Chủ nhật 06/10/2024 17:35 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Kinh tế /

Doanh nghiệp chuẩn bị gì cho nền kinh tế hậu đại dịch COVID-19?

08:29 | 16/10/2020

Hiện tại, doanh nghiệp ứng phó bằng việc chuyển hướng sang hành động chiến lược, nhất là tập trung vào thiết kế lại sản phẩm, dịch vụ phù hợp với thực tế mới.

doanh nghiep chuan bi gi cho nen kinh te hau dai dich covid 19
Đại biểu tham quan gian hàng doanh nghiệp bên lề Diễn đàn kinh doanh 2020. (Ảnh: Mỹ Phương/TTXVN)

Tính đến nay, kinh tế Việt Nam chịu suy giảm, nhưng vẫn đạt được ở mức tăng trưởng cao tại khu vực châu Á. Tuy nhiên, không thể chủ quan khi mô hình tăng trưởng của Việt Nam dựa trên xuất khẩu và đầu tư, nên các bất ổn bên ngoài tác động sẽ có độ trễ đến thương mại và sự dịch chuyển dòng vốn đầu tư.

Đây là nhận định của các chuyên gia tại Diễn đàn kinh doanh 2020, với chủ đề "Xuyên qua vùng nhiễu động" do Fobers Việt Nam tổ chức tại Thành phố Hồ Chí Minh, chiều ngày 15/10.

Tái định vị doanh nghiệp

Theo các chuyên gia, môi trường kinh doanh năm 2020 và cả năm 2021 ẩn chứa những rủi ro khó lường từ dịch bệnh, chiến tranh thương mại tới những căng thẳng địa chính trị, chính sách bảo hộ, chính sách nới lỏng tiền tệ.. Tất cả yếu tố này, tác động đến tỷ giá, thị trường xuất khẩu, dòng vốn đầu tư...

Ông II-Dong Kwon, Tổng giám đốc BCG Việt Nam cho biết, các nước đang tái khởi động lại nền kinh tế và mỗi quốc gia đưa ra những kịch bản phát triển kinh tế khác nhau. Chiến lược của các Chính phủ trong bối cảnh bình thường mới sẽ quyết định tương lai của doanh nghiệp và thị trường toàn cầu.

Còn về phía doanh nghiệp, dù vẫn đưa ra những tín hiệu lạc quan nhưng hầu hết các công ty đều thận trọng.

Kết quả phân tích của BCG trên khoảng 900 doanh nghiệp thuộc chỉ số S&P Global 1200 cho thấy, có 41% doanh nghiệp tham gia tin rằng tăng trưởng sẽ quay lại; 28% doanh nghiệp cho rằng sẽ thiếu tài chính vững mạnh trong tương lai... Ngoài ra, một số doanh nghiệp nhận định lợi thế cạnh tranh sẽ đến từ sự linh hoạt của doanh nghiệp, hoạt động chuyển đổi số...

Hiện tại, doanh nghiệp ứng phó bằng việc chuyển hướng sang hành động chiến lược, nhất là tập trung vào thiết kế lại sản phẩm, dịch vụ phù hợp với thực tế mới. Trong đó, doanh nghiệp triển khai nhiều giải pháp đổi mới sáng tạo, cắt giảm chi phí, tập trung vào lĩnh vực kinh doanh cốt lõi, nắn bắt thay đổi thị trường...

Để tìm đáp án cho bài toán doanh nghiệp sẽ hành động như thế nào để xác định tương lai, ông II-Dong Kwon, Tổng giám đốc BCG Việt Nam đề xuất, lãnh đạo doanh nghiệp cần lập chiến lược kế hoạch "luôn luôn sẵn sàng" nhằm đưa ra quyết định với dữ liệu thời gian thực.

Cùng với đó, doanh nghiệp đánh giá cụ thểt danh mục đầu tư và phân bố vốn phù hợp; sáng tạo mô hình kinh doanh phục vụ tái định vị, nắm bắt cơ hội mới; thúc đẩy chuyển đổi số với trọng tâm là tăng trưởng...

