Thứ sáu 29/03/2024 17:12 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866

Doanh nghiệp mắc kẹt trong khủng hoảng pháp lý cho dự án bất động sản hậu Covid-19

16:00 | 13/07/2020

(Xây dựng) – Ảnh hưởng từ dịch bệnh, vướng mắc chính sách là khó khăn lớn nhất của thị trường bất động sản. Doanh nghiệp phải qua “trăm cửa, trăm dấu” để hoàn thiện thủ tục pháp lý cho dự án bất động sản.

doanh nghiep mac ket trong khung hoang phap ly cho du an bat dong san hau covid 19
Ảnh minh họa (Nguồn: Minh Thu).

Thị trường bất động sản không có nguồn cung mới trong 6 tháng đầu năm

Bà Nguyễn Thị Vân Khanh – Giám đốc cấp cao thị trường vốn JLL Việt Nam cho biết: “Tổng quan về thị trường bất động sản Hà Nội trong quý II/2020, nguồn cung bất động sản căn hộ có sự sụt giảm đáng kể so với quý I. Tuy nhiên, lượng hấp thụ có sự gia tăng trong quý, đây là điều khá tích cực.

Đặc biệt, sau thời điểm Covid-19, lượng người mua nhà ở nhu cầu thực tế đang cân nhắc, tích cực tham gia vào thị trường. Chủ đầu tư không có xu hướng giảm giá, tuy nhiên đã có những chính sách hỗ trợ người mua”.

Về nguồn cung văn phòng, 6 tháng đầu năm không có nguồn cung mới, đã bị trễ do ảnh hưởng của Covid-19 và dự kiến những tháng cuối năm nguồn cung sẽ được bổ sung đáng kể. Khách thuê có nhu cầu về văn phòng hạng A đang rất lớn.

Ông Nguyễn Quốc Anh - Phó Tổng Giám đốc batdongsan.com.vn nhận định, bất động sản vẫn là kênh có nhu cầu cao trong thời gian tới. Nhiều nhà đầu tư chứng khoán rút tiền ra và có thể sẽ chuyển hướng sang bất động sản. Nhà đầu tư bất động sản cần xác định đầu tư dài hạn để có biên độ tang giá tốt hơn, còn trong ngắn hạn sẽ bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh.

Khó khăn lớn nhất của thị trường bất động sản là vướng mắc chính sách

Ông Nguyễn Mạnh Hà - Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam cho biết: “Bên cạnh những khó khăn thị trường do dịch bệnh, doanh nghiệp mong chờ các cơ chế chính sách tháo gỡ những bất cập hiện nay. Những văn bản mới được ban hành để tháo gỡ thì lại vấp phải những quy định mới gây nhiều khó khăn. Những văn bản về thuế, tín dụng, tiêu chuẩn an toàn… chi phí cũng tăng thêm khi thực hiện các văn bản mới”.

Thực tế có tình trạng văn bản 6 tháng mới có hiệu lực nhưng cũng có văn bản có hiệu lực ngay khiến cho doanh nghiệp không xoay xở kịp. Khi văn bản mới có tăng chi phí khiến nhà đầu tư vỡ trận, nhiều dự án đổ bể. Chính vì vậy có dự án 10 năm không thực hiện được bởi vướng mắc ở những cơ chế chính sách.

Ông Nguyễn Mạnh Hà kiến nghị để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trong giai đoạn Covid-19 hiện nay như: Giảm lãi suất, chậm nộp kéo dài khoảng 12 tháng hay tạm hoãn việc ký quỹ để cho phép dự án đầu tư. Đặc biệt là hướng dẫn lựa chọn chủ đầu tư các dự án nhà ở xã hội, dự án đất thì phải đấu thầu, đấu giá… Những thông tin cần có hướng dẫn cụ thể hơn.

Theo ông Nguyễn Quốc Hiệp - Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư Dầu khí Toàn Cầu cho biết: “Về luật quy hoạch vừa sửa lại gây ách tắc nghiêm trọng hơn. Theo đó, muốn điều chỉnh quy hoạch vùng phải điều chỉnh quy hoạch quốc gia. Nếu dự án năm 2020 thực hiện nhưng lại đòi hỏi điều chỉnh quy hoạch vùng đã có trước đó, đã lỗi thời thì đây là quy trình ngược”.

Như vậy, nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp và thị trường bất động sản phát triển, các cơ quan quản lý Nhà nước cần vào cuộc quyết liệt để tháo gỡ những vướng mắc về thủ tục pháp lý dự án.

Mỹ Anh

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load