Sức mua giảm, hàng tồn kho gia tăng đang khiến các doanh nghiệp (DN) sản xuất kinh doanh phải ngụp lặn trong muôn vàn khó khăn. Hàng loạt giải pháp kích cầu được DN tung ra, nhưng thị trường vẫn chưa có dấu hiệu khởi sắc.
Nhiều biện pháp đang được thực hiện để giải phóng lượng thép tồn kho.
Sản xuất đình đốn
Ảnh hưởng trực tiếp của thị trường bất động sản đóng băng kéo dài, hàng loạt DN sản xuất kinh doanh trong ngành vật liệu xây dựng đang điêu đứng do không tiêu thụ được hàng. Nhiều DN trong ngành thép, xi măng, gốm sứ... buộc phải ngừng hoặc cắt giảm sản xuất để chống lỗ.
Theo Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), sản lượng thép xây dựng tháng 2 vừa qua đạt 260.000 tấn, giảm 83.000 tấn so với cùng kỳ năm 2012. Chỉ riêng tháng 2, tiêu thụ thép đạt 250.000 tấn, giảm 153.000 tấn so với tháng trước và giảm 139.000 tấn so với cùng kỳ năm 2012, đẩy thành phẩm tồn kho trên 320.000 tấn, tăng 40.000 tấn so với cùng kỳ. Đáng chú ý, tuy gặp nhiều khó khăn về tiêu thụ nhưng giá nguyên liệu thế giới lại có xu hướng tăng nhẹ, trong khi giá thép bán lẻ không thể tăng, vẫn ở mức 16 - 18 triệu đồng/tấn. Với tình hình sản xuất và giá bán hiện nay, phần lớn DN sản xuất thép bị lỗ. Trong khi đó, tình hình cạnh tranh trong lĩnh vực này tiếp tục khốc liệt. Theo dự báo, năm 2013 sẽ có thêm 5 nhà máy được đưa vào sản xuất với công suất 1,5 triệu tấn/năm, nâng tổng công suất thép xây dựng cả nước lên 11 triệu tấn/năm, trong khi mức tiêu thụ thực tế khoảng 5 triệu tấn/năm. Điều này khiến cung sẽ vượt xa cầu, tăng cạnh tranh trên thị trường thép nội địa.
Trong khi thép trong nước dư thừa thì năm 2012 vừa qua, Việt Nam nhập khẩu khoảng 5 triệu tấn thép các loại với kim ngạch khoảng 5 tỷ USD. Thép nhập chủ yếu từ Trung Quốc như thép tấm lá đen, tôn mạ, phôi thép, thép không gỉ, ống thép, thép hàn, thép hình, thép tấm lá cán nóng… Trong khi lượng thép các loại xuất khẩu trong năm 2012 đạt hơn 2 triệu tấn với kim ngạch gần 2 tỷ USD, chưa bằng một nửa kim ngạch nhập khẩu. Theo ông Nguyễn Tiến Nghi, Phó Chủ tịch VAS, trong thời gian tới, nếu việc tiêu thụ không có dấu hiệu sáng sủa hơn, nhiều DN sẽ ngừng sản xuất vì không thể sản xuất ra để lưu kho, trong khi phần lớn vốn lưu động của các DN hiện nay phụ thuộc nguồn vay ngân hàng. Chỉ tính riêng trong tháng 2 vừa qua đã có 4 DN thuộc VSA ngừng sản xuất, một số khác giảm công suất và sản xuất cầm chừng.
Tương tự, Bộ Xây dựng cho biết, trong tháng qua, tổng lượng xi măng tiêu thụ ước đạt 3,7 triệu tấn; bằng 7,4% kế hoạch năm; xuất khẩu ước đạt 0,52 triệu tấn. Thị trường xi măng vẫn bán rất chậm dù các DN sản xuất xi măng tiếp tục duy trì khuyến mãi từ 3 - 5 bao khi mua số lượng 100 bao xi măng. Còn theo kế hoạch, nhu cầu xi măng năm 2013 khoảng 56 - 57 triệu tấn, trong đó xi măng tiêu thụ nội địa khoảng 48,5 - 49 triệu tấn, xuất khẩu 7,5 - 8 triệu tấn. Tuy nhiên, trên thực tế, phần lớn DN sản xuất hiện chỉ chạy khoảng 70% công suất thiết kế, với giá giao hàng tại nhà máy dao động 1,4 - 1,7 triệu đồng/tấn. Theo Hiệp hội Vật liệu xây dựng TPHCM, ngoài các DN sản xuất thép, xi măng, nhiều DN sản xuất gốm sứ, gạch, kiếng... đều cắt giảm 50% - 70% sản lượng do hàng tồn kho còn nhiều.
Khuyến mãi “kép”
Ghi nhận trên thị trường cho thấy, dù đã vào cuối quý 1 nhưng sức mua chung trên thị trường rất trầm lắng, ảm đạm. Ngoài nguyên nhân người tiêu dùng đã mua sắm từ thời điểm trước tết nên giờ không còn nhu cầu thì còn một thực tế, đó là kinh tế vẫn chưa hết khó khăn khiến người dân ngày càng thận trọng trong chi tiêu, mua sắm. Tại nhiều hệ thống siêu thị, các chợ bán lẻ cho thấy, hiện chỉ mỗi nhóm hàng thực phẩm thiết yếu và nhóm hàng tiêu dùng nhanh là còn đông khách. Các ngành khác, mặc dù các chương trình khuyến mãi nhân ngày 8-3 chưa kết thúc, nhưng các nhà phân phối vẫn tiếp tục thực hiện hàng loạt các đợt khuyến mãi khác, với hàng ngàn mặt hàng có mức giảm giá lên đến 49%. Nói cách khác, vào thời điểm này, các siêu thị đang rơi tình trạng “khuyến mãi chồng khuyến mãi” để giải phóng hàng tồn, thu hồi vốn.
Giám đốc một hệ thống siêu thị lớn tại TPHCM cho rằng, chưa có năm nào sức mua yếu như năm nay. Tình hình này có thể kéo dài đến hết quý 2. Bài toán duy nhất để kích cầu tiêu dùng là khuyến mãi, bất chấp nhiều mặt hàng phải bán với giá hòa vốn. Hy vọng từ quý 3 trở đi, sức mua sẽ khá hơn. Bà Bùi Hạnh Thu, Phó Tổng giám đốc Saigon Co.op, cho biết ở nhóm hàng tiêu dùng chậm (như điện máy, điện lạnh, quần áo, giày dép, dụng cụ gia đình…), doanh nghiệp phải chấp nhận bắt tay với nhà phân phối, tìm nhiều biện pháp hữu hiệu để kích cầu tiêu dùng.
Theo Bộ Công thương, tháng 2 là tháng tiêu thụ mạnh của các sản phẩm chế biến nhưng chỉ số tồn kho của ngành chế biến, chế tạo giảm không đáng kể so với tháng trước và so với cùng kỳ năm trước. Chỉ số tồn kho tại thời điểm 1-2-2013 của toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 19,9% so với cùng thời điểm năm trước. Trong đó, những ngành có chỉ số tồn kho cao như: đường tăng 28%; bia tăng 49,4% (tuy nhiên, những ngày sát Tết Nguyên đán tiêu thụ bia tăng mạnh); sản xuất thuốc lá tăng 49%; hàng may sẵn (trừ trang phục) tăng 25,2%; sản xuất trang phục tăng 27%; sản xuất giày, dép tăng 31,9%; giấy nhăn, bìa nhăn, bao bì từ giấy và bìa tăng 33,7%...
Theo SGGP
Theo baoxaydung.com.vn