Liên quan đến vấn đề thích ứng với thực tế mới, bà Nguyễn Thị Thu Sắc, Phó chủ tịch Hiệp hội chế biến và xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), Tổng giám đốc Công ty TNHH Hải Nam cho hay, muốn đưa ra chiến lược kinh doanh thì cần nắm bắt nguồn cung nguyên liệu và nhu cầu thị trường.

Đối với lĩnh vực thủy sản hiện nay, doanh nghiệp vẫn có cơ hội sản xuất và xuất khẩu, cũng như kỳ vọng khởi sắc trong những tháng cuối năm 2020 nhờ Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA).

Ở lĩnh vực du lịch, ông Nguyễn Quốc Kỳ, Chủ tịch Hội đồng quản trị và Nhà sáng lập Công ty du lịch Vietravel cho rằng, để trụ vững trên thị trường thì doanh nghiệp du lịch xác định tái định vị lại thị trường, nhất là thị trường nội địa và tái cấu trúc toàn diện sản phẩm cho đến lúc Chính phủ cho phép mở cửa.

Mặt khác, doanh nghiệp muốn có thị phần nội địa thì cần đổi mới sáng tạo bộ sản phẩm, cũng như hệ thống vận hành phải đáp ứng yêu cầu thị hiếu khách du lịch trong bối cảnh mới.

doanh nghiep chuan bi gi cho nen kinh te hau dai dich covid 19
Các doanh nghiệp tham gia phiên thảo luận 'Thích ứng với thực tế mới.' (Ảnh: Mỹ Phương/TTXVN)

Còn theo ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt May Việt Nam (Vitas), phương thức mua bán hàng hóa thay đổi, chủ yếu online. Bên cạnh đó, phương thức thanh toán hàng hóa cũng thay đổi, trong đó vấn đề "trả chậm" cho thấy nhiều thách thức và rủi ro cho doanh nghiệp, nhất là ở giai đoạn biến động thị trường.

Ông Nguyễn Văn Khoa, Tổng giám đốc Tập đoàn FPT chia sẻ, tính hết quý 3/2020, FPT vẫn giữ tốc độ tăng trường, bởi khối công nghệ là lĩnh vực ít chịu ảnh hưởng bởi COVID-19. Điều này cho thấy, nhiều doanh nghiệp đang đẩy mạnh ứng dụng công nghệ và tạo động lực cho lĩnh vực này phát triển đột phá.

Theo ông Nguyễn Văn Khoa, mặc dù FPT duy trì tốc độ tăng trưởng nhưng không nhanh bằng những năm trước. Vì vậy, FPT đã triển khai chiến lược "hợp lực" trong quản trị doanh nghiệp và chia sẻ với đối tác, khách hàng để hướng đến tạo chuỗi liên kết cùng phát triển bền vững.

Thúc đẩy kinh tế không tiếp xúc

Đại dịch COVID-19 gây ra tổn thất cho nền kinh tế toàn cầu, nhưng mặt tích cực là góp phần thúc đẩy nhanh chóng sự dịch chuyển hành vi mua sắm, tiêu dùng trên internet, từ đó đẩy mạnh sự phát triển của nền kinh tế không tiếp xúc. Đặc biệt, những nền kinh tế phát triển thương mại điện tử và thanh toán không tiền mặt đã tăng trưởng nhanh nhất từ trước tới nay.

Cụ thể, chuẩn bị cho một thế giới hậu COVID-19, ông Nguyễn Xuân Thành, Giảng viên Chính sách Công, Đại học Fulbright Việt Nam cho hay, trong trung hạn, nhiều doanh nghiệp đa quốc gia đầu tư ra nước ngoài sẽ chú trọng đầu tại thị trường nội địa hơn. Người lao động toàn cầu lo ngại về "túi tiền" của mình, nên sức mua của người tiêu dùng vẫn yếu.

