Thứ bảy 20/04/2024 13:53 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866

Doanh nghiệp kiến nghị Nhà nước tháo gỡ khó khăn

18:21 | 02/01/2023

(Xây dựng) – Trước những khó khăn và thách thức mà các DN ngành Xây dựng đã, đang và sẽ phải đối diện, lãnh đạo một số DN kiến nghị Bộ Xây dựng, Chính phủ xem xét hỗ trợ gỡ khó, để đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh trong năm 2023.

Doanh nghiệp kiến nghị Nhà nước tháo gỡ khó  khăn

LILAMA: Chính phủ hỗ trợ công trình xây dựng cơ bản nhiều hơn

Trong năm 2022, Tổng công ty Lắp máy Việt Nam (LILAMA) đã đạt một số thành tích nổi bật như ký kết hợp đồng EPC dự án nhà máy Nhơn Trạch 3 và Nhơn Trạch 4, cùng các thỏa thuận liên quan khác; Khánh thành Nhà máy Nhiệt điện Sông Hậu 1; Ký hợp đồng với Tập đoàn Thyssenkrupp Nucera AG & Co.KgaA để chế tạo các module thiết bị điện phân cho dự án nhà máy sản xuất Hydrogen xanh.

Hiện tại, LILAMA đang triển khai chế tạo và tổ hợp 55 module thiết bị điện phân cho dự án nhà máy sản xuất Hydrogen xanh tại Ả Rập Xê-Út, đồng thời tiếp tục thương thảo với Tập Thyssenkrupp Nucera AG & Co. KgaA về một hợp đồng mới chế tạo 55 module thiết bị điện phân khác.

Theo đánh giá của Tổng giám đốc LILAMA Lê Văn Tuấn, các nhà thầu xây lắp nói chung và nhà thầu xây lắp các công trình cơ bản nói riêng, đều đang gặp khó khăn và bị lỗ, trong đó có nguyên nhân của việc chậm thanh toán. Điển hình, LILAMA vẫn chưa được thanh toán số tiền đã bỏ ra để thực hiện các công việc có liên quan tại dự án Nhiệt điện Vũng Áng 1, ước tính khoảng 1.400 tỷ đồng. Vướng mắc này không phải do ý nghĩ chủ quan của cá nhân, mà xuất phát từ hạn chế về cơ chế và chính sách.

Tổng giám đốc LILAMA Lê Văn Tuấn cho rằng, công trình xây dựng cơ bản là những công trình có vai trò quan trọng tác động tới an sinh xã hội và phát triển kinh tế của địa phương hay cả nước, là gốc rễ quyết định sự phát triển của các quốc gia, ví dụ như các công trình giao thông, các nhà máy điện, nhà máy xi măng…

Bất kỳ quốc gia nào trong giai đoạn phát triển cũng phải xây dựng công trình cơ bản. Nếu công trình cơ bản bị chậm tiến độ sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển của một địa phương, khu vực hay cả nước. Việc “đá đi đá lại” “quả bóng trách nhiệm” như hiện nay chỉ khiến việc thi công công trình trọng điểm của quốc gia gặp nhiều khó khăn và khó hoàn thành đúng tiến độ, đảm bảo chất lượng.

Vì thế, LILAMA tha thiết đề nghị Bộ Xây dựng có ý kiến với Chính phủ xem xét ứng xử với các công trình xây dựng cơ bản khác với các công trình xây dựng dân dụng. Như vậy mới có thể đảm bảo điều kiện nền tảng cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Doanh nghiệp kiến nghị Nhà nước tháo gỡ khó  khăn
Doanh nghiệp kiến nghị Nhà nước tháo gỡ khó  khăn

VICEM: 6 giải pháp tháo gỡ khó khăn sản xuất kinh doanh

Trong năm 2022, Tổng công ty Xi măng Việt Nam (VICEM) đã tập trung thực hiện nhiều giải pháp đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, đảm bảo phát triển và nâng cao hoạt động hiệu quả của DN.

Mặc dù gặp nhiều khó khăn, nhưng sản lượng và kế hoạch kinh doanh của VICEM trong năm qua vẫn đạt hơn 95%. Tổng công ty tiếp tục cung cấp khoảng 34 - 35% sản lượng xi măng của cả nước và theo thống kê của Hiệp hội Xi măng thì cung đang nhiều hơn cầu. Trong đó, tiêu thụ xi măng đạt khoảng 24,6 triệu tấn, tổng doanh thu đạt trên 39 nghìn tỷ đồng và lợi nhuận đạt khoảng 95% so với kế hoạch đề ra.

Trong năm 2023, nhu cầu tiêu thụ xi măng trong nước được dự báo sẽ tiếp tục suy giảm. Do đó, ngành Xi măng rất mong Chính phủ sẽ triển khai thực hiện nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn cho thị trường BĐS và giải ngân nhanh các công trình đầu tư công, từ đó sẽ làm tăng nhu cầu tiêu thụ xi măng ở trong nước.

