Thứ bảy 25/01/2025 00:25 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Kinh tế /

Doanh nghiệp đau đầu vì hàng tồn kho

09:16 | 23/08/2012

Cùng với những khó khăn của ngành công nghiệp hỗ trợ cho ngành cơ khí, thì hàng tồn kho trong lĩnh vực này cũng đang là một vấn đề làm đau đầu các DN. 


Que hàn LILAMA sản xuất ra tiêu thụ chậm, hàng tồn kho tăng cao dẫn đến LILAMA 5
phải tìm đối tác chuyển nhượng nhà máy.

Chuyển nhượng nhà máy

Đây là điều mà Cty CP LILAMA 5 đang xúc tiến đối với nhà máy sản xuất que hàn, điều mà trước đó không lâu, DN này chưa từng nghĩ đến.

Theo một chuyên gia trong lĩnh vực lắp máy, để hình thành nên sản phẩm chế tạo thì que hàn là loại vật liệu có tỉ lệ tương đối lớn trong cơ cấu giá thành sản phẩm.  Trong khi toàn ngành Lắp máy hàng năm thi công hàng chục công trình, nhà máy lớn, khối lượng chế tạo lên đến cả trăm ngàn tấn, nhưng nguồn que hàn vẫn phải đi mua toàn bộ, thì việc đầu tư xây dựng nhà máy que hàn là một hướng đi đúng. Tháng 5/2005, LILAMA 5 đã đầu tư 120 tỷ đồng để xây dựng Nhà máy que hàn với công suất 4.000 tấn sản phẩm /năm. Nhà máy chính thức bán sản phẩm ra thị trường vào tháng 9/2008. Sản phẩm que hàn LILAMA là các loại que hàn thép các bon với các tiêu chuẩn thông lượng E 6013, E 7016 và E 7018 có tính cạnh tranh vượt trội so với các sản phẩm cùng loại.

6 tháng đầu năm 2009, nhà máy đã sản xuất được hơn 600 nghìn tấn. Tuy nhiên so với mục tiêu đề ra thì mới được 1/3 kế hoạch. Từ đó đến nay, những khó khăn của suy thoái kinh tế đã tác động không nhỏ đến ngành xây dựng. Que hàn LILAMA sản xuất ra tiêu thụ chậm, hàng tồn kho tăng cao dẫn đến LILAMA 5 phải tìm đối tác chuyển nhượng nhà máy. Que hàn LILAMA chỉ là một trong số rất nhiều sản phẩm thuộc ngành công nghiệp hỗ trợ gặp khó khăn trong khâu tiêu thụ dẫn đến tồn kho lớn hiện nay.

Khó cạnh tranh với hàng Trung Quốc giá rẻ

Ông Lâm Chí Quang - TGĐ TCty Máy động lực và máy nông nghiệp (VEAM) cho biết, do ảnh hưởng chung của suy giảm kinh tế, chính sách đối với sở hữu ô tô, xe máy, nhất là dự kiến tăng các loại thuế, lệ phí… khiến thị trường ô tô suy giảm. Lượng tiêu thụ xe của VAMA (Hiệp hội các nhà sản xuất xe ô tô Việt Nam) trong 6 tháng đầu năm 2012 chỉ bằng 67% so với cùng kỳ. Thêm nữa, tồn kho xe máy tại các đại lý và nhà máy đang ở mức kỷ lục từ trước đến nay. Bối cảnh này đã gây ảnh hưởng trực tiếp tới các DN liên doanh với VEAM như Honda Việt Nam, Toyota Việt Nam, Ford Việt Nam… Do tiêu thụ chậm, tồn kho cao nên các liên doanh đã phải thực hiện giảm bớt lao động, giảm thời gian làm việc, nhất là giảm sản lượng. Chính vì thế, những đơn vị thành viên cung cấp linh kiện và dịch vụ chính của VEAM cho những Cty này như Cty Phụ tùng máy số 1 (FUTU 1), Cty Diesel Sông Công (DISOCO), Cty Cơ khí Phổ Yên (FOMECO)… cũng phải thực hiện giảm mạnh sản xuất. Dự kiến, riêng linh kiện cung cấp cho Honda Việt Nam, các Cty thuộc VEAM đã phải điều chỉnh giảm kế hoạch gần 250 tỷ đồng. Chính vì thế, lợi nhuận của các liên doanh và các đơn vị của VEAM sẽ bị giảm mạnh trong năm 2012 và dự kiến sẽ còn ảnh hưởng đến những năm tiếp theo. VEAM còn đang phải đối mặt với tình trạng tồn kho xe tải lớn. Hiện Cty Ô tô VEAM (Veam moto) đang tồn kho tới 1.200 chiếc xe tải, trong khi lượng sản xuất 6 tháng đầu năm cũng chỉ là 1.075 chiếc. Ông Lâm Chí Quang cũng nhận định, với dòng xe tải, trước mắt TCty sẽ giảm giá bán tuy bị lỗ, nhưng bắt buộc phải giảm vì càng để tồn kho lâu càng lỗ nặng. Đồng thời với đó, VEAM sẽ thực hiện rà roát lại toàn bộ hệ thống đại lý để giảm bớt và nâng cao chất lượng.

“Trước khi kiến nghị Nhà nước có chính sách hỗ trợ, bản thân các DN cũng phải nhìn nhận lại đường hướng kinh doanh của mình”.

Với một số mặt hàng khác như máy động lực, máy nông nghiệp, máy kéo, hộp số các loại cũng bị tồn kho nhiều. Cụ thể hộp số các loại tồn kho 10.939 chiếc, rulo cao su xay sát tồn kho 9.441 chiếc, động cơ đốt trong các loại tồn kho 6.070 chiếc… mà nguyên nhân một phần cũng do khó cạnh tranh được với hàng Trung Quốc giá rẻ.

Để giải quyết vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng cho rằng trước khi kiến nghị Nhà nước có chính sách hỗ trợ, bản thân các DN cũng phải nhìn nhận lại đường hướng kinh doanh của mình. Sản phẩm làm ra không bán được có phải hoàn toàn do sản phẩm của nước ngoài xâm nhập, hay do chất lượng chưa cao, không cạnh tranh được khiến người tiêu dùng không mua? Vì thế, để hạn chế hàng tồn kho, DN cần nhìn nhận, đánh giá thị trường ở một tầm nhìn dài hạn trước khi đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất.

Vân Anh

Theo baoxaydung.com.vn

Từ khóa:
Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load