh cuộc vận động “Học tập và làm theo, tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, gắn với cuộc vận động “Mỗi thầy cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo”. Đó là những tiền đề quan trọng để Nhà trường phát triển bền vững trong thời gian tới.
Thi tuyển tay nghề hàn đi Nhật Bản.
Với phương châm “Chất lượng đào tạo là yếu tố cốt lõi để tồn tại và phát triển”. Phấn đấu xây dựng nhà trường theo hướng trường đào tạo chất lượng cao. Chú trọng vào phát triển 4 nghề trọng điểm quốc gia và khu vực: Sửa chữa máy thi công xây dựng, Cơ điện tử, Công nghệ Hàn, Vận hành máy thi công nền. Tích cực đổi mới nội dung, phương pháp dạy học cho phù hợp yêu cầu, nhiệm vụ, đối tượng học tập, tình hình địa phương, ngành, lĩnh vực… Chú trọng trang bị kỹ năng, nghiệp vụ chuyên môn, nâng cao năng lực cho người học. Thực hiện tốt nguyên lý “học đi đôi với hành”, “gắn lý luận với thực tiễn”. Từng bước chuẩn bị và thực hiện các đổi mới trong việc nâng cao chất lượng đào tạo đáp ứng chuẩn đầu ra theo hướng đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp trong nước và khu vực. Không ngừng nâng cao năng lực, trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ, giáo viên bằng nhiều hình thức: Cử viên chức đi học nâng cao, bồi dưỡng nghiệp vụ hoặc tự rèn luyện trau dồi kiến thức đảm bảo tiêu chuẩn quy định. Tăng cường nghiên cứu sáng kiến, giải pháp công việc, đề tài khoa học và đặc biệt chú trọng công tác hợp tác quốc tế nhằm hội nhập khu vực và quốc tế. Khai thác tiềm lực đội ngũ cán bộ khoa học của nhà trường tập trung nghiên cứu các vấn đề: Ứng dụng khoa học công nghệ trong giảng dạy và sản xuất; Nghiên cứu áp dụng phương pháp giảng dạy mới; Nghiên cứu, thiết kế và chế tạo mô hình dạy học có tính công nghệ mới; Biên soạn giáo trình, tài liệu giảng dạy dùng trong nhà trường. Các hoạt động về thông tin khoa học… Hướng công tác nghiên cứu khoa học vào việc nâng cao chất lượng giáo dục, bảo đảm được tính thiết thực, tính khả thi phục vụ trực tiếp cho việc thực hiện các nhiệm vụ của trường. Xây dựng mô hình kết hợp nghiên cứu khoa học với học tập sản xuất phù hợp với thực tế nhằm tạo động lực thúc đẩy và chủ động tham gia sáng tạo, sáng kiến, đề tài của cán bộ, giáo viên và học sinh - sinh viên.
Tập thể cán bộ, giáo viên và lớp học sinh - sinh viên của Trường Cao đẳng Nghề Việt Xô số 1 đoàn kết, quyết tâm phấn đấu, vươn lên để hoàn thành tốt nhiệm vụ đào tạo của Bộ Xây dựng giao từng bước khẳng định và phát triển trở thành trường dạy nghề chất lượng cao để góp phần đào tạo ra những công nhân kỹ thuật có bàn tay vàng đóng góp tích cực, hiệu quả cho quá trình CNH, HĐH đất nước và hội nhập kinh tế quốc tế.
Thanh Minh
Theo