Ngày 25/8, Tổng cục Hải quan tổ chức họp báo chuyên đề triển khai Nghị quyết 19/NQ-CP ngày 28/4/2016 về phân luồng tờ khai hàng hoá xuất nhập khẩu (XNK).
Ảnh minh họa
Thực hiện Nghị quyết số 19/NQ-CP ngày 28/4/2016 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia hai năm 2016-2017, định hướng đến năm 2020 của Chính phủ, Tổng cục Hải quan đã triển khai các biện pháp nhằm giảm chi phí và giảm thời gian thông quan hàng hóa XNK cho doanh nghiệp.
Ông Bùi Thái Quang, Phó Cục trưởng Cục Quản lý rủi ro (Tổng cục Hải quan) cho biết nguyên tắc phân luồng, đánh giá rủi ro dựa theo các quy định của Luật Hải quan và các quy định của pháp luật quản lý chuyên ngành.
Việc phân luồng cũng dựa trên kết quả đánh giá rủi ro tuân thủ doanh nghiệp bằng hệ thống tự động đánh giá qua các thông tin về doanh nghiệp được cập nhật vào hệ thống trên cơ sở tiêu chí đánh giá tuân thủ doanh nghiệp.
Cơ quan Hải quan cũng căn cứ thông tin nghiệp vụ hải quan và kết quả phân tích, đánh giá rủi ro (thông tin rủi ro) được cung cấp, cập nhật bởi các đơn vị nghiệp vụ tại hải quan các cấp.
Khi doanh nghiệp đăng ký tờ khai, hệ thống sẽ tự động đối chiếu thông tin trên tờ khai hải quan với các phân lớp nhóm tiêu chí nêu trên, kết hợp với sử dụng các thuật toán để phân luồng quyết định kiểm tra như sau: Luồng 1 (xanh) miễn kiểm tra trực tiếp hồ sơ và miễn kiểm tra thực tế hàng hóa. Luồng 2 (vàng) kiểm tra trực tiếp hồ sơ. Luồng 3 (đỏ) kiểm tra trực tiếp hồ sơ và kiểm tra thực tế hàng hóa.
Ông Bùi Thái Quang cũng cho biết các lỗi thường gặp trong khai báo, làm thủ tục hải quan dẫn đến tờ khai bị phân luồng vàng, luồng đỏ.
Đó là khi doanh nghiệp khai báo thủ công, khai báo sai thông tin trên tờ khai so với hồ sơ, chứng từ; khai báo tên hàng không đầy đủ, rõ ràng, cụ thể, không phù hợp với mã số hàng hóa; nợ thuế, bị cưỡng chế thuế, bị ấn định thuế; thường xuyên sửa đổi, bổ sung tờ khai hoặc hủy tờ khai; không làm thủ tục đối với các tờ khai đã khai báo.
Ngoài ra, các doanh nghiệp có hành vi vi phạm khác như: Buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới; trốn thuế, gian lận thuế; không chấp hành yêu cầu của cơ quan hải quan trong thực hiện thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát, kiểm soát hải quan, kiểm tra sau thông quan (không cung cấp hoặc cung cấp không đầy đủ, đúng thời hạn chứng từ, tài liệu, dữ liệu điện tử liên quan đến hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu khi cơ quan hải quan yêu cầu); đánh tráo hàng hoá đã kiểm tra hải quan với hàng hoá chưa kiểm tra hải quan…
Đại diện Cục Quản lý rủi ro (Tổng cục Hải quan) đề nghị doanh nghiệp tích cực hợp tác với cơ quan hải quan trong thực hiện thủ tục, kiểm tra, giám sát và chấp hành các quyết định khác của cơ quan hải quan; cung cấp thông tin đầy đủ, chính xác cho cơ quan hải quan.
Doanh nghiệp cần thực hiện khai báo đầy đủ, cụ thể, chính xác, rõ ràng các thông tin trên tờ khai; hạn chế việc bổ sung, sửa đổi tờ khai; hạn chế hủy tờ khai hoặc bỏ không làm thủ tục đối với tờ khai đã khai báo; trường hợp khai báo thông qua đại lý, nên sử dụng dịch vụ của các đại lý hải quan có độ tin cậy cao, được cơ quan hải quan công nhận, đồng thời có hợp đồng ủy quyền hoặc hợp đồng thỏa thuận trách nhiệm rõ ràng; bảo mật chữ ký số và tài khoản VNACCS.
Theo Huy Thắng/BaoChinhphu.vn