Trong năm 2023, VICEM đặt mục tiêu sản xuất 24,2 triệu tấn clinker, tăng 17% so với năm 2022. Tổng sản phẩm tiêu thụ khoảng 29,2 triệu tấn, tăng khoảng 5,3% so với năm 2022. Doanh thu phấn đấu đạt trên 40 nghìn tỷ đồng. Để hoàn thành các mục tiêu này, VICEM sẽ triển khai thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn, đẩy mạnh xuất khẩu xi măng vào các thị trường lớn như Trung Quốc, Nam Mỹ…

Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng công ty VICEM Bùi Xuân Dũng cũng có một số kiến nghị với Bộ Xây dựng để thúc đẩy sản xuất kinh doanh trong năm 2023. Một là, rà soát để tái cơ cấu Tổng công ty trong giai đoạn 2022 - 2025. Hai là, trình Bộ điều chỉnh phương án vốn điều lệ tại công ty mẹ. Ba là, kế hoạch sản xuất 5 năm giai đoạn 2021 - 2025. Bốn là, đề xuất Bộ cho phép giữ lại dự án Trung tâm điều hành và giao dịch của VICEM để đầu tư, sử dụng làm trụ sở Trung tâm điều hành của Tổng công ty. Năm là, xem xét chất lượng các đơn vị thành viên, bổ sung các mỏ nguyên liệu trong quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các khoáng sản VLXD thời kỳ 2021 - 2030. Sáu là, đề xuất ý kiến với các Bộ, ngành, đặc biệt là Bộ TN&MT tạo điều kiện cho Tổng công ty thăm dò, khai thác các mỏ khoáng sản và kiến nghị Chính phủ thực hiện các biện pháp kích cầu xi măng.

Doanh nghiệp kiến nghị Nhà nước tháo gỡ khó  khăn

Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình: Gỡ khó cho DN BĐS

Theo Chủ tịch Hiệp hội Xây dựng và VLXD TP.HCM (SACA), Chủ tịch Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình, KTS Lê Viết Hải, thời gian qua, thị trường BĐS có nhiều biến động phức tạp. Với quan điểm: “Không ai có thể cứu được thị trường BĐS lúc này ngoài Nhà nước. Nhà nước can thiệp sớm sẽ giải quyết được những tác động rất xấu trước mắt và lâu dài về kinh tế - xã hội và chính trị”, KTS Lê Viết Hải kiến nghị 5 nội dung.

Thứ nhất, Chính phủ cần tạo điều kiện thuận lợi nhằm duy trì hoạt động ổn định cho DN BĐS và toàn bộ hệ sinh thái của ngành này. Bởi trong thời gian qua, ngành BĐS đã có nhiều đóng góp cho quốc gia bằng những công trình làm thay đổi diện mạo đô thị, đóng góp nhiều cho sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Chính phủ cần có phương án phù hợp để các DN BĐS được tiếp cận vốn dễ dàng hơn, nhằm trang trải các khoản nợ đến hạn. Hỗ trợ DN đàm phán với các trái chủ về thời hạn thanh toán các khoản vay để không phải huy động một lượng tiền khổng lồ xử lý các khoản nợ ngay lập tức khi đến hạn, tránh các công ty BĐS lớn bị đổ vỡ phá sản hoặc rơi vào các DN nước ngoài.

Thứ hai, Chính phủ cần tháo gỡ vướng mắc pháp lý của các dự án, để các dự án đó trở nên “sạch”. Khi kinh tế thế giới hồi phục, chiến tranh kết thúc, hoạt động du lịch trở lại nhộn nhịp thì các BĐS du lịch sẽ có nguồn thu cao.

Các dự án vướng mắc được làm “sạch” về pháp lý sẽ bán đấu giá, lợi nhuận có thể sẽ cao hơn nhiều lần. Nhà nước không những không mất tiền, mà nhiều khả năng sẽ tạo được nguồn thu lớn, từ việc ứng vốn giải cứu ngành BĐS.

Thứ ba, Chính phủ cũng cần tránh can thiệp vào hoạt động sản xuất kinh doanh của những DN đang hoạt động ổn định nhưng có liên quan đến các chủ đầu tư đang bị điều tra. Điều này gây ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của các DN đến mức có thể bị phá sản, trong khi chưa chắc chắn là họ đã vi phạm pháp luật. Ai sẽ chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho những DN này sau khi điều tra họ tuân thủ tốt pháp luật? - KTS Lê Viết Hải đặt câu hỏi.

Thư tư, Chính phủ cần đóng vai trò điều tiết thị trường, tạo sự cạnh tranh lành mạnh của các DN BĐS, để đảm bảo không còn tình trạng “chỗ thì quá nhiều dự án dẫn đến thừa cung, chỗ thì không đáp ứng đủ nhu cầu của người dân”.

Đồng thời, thiết lập cổng thông tin tổng thể đúng nghĩa về quy hoạch, xây dựng và giao dịch BĐS, nhằm cung cấp đầy đủ thông tin về giao dịch BĐS, về các dự án đang triển khai, dự án được cấp phép, dự án đang xin phép đầu tư xây dựng tại từng địa phương trên cả nước, để nhà đầu tư có cái nhìn toàn cảnh về thị trường, chủ động điều tiết hoạt động đầu tư, phân kỳ triển khai xây dựng phù hợp với triển vọng thị trường. Cổng thông tin này cần được cập nhật thông tin hàng ngày.

Thứ năm, Nhà nước cần đầu tư vào việc quảng bá du lịch và có chính sách thu hút khách du lịch nước ngoài mạnh mẽ hơn, để nhanh chóng lấp đầy các khu du lịch. Đây là một sự giúp đỡ hiệu quả chung cho cả ngành khi các DN trong lĩnh vực này đã kiệt quệ sau đại dịch. Một giải pháp quan trọng khác là miễn Visa cho những quốc gia có nhiều khách du lịch đến Việt Nam.

Ông Lê Viết Hải bày tỏ nguyện vọng: Lãnh đạo Bộ Xây dựng đặc biệt quan tâm, xem xét chỉ đạo và có những kiến nghị phù hợp lên Chính phủ, nhằm tháo gỡ khó khăn, giải cứu thị trường BĐS và cả hệ sinh thái của ngành BĐS, bao gồm xây dựng và VLXD.

Hữu Mạnh - Minh Hằng

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load