(Xây dựng) – Từ tháng 11/2018 đến nay, dự án Green Life đều đặn tổ chức các sự kiện đổi giấy lấy cây vào mỗi tháng ở Hà Nội để thu gom một lượng rác thải lớn, trao tặng nhiều mầm sống xanh và quan trọng hơn là nâng cao ý thức bảo vệ môi trường của những người trẻ.
Green Life là một dự án về môi trường của học sinh, sinh viên Hà Nội với hoạt động chính là “Đổi giấy lấy cây” và truyền thông về các giải pháp sống xanh. |
Mỗi sự kiện thu gom 3 – 5 tấn rác
Green Life là một dự án về môi trường do các bạn học sinh, sinh viên tại Hà Nội xây dựng từ tháng 11/2018. Người sáng lập là bạn Hoàng Quý Bình, một cựu sinh viên trường Đại học Bách Khoa Hà Nội. Dự án Green Life có hoạt động chính là các sự kiện “Đổi giấy lấy cây” hàng tháng và truyền thông các giải pháp sống xanh để góp phần bảo vệ môi trường tốt hơn.
Hiện nay, hoạt động của dự án chủ yếu được tổ chức tại Hà Nội khoảng 2 – 4 lần/tháng với sự tham gia của các tình nguyện viên là học sinh, sinh viên sinh sống và học tập trên địa bàn Thủ đô.
Để tham gia hoạt động “đổi giấy lấy cây”, rác mang đến cần sạch và khô để đảm bảo hiệu quả trong quá trình xử lý và tái chế. Rác sẽ được quy ra sao để đổi lấy cây: 3kg giấy photo, vở học sinh đã qua sử dụng và nhựa các loại có 1 sao; 5 kg sách, truyện, báo, tạp chí, bìa, vỏ hộp sữa là 1 sao; 2kg rác kim loại hay 1kg vỏ lon đập bẹp cũng có 1 sao. Ngoài ra, ít nhất 10 cục pin hoặc thiết bị điện tử được tặng khuyến khích 1 cây sen đá nhỏ.
Sự kiện “Đổi giấy lấy cây” của Green Life đang góp phần giáo dục trẻ nhỏ về ý thức bảo vệ môi trường. |
Sau đó, mọi người có thể sử dụng sao để đổi cây được xếp hạng từ 1 đến 10 sao. Ngoài ra, Green Life cũng bán cây, chậu, đất, túi giấy và các sản phẩm khác để gây quỹ duy trì dự án. Tất cả các sản phẩm đều được làm thủ công từ chất liệu tái chế và thân thiện với môi trường.
Để bảo vệ môi trường, Ban tổ chức còn lưu ý mọi người nên tái sử dụng túi hay hộp carton cũ để đựng đồ mang qua sự kiện, không nên sử dụng túi nilon còn mới. Đồ mang tới đổi cây cũng nên hết giá trị sử dụng, đã tái sử dụng nhiều lần, không nên mang “rác” còn giá trị sử dụng đến đổi quà.
Bạn Nguyễn Quốc Hưng, sinh viên năm 2 trường Đại học Bách Khoa Hà Nội và là thành viên Ban trực trụ sở của Green Life cho biết, mỗi sự kiện “Đổi giấy lấy cây” thu gom được khoảng 3 – 5 tấn rác. Sau đó, Green Life sẽ giao cho các đối tác tái chế.
Trong đó, pin cũ và thiết bị điển tử hỏng được gửi đến các điểm thu gom của chương trình Việt Nam tái chế. Vỏ hộp sữa được gửi tới nhà máy tái chế ở Bình Dương. Sách giáo khoa hay truyện tranh dùng để xây dựng các tủ sách cộng đồng. Đối với các loại giấy vụn, nhựa, lon hay vỏ hộp sữa chua, một phần được giữ lại để tái chế, một phần được gửi về nhà máy xử lý.
Hiện nay, kinh phí hoạt động của dự án chủ yếu do các đối tác hỗ trợ. Ngoài ra, Green Life còn bán cây xanh và một số đồ tái chế tại các sự kiện để duy trì hoạt động.
