Thứ ba 16/04/2024 20:06 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866

Đối mặt đợt lũ 4, Trung Quốc thừa nhận thách thức của đập Tam Hiệp

15:56 | 14/08/2020

Trung Quốc thừa nhận đập Tam Hiệp đóng vai trò tương đối nhỏ trong việc kiểm soát lũ lụt ở các nhánh hạ lưu, và việc thiếu các dự án thủy lợi hiện đại là một thách thức lớn.

Vai trò kiểm soát lũ của đập Tam Hiệp

Mưa bão, lũ lụt ở Trung Quốc trong 2 tháng rưỡi qua khiến nước ở một số nhánh sông Dương Tử và hồ Bà Dương đạt mức cao kỷ lục. Lũ lụt dọc theo sông Dương Tử khiến một số phương tiện truyền thông nước ngoài cho rằng đập Tam Hiệp thất bại trong kiểm soát lũ.

doi mat dot lu 4 trung quoc thua nhan thach thuc cua dap tam hiep
Đập Tam Hiệp xả lũ. Nguồn: National Geographic

Tờ China Daily ngày 12.8 cho biết, khả năng kiểm soát lũ lụt của tất cả các công trình thủy lợi đều bị hạn chế. Đối với đập Tam Hiệp, nó chủ yếu được thiết kế để bảo vệ sông Kinh Giang, một đoạn của sông Dương Tử ở vùng hạ lưu của con đập, và các vùng đồng bằng phì nhiêu dọc theo bờ của nó khỏi lũ lụt thường xuyên.

Sông Kinh Giang dài 360km và do lòng sông cao nên dễ bị lũ lụt. Tuy nhiên, đập Tam Hiệp đã cải thiện đáng kể việc kiểm soát lũ lụt ở sông Kinh Giang. Theo tờ China Daily, nhờ sự điều tiết lũ của con đập, không có phần nào của dòng chính sông Dương Tử, bao gồm cả sông Kinh Giang, vượt qua mốc mực nước cao nhất.

Nhưng vì nằm giữa trung lưu và thượng lưu sông Dương Tử, nên đập Tam Hiệp đóng một vai trò tương đối nhỏ trong việc kiểm soát lũ lụt ở các nhánh hạ lưu của nó. Điều này giải thích cho bài báo gần đây của CNN rằng, tất cả các trận lũ lụt nghiêm trọng ở hạ lưu sông Dương Tử trong năm nay đều xảy ra ở các nhánh sông.

Đập Tam Hiệp có thể giữ dòng nước từ thượng nguồn sông Dương Tử, ngăn không cho nước chảy vào các nhánh hạ lưu. Và con đập đã hoàn thành vai trò của mình trong năm nay, bằng cách hạn chế lưu lượng nước chảy ra ở mức 19.000 mét khối mỗi giây mặc dù dòng chảy vào hồ chứa lên tới 30.000 đến 50.000 mét khối/giây.

Mặc dù không có vụ tràn đê nào được báo cáo, nhưng mực nước cao trên dòng chính sông Dương Tử vẫn làm dấy lên một số lo ngại. Nhưng điều đó chủ yếu liên quan đến sự điều tiết khoa học của thượng lưu, trung lưu và hạ lưu sông Dương Tử do lũ lụt lớn trong năm nay. Nói cách khác, đập Tam Hiệp đã hoạt động như một công trình phòng thủ hữu hiệu chống lại lũ lụt - tờ China Daily khẳng định.

Mực nước trong hồ chứa đập Tam Hiệp phải được giữ ở mức dưới 165 mét để chuẩn bị cho lũ lụt có thể xảy ra hàng năm, nhưng vẫn còn chỗ cho 22,1 tỉ mét khối nước khác trong mùa lũ vì mực nước có thể được phép tăng lên đến 175 mét trong hồ chứa - mức tối đa để giữ cho đập hoạt động bình thường.

Và ngay cả sau khi mực nước đạt 175 mét, vẫn còn chỗ để nước tiếp tục chảy vào, vì mực nước trong hồ chứa có thể lên đến 180 mét - nhưng đó là trong trường hợp khẩn cấp để chứa thêm 5 tỉ mét khối nước lũ.

doi mat dot lu 4 trung quoc thua nhan thach thuc cua dap tam hiep
Đập Tam Hiệp ở tỉnh Hồ Bắc xả lũ ngày 2.8.2020. Ảnh: Tân Hoa Xã

Hy sinh một số nơi để cứu tổng thể

"Chúng ta không nên quên rằng việc thuần hóa hoàn toàn dòng chảy của bất kỳ con sông nào, bao gồm cả sông Dương Tử, là điều vượt ra ngoài lĩnh vực kỹ thuật" - ông Zhong Boting, Phó Tổng thư ký Hiệp hội Kỹ thuật Thủy điện Trung Quốc, cho hay, và thừa nhận rằng, ngoài các yếu tố tự nhiên như địa lý, khí hậu và sự phân bố lượng mưa không đồng đều không thể kiểm soát được, thì Trung Quốc còn tụt hậu trong việc xây dựng các hồ chứa và đập so với các nước phát triển.

Ví dụ, hệ số trữ nước - chỉ số quan trọng phản ánh mức độ hiện đại hóa ở một quốc gia - là hơn 0,9 ở hầu hết các nước Châu Âu và 0,66 ở Mỹ, thì ở Trung Quốc chỉ là 0,3. Đối với sông Dương Tử, nơi có lưu lượng nước cao nhất ở Trung Quốc, hệ số trữ nước thậm chí còn thấp hơn, chỉ ở mức 0,13.

Khả năng lưu trữ nước của đập Hoover ở Mỹ đã tăng gấp đôi, nhưng đập Tam Hiệp chỉ có thể xử lý 5% tổng khối lượng. Việc thiếu các dự án thủy lợi hiện đại là một thách thức lớn đối với Trung Quốc và khiến việc kiểm soát lũ trở nên khó khăn hơn, buộc các nhà chức trách phải cân nhắc lựa chọn hy sinh một số nơi để cứu tổng thể trong lũ lụt.

Tuy nhiên, tờ China Daily nhấn mạnh, Trung Quốc còn nhiều cơ hội để cải thiện việc kiểm soát lũ lụt của mình, và với tăng trưởng kinh tế bền vững và hiện đại hóa hơn nữa, nước này có khả năng củng cố khả năng phòng thủ chống lại lũ lụt.

Theo SONG MINH/Laodong.vn

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load