Thứ sáu 19/04/2024 06:45 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866

Doanh nghiệp bất động sản chưa chạm đến nguồn tài chính xanh

08:46 | 11/12/2020

(Xây dựng) – Sáng 10/12, nằm trong chuỗi các hoạt động hưởng ứng Tuần lễ công trình xanh Việt Nam 2020, diễn ra Hội thảo chuyên đề “Cơ chế tài chính xanh”. Qua tham luận của các đại biểu cũng như doanh nghiệp tại Hội thảo cho thấy, dường như doanh nghiệp bất động sản chưa chạm đến nguồn tài chính xanh của hệ thống các tổ chức tín dụng.

doanh nghiep bat dong san chua cham den nguon tai chinh xanh
Đại diện Bộ Xây dựng cho biết, pháp luật hiện mới chỉ quy định ưu đãi thuế, tài chính và đất đai cho tổ chức, cá nhân đầu tư sản xuất sản phẩm tiết kiệm năng lượng… còn đối với chủ đầu tư, người mua nhà dự án tiết kiệm năng lượng thì chưa có hoặc nếu có cũng rất khó tiếp cận.

Chính sách, định hướng tín dụng xanh

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã có nhiều chính sách, định hướng để hỗ trợ tài chính xanh, góp phần thúc đẩy công trình xanh tại Việt Nam. Bà Phạm Thị Thanh Tùng - Phó Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (Ngân hàng Nhà nước) cho biết, từ năm 2015, Ngân hàng Nhà nước đã quan tâm đến mảng tính dụng xanh. Chỉ thị số 03/CT-NHNN ngày 24/3/2015 về thúc đẩy tăng trưởng tín dụng xanh và quản lý rủi ro môi trường và xã hội trong hoạt động cấp tín dụng với mục tiêu hoạt động tín dụng chú trọng bảo vệ môi trường, nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên, năng lượng, cải thiện chất lượng môi trường và bảo vệ sức khỏe con người, bảo đảm sự phát triển bền vững.

Cụ thể, cũng trong năm 2015, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Quyết định số 1552/QĐ-NHNN về kế hoạch hành động của ngành Ngân hàng thực hiện Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh đến năm 2020; đến năm 2018, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục ban hành Quyết định số 1731/QĐ-NHNN về kế hoạch hành động của ngành Ngân hàng thực hiện Chương trình Nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững; Cũng trong năm 2018, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 986/QĐ-NHNN phê duyệt Chiến lược phát triển ngành Ngân hàng Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 trong đó bổ sung nội dung về tín dụng ngân hàng xanh, lồng ghép các nội dung về phát triển bền vững, biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh trong các chương trình, dự án vay vốn tín dụng của các tổ chức tín dụng.

Năm 2018, Ngân hàng Nhà nước cũng ban hành Đề án ngân hàng xanh tại Việt Nam với mục tiêu tăng cường nhận thức và trách nhiệm của hệ thống ngân hàng, hướng dòng vốn tín dụng vào dự án thân thiện với môi trường, năng lượng sạch, phấn đấu đến năm 2025 có 100% Ngân hàng xây dựng được quy định nội bộ về quản lý rủi ro môi trường và xã hội, thực hiện đánh giá rủi ro môi trường và xã hội, áp dụng các tiêu chuẩn về môi trường cho các dự án được ngân hàng cấp vốn, có ít nhất 10-12 ngân hàng trong hệ thống có bộ phận chuyên trách quản lý rủi ro môi trường xã hội, 60% Ngân hàng tiếp cận được nguồn vốn xanh và triển khai cho vay các dự án tín dụng xanh.

Ngoài ra, Ngân hàng Nhà nước cũng tăng cường năng lực cho hệ thống, phát triển dịch vụ Ngân hàng hiện đại, sử dụng công nghệ cao, công nghệ thân thiện, khách hàng được tiếp cận các gói sản phẩm tín dụng riêng của các tổ chức tín dụng dành cho lĩnh vực xanh…

Chưa đi vào thực tiễn

Tuy nhiên, kết quả đạt được còn rất khiêm tốn. Các doanh nghiệp bất động sản chưa chạm đến bất kỳ một gói tín dụng nào, thậm chí trong số con số ít ỏi các dự án đang được thực hiện đánh giá rủi ro thì số lượng công trình xanh cũng rất nhỏ bé.

Theo đại diện của Ngân hàng Nhà nước, mới chỉ có 36 tổ chức tín dụng thực hiện đánh giá rủi ro môi trường và xã hội với dư nợ khoảng 1 triệu 184 nghìn tỷ đồng, tập trung chủ yếu vào nông nghiệp xanh, còn đối với công trình xanh ngay cả dư nợ đánh giá rủi ro môi trường xã hội (không phải là dư nợ tín dụng - PV) còn khá hạn chế, chiếm tỷ trọng 0,42% tổng dư nợ được cấp tín dụng xanh.

Theo phát biểu của ông Trịnh Tùng Bách - Giám đốc Ban R&D Tập đoàn Capital House, trong 16 năm phát triển các dự án bất động sản, doanh nghiệp này chưa tiếp cận được bất kỳ một gói tín dụng nào trong phát triển các dự án xanh từ phân khúc cao cấp cho tới các dự án nhà ở xã hội, mặc dù có tới 8 dự án được chứng nhận Edge, 03 dự án được chứng nhận Lotus, giá bán của các dự án này tốt hơn, thời gian tiêu thụ sản phẩm cũng nhanh hơn so với các dự án xung quanh có cùng điều kiện. Đặc biệt hiệu quả vận hành của các dự án xanh vô cùng lớn và cư dân được hưởng lợi trong suốt vòng đời dự án. Như dự án Ecohome 3, được thẩm định và cấp chứng chỉ Edge Final, theo tính toán của chủ đầu tư, mặc dù chi phí phụ trội tăng lên khoảng 1-1,5% tương đương khoảng 19 tỷ đồng, nhưng quá trình vận hành dự án tiết kiệm được khoảng 1,7 triệu số điện/năm tương đương 5 tỷ đồng, tiết kiệm khoảng 98.500m3 nước/năm tương đương 700 triệu đồng/năm.

Bà Phạm Thị Thu Hà - Phó Trưởng Phòng Quản lý và phát triển nhà ở xã hội (Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản, Bộ Xây dựng) cho biết, pháp luật hiện chỉ quy định ưu đãi thuế, tài chính và đất đai cho tổ chức, cá nhân đầu tư sản xuất sản phẩm tiết kiệm năng lượng… Còn đối với chủ đầu tư các dự án bất động sản, chưa có ưu đãi về thuế, đất đai mà chỉ được xem xét hỗ trợ lãi suất nhưng cũng rất khó để tiếp cận. Hiện cũng chưa có hình thức ưu đãi nào về thuế, tài chính hay đất đai cho người mua nhà của các dự án bất động sản sử dụng hiệu quả năng lượng.

Thanh Nga

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load