Nhiều bạn trẻ sẵn sàng đội mưa đi đổi giấy lấy cây và rủ thêm cả bạn bè. |
Nâng cao ý thức bảo vệ môi trường của người trẻ
Là một dự án được thành lập và vận hành bởi những người trẻ, Green Life đang góp công lớn để thay đổi ý thức bảo vệ môi trường của nhiều người trẻ, đặc biệt là giáo dục các em nhỏ.
Bạn Nguyễn Gia Huấn, một tình nguyện viên của Green Life chia sẻ: “Em biết đến Green Life khi các anh chị tham gia cuộc thi của một CLB bên trường em, Đại học Ngoại thương Hà Nội. Sau khi tìm hiểu, em thấy dự án ý nghĩa nên đã đăng ký làm cộng tác viên. Em mới vào được khoảng 3 tháng. Công việc của một cộng tác viên không ảnh hưởng nhiều đến việc học của chúng em. Các sự kiện chủ yếu diễn ra vào cuối tuần nên chúng em có thể thu xếp được thời gian rảnh để tham gia.
Green Life đã trao tặng hàng chục nghìn cây xanh sau hơn 2 năm hoạt động. |
Em thấy có nhiều bậc phụ huynh đưa con nhỏ tham gia chương trình đổi cây. Hoạt động này có ý nghĩa rất tốt để giáo dục các em về ý thức bảo vệ môi trường, thay vì chỉ đổi rác để lấy cây. Đó là mục tiêu lớn nhất mà chúng em hướng tới”.
Bạn Nguyễn Quốc Hưng, thành viên Ban trực trụ sở của Green Life cho biết thêm: “Green Life hoạt động với định hướng giáo dục mọi người về ý thức bảo vệ môi trường. Khi tổ chức sự kiện, chúng tôi chủ yếu gặp người lớn tới đổi cây. Nhưng vui nhất là được gặp các em nhỏ. Các em có thể thích cây hơn chứ chưa có ý thức rõ ràng về việc phân loại rác và bảo vệ môi trường. Nhưng ở đây, chúng tôi có Ban truyền thông để tuyên truyền cho cả người lớn và trẻ nhỏ về các hoạt động bảo vệ môi trường”.
Hoạt động của Green Life đang phát huy hiệu quả khi ngày càng có nhiều người trẻ tham gia các sự kiện đổi giấy lấy cây, đặc biệt là các bạn học sinh, sinh viên.
Bạn Nguyễn Phương Mỹ, một người trẻ tham gia sự kiện đổi giấy lấy cây của Green Life tại quận Hai Bà Trưng vào tháng 3/2021 chia sẻ: “Tôi biết đến sự kiện này thông qua Facebook. Nhà tôi thì có nhiều giấy thừa lắm. Nhưng trước khi biết đến chương trình của Green Life thì tôi chỉ biết vứt bỏ thôi. Vài năm gần đây, tôi biết đến chương trình thì hay mang giấy đổi lấy cây. Đây là một hoạt động ý nghĩa, vừa đổi được cây, vừa góp phần bảo vệ môi trường. Bởi vậy, tôi cũng thường rủ bạn bè tham gia các sự kiện ý nghĩa như thế này”.
Mỗi sự kiện “Đổi giấy lấy cây” thu gom được khoảng 3 – 5 tấn rác. |
Khác với Phương Mỹ, cháu Vũ Bảo Linh là một học sinh lớp 4 được mẹ dẫn tới sự kiện. Bảo Linh tâm sự: “Con rất thích trồng cây mà sự kiện này thì có nhiều cây đẹp lắm. Hôm nay, con mang pin cũ và giấy thừa đi đổi lấy cây. Đống giấy này là con thu thập hàng ngày từ việc học trên lớp. Bình thường, thầy cô giáo và bố mẹ cũng dạy con không được xả rác bừa bãi và trồng thêm nhiều cây xanh để bảo vệ môi trường”.
Dịch Phong
Theo