Thứ tư 17/04/2024 01:52 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866

Doanh nghiệp TP.HCM đề nghị giảm thuế và tiêm vaccine cho lao động

16:36 | 10/06/2021

Nhiều doanh nghiệp tại TP.HCM mong muốn Chính phủ giảm thuế, sớm khởi động một chiến dịch tiêm vaccine diện rộng cho người lao động.

Sáng ngày 10/6, Hội nghị gặp gỡ giữa lãnh đạo TP.HCM và doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 đã diễn ra với chủ đề "TP.HCM đồng hành cùng doanh nghiệp thực hiện mục tiêu kép". Buổi hội nghị có sự góp mặt của Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong, Phó chủ tịch HĐND Phạm Đức Hải.

Giá nguyên vật liệu tăng không biết điểm dừng

Phát biểu tại hội nghị, ông Chu Tiến Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM, cho biết trong bối cạnh dịch bệnh Covid-19 diễn ra, nhiều doanh nghiệp đã tại cấu trúc, tăng cường chuyển đổi số, phát triển thương mại điện tử để có cơ hội tăng trưởng tốt. Hầu hết doanh nghiệp đều rút ra bài học về phụ thuộc nguồn nguyên liệu, có nhiều biện pháp để hỗ trợ người lao động.

Tuy nhiên, theo thống kê của Hiệp hội, có đến 84% doanh nghiệp vừa và nhỏ gặp khó khăn, trong đó 40% khó khăn đến từ việc thiếu vốn, thị trường bị ảnh hưởng và thu hẹp chiếm 80%, phải cắt giảm lao động chiếm 52%, bị đứt chuỗi cung ứng nguyên liệu chiếm 14%, bị cản trở hoạt động kinh doanh do biện pháp cách ly xã hội phòng dịch chiếm trên 50%.

doanh nghiep tphcm de nghi giam thue va tiem vaccine cho lao dong
Đợt bùng phát dịch bệnh Covid-19 lần thứ 4 làm đảo lộn hoạt động kinh doanh của nhiều doanh nghiệp tại TP.HCM. Ảnh: Phạm Ngôn.

Ông Chu Tiến Dũng cho biết mặc dù một số ngành công nghiệp trọng yếu đã kết nối lại được nguồn nguyên liệu, nhiều nguyên vật liệu vẫn đang tăng không biết điểm dừng, dẫn đến chi phí sản xuất tăng cao, làm giảm sức cạnh tranh trên thị trường.

Là đơn vị sản xuất trong ngành thực phẩm, ông Nguyễn Đặng Hiến, Tổng giám đốc Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Tân Quang Minh (Bidrico) cho rằng sự đứt gãy trong chuỗi cung ứng khiến cho các doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn, đặc biệt là ngành thực phẩm.

Ông chia sẻ có những hóa chất, nguyên liệu cần phải nhập khẩu từ nước ngoài nhưng không thể nhập khẩu, nhiều nguyên liệu tăng giá từ 10, 20, thậm chí 30 lần so với giá ban đầu. Mặc dù giá nguyên liệu đầu vào tăng cao, việc điều chỉnh tăng giá bán đầu ra lại rất khó khăn, nhất là trong thời điểm dịch bệnh như hiện nay.

"Điều này dẫn đến sự mất cân đối trong dòng tiền doanh nghiệp", ông Nguyễn Đặng Hiến dẫn giải.

Bên cạnh đó, ông Trần Lâm Hồng, Phó tổng giám đốc Saigon Co.op, cho biết vấn đề vận chuyển hàng hóa của doanh nghiệp đang gặp rất nhiều khó khăn.

"Do các quy định thiếu đồng bộ giữa các địa phương, vận chuyển hàng hóa từ TP.HCM đến các tỉnh thành còn nhiều vướng mắc. Các tài xế đều cần có xét nghiệm, tuy nhiên giá trị của xét nghiệm chỉ trong tối đa 72 giờ. Song chi phí xét nghiệm khá cao, nguồn tài xế của doanh nghiệp còn hạn chế", ông Trần Lâm Hồng nói thêm.

Vaccine được quan tâm hàng đầu

Đánh giá cao vai trò quan trọng của nguồn nhân công lao động trong hoạt động sản xuất, hầu hết đại diện các doanh nghiệp đều chia sẻ nhu cầu lớn về việc mua nguồn vaccine và tiêm phòng cho cán bộ, công nhân viên.

Là doanh nghiệp đã có 2 trường hợp công nhân từ F1 trở thành F0 do lây nhiễm từ nơi cư trú, Thượng tá Nguyễn Thế Anh, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần 32 BQP (quận Gò Vấp, TP.HCM), cho biết,do đặc thù doanh nghiệp là công ty sản xuất giày dép, nguồn nhân công lao động đông, sinh sống phân tán trong khu vực nên nguy cơ lây nhiễm giữa các công nhân trong nhà máy rất cao. Do vậy, công ty đã dừng hoạt động từ đầu tháng 6 cho đến nay.

doanh nghiep tphcm de nghi giam thue va tiem vaccine cho lao dong
Vấn đề tiêm vaccine cho đội ngũ công nhân lao động để đảm bảo dây chuyền hoạt động, sản xuất được các doanh nghiệp quan tâm. Ảnh: Duy Hiệu.