Trong bối cảnh này, ông Nguyễn Xuân Thành, dự báo đối với triển vọng kinh tế việt Nam thì đầu tư công vẫn cần là một động lực chính cho tăng trưởng trong năm 2021. Trong bối cảnh lạm phát thấp, đầu tư tư nhân sẽ được thúc đẩy nếu lãi suất tiếp tục giảm. Riêng về tiêu dùng dân cư thì khả năn tăng cao trở lại là chưa chắc chắn.

Theo ông Nguyễn Chánh Phương, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ Thành phố Hồ Chí Minh (Hawa), kinh tế không tiếp xúc đã và đang tồn tại trong doanh nghiệp, tuy nhiên có thể doanh nghiệp chưa khai thác và chú trọng phát triển.

Hiện nay, những hoạt động trực tuyến đã trở nên quen thuộc và thu hút sự tham gia của nhiều đơn vị. Đây có thể xem là bước đột phá của doanh nghiệp Việt trong nhiều ngành nghề, lĩnh vực khi ứng dụng công nghệ, thực hiện chuyển đổi số nhiều hơn trong quản trị và vận hành sản xuất kinh doanh.

doanh nghiep chuan bi gi cho nen kinh te hau dai dich covid 19
Các doanh nghiệp tham gia phiên thảo luận Thúc đẩy nền kinh tế không tiếp xúc. (Ảnh: Mỹ Phương/TTXVN)

Còn ông Richard Triều Phạm, Phó tổng giám đốc tài chính và chiến lược Tập đoàn Tiki đánh giá, thương mại điện tử tăng trưởng mạnh mẽ và là lĩnh vực thụ hưởng trong thị trường bán lẻ. Mặc dù vậy, trong tình trạng chung của sự sụt giảm thị trường bán lẻ thì lĩnh vực thương mại điện tử cũng bị ảnh hưởng nhất định.

Do đó, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực thương mại điện tử vẫn phải tập trung vào ngành hàng, đáp ứng thị hiếu tiêu dùng của khách và ứng dụng tiện ích hơn.

Để nắm bắt cơ hội từ sự phân bổ lại của chuỗi giá trị sản xuất toàn cầu và chinh phục thị trường, các chuyên gia đồng quan điểm rằng, các tiêu chí doanh nghiệp, nhà đầu tư lựa chọn chuyển dịch chuỗi giá trị sản xuất là nguồn lực sẵn có, chính sách của Chính phủ nội địa, cơ sở hạ tầng và đảm bảo an sinh xã hội. Trong đó, Việt Nam có thế mạnh khi kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 và những chính sách mở cửa thị trường phù hợp với diễn biến mới của nền kinh tế toàn cầu.

Một số chuyên gia dẫn chứng cụ thể, Việt Nam là một điểm đến đầu tư mới hoặc mở rộng đầu tư của doanh nghiệp trong và ngoài nước đến từ nguyên nhân dù phòng chống dịch COVID-19, nhưng Chính phủ vẫn hỗ trợ thúc đẩy hơn là kiềm hãm phát triển kinh tế.

Bên cạnh đó, giai đoạn hậu dịch COVID-19, doanh nghiệp có nhu cầu thực hiện đa dạng hóa thị trường nhằm hạn chế rủi ro cho hoạt động sản xuất kinh doanh khi thị trường biến động.

Đặc biệt, một doanh nghiệp tìm kiếm cơ hội đầu tư thì họ rất quan tâm đến tình hình ổn định chính trị-xã hội, con người và tiềm năng thị trường lao động... Đây là những yếu tố giúp Việt Nam có năng lực cạnh trạnh trong thu hút làn sóng đầu tư, đồng thời không thể phủ nhận làn sóng đầu tư vào Việt Nam đang gia tăng./.

Theo Mỹ Phương (TTXVN/Vietnam+)

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load