Dù đã có trên 767.000 tỉ đồng được cho vay mới với lãi suất ưu đãi, nhiều doanh nghiệp (DN), đặc biệt là các DN có quy mô nhỏ và vừa, vẫn phản ánh khó tiếp cận gói tín dụng này do các hạn chế trong báo cáo tài chính cũng như hạn mức vay vốn của DN.
Nhiều doanh nghiệp phản ánh vẫn khó tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi từ ngân hàng. Ảnh minh họa: Hải Nguyễn |
Vốn vay ưu đãi tiếp tục tăng mạnh
Thông tin tại Hội nghị tăng cường triển khai các giải pháp hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên tổ chức ngày 27.5, bà Hà Thu Giang - Phó Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành Kinh tế, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) - cho hay: Tính đến ngày 25.5, tất cả tổ chức tín dụng (TCTD), kể cả công ty tài chính và ngân hàng (NH) nước ngoài đều vào cuộc mạnh mẽ triển khai các giải pháp hỗ trợ DN và người dân. Đến nay, các TCTD đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho hơn 223.000 khách hàng với dư nợ hơn 151.000 tỉ đồng. Đã miễn, giảm, hạ lãi suất cho hơn 320.000 khách hàng với dư nợ trên 1,14 triệu tỉ đồng. Cho vay mới lãi suất ưu đãi với doanh số lũy kế từ ngày 23.1 đến nay đạt trên 767.000 tỉ đồng cho hơn 196.000 khách hàng, lãi suất thấp hơn phổ biến từ 0,5-2,5% so với trước dịch.
Tuy nhiên, một số DN trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên tiếp tục phản ánh tình trạng khó tiếp cận vốn vay ưu đãi từ phía NH cũng như những vướng mắc trong quy định về đảm bảo tài sản thế chấp hay không có tài sản thế chấp khi vay vốn NH. Ông Nguyễn Văn Thời - Chủ tịch Hiệp hội DN tỉnh Thái Nguyên - phản ánh, nhờ các giải pháp hỗ trợ của NH, rất nhiều DN đã tiếp cận được chính sách giảm lãi suất, giãn thời gian cho vay. Như trước đây, vay vốn hoạt động chỉ có 6 tháng, hiện nay được tăng lên 8 tháng. Các DN đồng thời cũng tự động được giảm lãi suất ở một số khoản vay.
“DN của tôi đã hưởng lợi từ điều này vài trăm triệu đồng. Tuy nhiên, các DN nhỏ và vừa, đặc biệt là DN siêu nhỏ thì khó tiếp cận gói này. Vì các báo cáo tài chính cùng hạn mức vốn của những DN này còn hạn chế” - ông Thời phản ánh.
Từ thực tế trên, ông Nguyễn Văn Thời kiến nghị NHNN có thể đưa ra các hình thức bảo lãnh tín dụng cho các DN có khả năng vốn chủ sỡ hữu ít trong lĩnh vực dịch vụ, du lịch, giao thông vận tải. Cụ thể, NH có thể đánh giá theo hình thức bảo lãnh để các DN này có thể tiếp cận. “Phía các DN cũng cần có những báo cáo tài chính công khai, minh bạch, nêu rõ khó khăn của mình cho NH biết. Tôi tin hai bên cố gắng thì sẽ gặp nhau” - ông Thời đưa ý kiến.
Cần có phương án sản xuất tốt
Giải đáp những thắc mắc nói trên, ông Bùi Văn Khoa - Giám đốc NHNN chi nhánh tỉnh Thái Nguyên - cho hay, với những DN lớn có quan hệ thường xuyên và có điều kiện kinh tế khá vẫn tiếp cận với các khoản tín dụng một cách bình thường, thậm chí có nhiều cơ hội để phát triển hơn. Tuy nhiên, trong giai đoạn khó khăn này, DN bị ảnh hưởng trực tiếp là những DN nhỏ và siêu nhỏ. Sở dĩ, những DN này ít được tiếp xúc với nguồn vốn tín dụng là do phương án sản xuất kinh doanh và các tài sản đảm bảo chưa đủ điều kiện, khả năng quản trị của DN còn hạn chế.
“Chúng tôi đã nắm bắt được điều này và thường xuyên chỉ đạo các TCTD tích cực cùng các ngành, các cấp để tiếp xúc với các DN và tìm kiếm các cơ hội cho vay được tốt hơn” - ông Khoa cho hay.
Còn theo Phó Vụ trưởng Hà Thu Giang, việc nhiều khách hàng đã phát sinh nợ quá hạn vì kinh doanh thua lỗ xuất phát từ các nguyên nhân chủ quan trước khi dịch bệnh xảy ra, không đủ điều kiện để cơ cấu lại nợ theo Thông tư 01 của NHNN nhưng vẫn liên tục kiến nghị đến ngành NH, tạo áp lực cho hoạt động của các TCTD.
“Hơn nữa, nhiều DN, nhất là DN nhỏ và vừa chưa thực sự linh hoạt trong bối cảnh “bình thường mới”, chưa có phương án chuyển đổi hoạt động sản xuất kinh doanh hiệu quả nên khó khăn cho các TCTD trong việc thẩm định, quyết định cho vay mới” - bà Giang nói.
Chính vì vậy, theo ông Hà Mậu Quý - Giám đốc chi nhánh Ngân hàng BIDV tỉnh Thái Nguyên, việc xây dựng phương án kinh doanh khả thi khi vay vốn NH là rất quan trọng. Theo đó, “có trường hợp không cần tài sản đảm bảo vẫn có thể cho vay được” - ông Quý nhấn mạnh.
Cũng theo đại diện chi nhánh NH BIDV, nhiều DN cho rằng, việc tiếp cận nguồn vốn khá khó khăn nhưng thực tế NH cũng là DN, nguồn vốn của NH đến từ người dân và DN nên khi cho vay phải đảm bảo an toàn cho họ. “Chính vì vậy, chúng tôi luôn tuân thủ những chuẩn mực theo quy định của NHNN, không hạ chuẩn cho vay để sau này nợ xấu không có cơ hội bùng phát” - ông Quý cho biết.
Theo Văn Nguyễn/Laodong.vn
Link gốc: https://laodong.vn/kinh-te/doanh-nghiep-van-than-kho-tiep-can-von-vay-uu-dai-808656.ldo