"Chúng tôi đề nghị trong kế hoạch tiêm chủng của thành phố, cần ưu tiên các ngành nghề có nhiều lao động, những ngành không thể làm việc tại nhà. Bên cạnh đó, nghiên cứu các đơn vị có đủ năng lực tiếp cận nguồn vaccine theo hướng thương mại, kinh phí do doanh nghiệp chi trả", Thượng tá Nguyễn Thế Anh đề nghị.

Ông Phạm Văn Việt, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may thêu đan TP.HCM, kiến nghị Bộ Y tế cần đưa người lao động vào nhóm có rủi ro cao để tiêm vaccine. Đồng thời, đề nghị hỗ trợ tiêm vaccine cho người lao động từ chi phí của doanh nghiệp. Bên cạnh đó, ông cũng đề xuất Sở Y tế TP.HCM hướng dẫn triển khai, hỗ trợ các bộ kit xét nghiệm nhanh để sàng lọc cho người lao động của doanh nghiệp.

Đại diện cộng đồng doanh nghiệp tại TP Thủ Đức, ông Nguyễn Thế Anh, Chủ tịch HĐQT Công ty Nam Thái Sơn khẳng định cần tập trung nhiều hơn đến việc ưu tiên tiêm vaccine cho công nhân trong các khu công nghiệp (KCN).

"Sự bùng phát dịch trong các KCN tại Bắc Ninh và Bắc Giang là tín hiệu xấu đối trong mắt các nhà đầu tư và đối tác nước ngoài, khiến họ cảm thấy lo ngại. Các đơn hàng có khả năng quay lại Trung Quốc khi dây chuyền sản xuất tại đó ổn định trở lại", ông Thế Anh bình luận.

Khẳng định tầm quan trọng của vaccine đối với các doanh nghiệp, ông Đỗ Phước Tống, Chủ tịch hội Cơ khí - Điện TP.HCM cho rằng các giải pháp thiết yếu nhất nhằm đảm bảo hoạt động ổn định của doanh nghiệp lúc này đều quay về vấn đề cung cấp nguồn vaccine.

Đề xuất giảm thuế VAT từ 10% xuống 5%

Theo bà Lê Thị Huỳnh Mai, Giám đốc Sở KHĐT TP.HCM, cho biết để tiếp tục hỗ trợ người dân và doanh nghiệp, TP dự kiến kiến nghị Chính phủ điều chỉnh mức hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước khi doanh nghiệp thực hiện các chương trình xúc tiến thương mại trong nước; chỉ đạo các bộ ngành nghiên cứu, đề xuất thực hiện một loạt giải pháp hỗ trợ trọng tâm.

Về tài chính, TP sẽ kiến nghị xem xét giảm thuế VAT từ 10% xuống 5% trong năm 2021, xem xét kéo dài giảm tiền thuê đất đối với doanh nghiệp du lịch 2021; xem xét tiếp tục gia hạn giảm phí thẩm định hồ sơ cấp phép kinh doanh lữ hành và cấp thẻ hướng dẫn viên du lịch đến hết năm 2021.

doanh nghiep tphcm de nghi giam thue va tiem vaccine cho lao dong
Các công nhân tại Công ty TNHH PouYuen được đưa đến khu cách ly tập trung quận Bình Tân. Ảnh: Chí Hùng.

Đồng thời, TP.HCM phối hợp Ngân hàng Nhà nước nghiên cứu, đề xuất Chính phủ cho phép doanh nghiệp lữ hành được giảm 80% số tiền ký quỹ của doanh nghiệp trong 2 năm.

Ủng hộ phương án xem xét giảm thuế VAT từ 10% xuống 5%, ông Nguyễn Quốc Kỳ, Chủ tịch HĐQT Vietravel cho rằng Chính phủ có thể xem xét giảm mức thu thuế tạm thời xuống còn 5%, 5% còn lại Chính phủ cho vay lại doanh nghiệp trong giai đoạn khó khăn.

Để hỗ trợ doanh nghiệp, theo ông Chu Tiến Dũng, cần triển khai nhanh các gói hỗ trợ Chính phủ ban hành theo Nghị định 52, đồng thời cần khắc phục các rào cản các gói hỗ trợ an sinh xã hội do Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội ban hành.

Ngân hàng tiếp tục xem xét nới lỏng thêm các điều kiện khoanh nợ, giãn nợ, điều chỉnh giảm lãi suất nợ cũ và xem xét cho vay mới theo lãi suất ưu đãi, khuyến khích ngân hàng cho vay bằng hình thức tín chấp đối với một số ngành khó khăn do dịch bệnh.

Bên cạnh đó, cũng cần có gói hỗ trợ riêng, đặc thù cho các doanh nghiệp bị ảnh hưởng nặng nề, phải ngừng sản xuất như ngành du lịch, dịch vụ, sớm ban hành gói hỗ trợ riêng của TP.

Theo Hà Bùi/Zing.vn

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load