Nhân dịp Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ IX, xin trân trọng giới thiệu bài viết “Đoàn kết, sáng tạo, thi đua xây dựng và bảo vệ Tổ quốc” của đồng chí Nguyễn Tấn Dũng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Hội đồng Thi đua-Khen thưởng Trung ương.
Đồng chí Nguyễn Tấn Dũng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Hội đồng Thi đua-Khen thưởng Trung ương. Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Năm năm qua, bên cạnh những thời cơ, thuận lợi, đất nước ta vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước và sự hưởng ứng, tham gia tích cực của cả hệ thống chính trị, toàn dân và toàn quân, các phong trào thi đua yêu nước đã phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc, tạo động lực góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, môi trường, quốc phòng, an ninh, hội nhập quốc tế. Kinh tế-xã hội nước ta đã đạt được những thành quả rất quan trọng trên các lĩnh vực. Lạm phát được kiểm soát, kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định. Tăng trưởng kinh tế được duy trì ở mức khá cao. Các đột phá chiến lược và cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng đạt được kết quả bước đầu. Thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa tiếp tục được hoàn thiện. Nguồn nhân lực và khoa học, công nghệ có bước phát triển. Đầu tư xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đạt kết quả quan trọng. Chất lượng tăng trưởng nhiều mặt được cải thiện. Tiềm lực, quy mô và sức cạnh tranh của nền kinh tế được nâng lên. Phát triển văn hoá, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội đạt được những kết quả tích cực. An sinh xã hội cơ bản được bảo đảm. Phúc lợi xã hội và đời sống nhân dân tiếp tục được cải thiện. Cải cách hành chính có bước tiến bộ. Quốc phòng, an ninh được tăng cường. Công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế được chủ động đẩy mạnh và đạt nhiều kết quả. Khối đại đoàn kết toàn dân được tăng cường. Độc lập, chủ quyền quốc gia được giữ vững. Chính trị-xã hội ổn định. Vị thế nước ta trên trường quốc tế được nâng lên. Tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế-xã hội tốt hơn trong giai đoạn tới.
Thực hiện Lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu “Thi đua là yêu nước, yêu nước thì phải thi đua”[1], Đảng, Nhà nước và Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương luôn quan tâm chỉ đạo công tác thi đua, khen thưởng. Bộ Chính trị đã thông qua Đề án đổi mới công tác thi đua, khen thưởng và ban hành Chỉ thị 34-CT/TW ngày 07/4/2014 về tiếp tục đổi mới công tác thi đua, khen thưởng. Chính sách, pháp luật về thi đua, khen thưởng ngày càng được hoàn thiện; ban hành kịp thời Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi đua, Khen thưởng và các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành, góp phần hoàn thiện cơ sở pháp lý và nâng cao hiệu lực hiệu quả quản lý nhà nước về thi đua, khen thưởng.
Với chủ đề “Đoàn kết, năng động, sáng tạo, thi đua thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội giai đoạn 2011-2015” do Đại hội thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ VIII đã đề ra, trong 5 năm qua các phong trào thi đua yêu nước đã phát triển sâu rộng trên tất cả các lĩnh vực với nhiều hình thức đa dạng, phong phú, có sức lan tỏa cao, điển hình như các phong trào: “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, “Lao động giỏi, lao động sáng tạo”, “Đền ơn đáp nghĩa”, “Thi đua quyết thắng”, “Vì an ninh Tổ quốc” và nhiều phong trào thi đua khác của các ngành, các cấp. Đặc biệt là phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới” được triển khai sâu rộng, được nhân dân tích cực hưởng ứng, mang lại hiệu quả thiết thực, làm thay đổi diện mạo nông thôn, góp phần nâng cao đời sống cho người nông dân.
Nội dung thi đua được gắn kết với việc “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, phòng chống tham nhũng. Hình thức thi đua được đổi mới; đẩy mạnh các phong trào thi đua theo chuyên đề, thi đua cao điểm lập thành tích chào mừng các ngày lễ lớn, các sự kiện chính trị quan trọng của đất nước. Qua đó đã tạo không khí thi đua sôi nổi, rộng khắp, cổ vũ động viên cán bộ, chiến sĩ, người lao động và các tầng lớp nhân dân trên mọi miền đất nước thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội.
Công tác tuyên truyền, xây dựng, nhân rộng điển hình tiên tiến được tập trung chỉ đạo và có nhiều chuyển biến tích cực. Ban Thi đua-Khen thưởng Trung ương đã làm tốt nhiệm vụ Thường trực Hội đồng Thi đua-Khen thưởng Trung ương, chủ động phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông, Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam và các bộ, ban, ngành, đoàn thể trung ương, các địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, biểu dương các điển hình tiên tiến. Các cơ quan thông tấn, báo chí trên cả nước đã xây dựng nhiều chương trình, chuyên trang, chuyên mục tuyên truyền các phong trào thi đua, biểu dương, tôn vinh các điển hình tiên tiến, gương người tốt, việc tốt. Các bộ, ban, ngành, đoàn thể trung ương và địa phương kịp thời động viên, tôn vinh và nhân rộng các điển hình, thông qua các hội nghị biểu dương, gặp mặt, giao lưu, tổ chức các cuộc thi viết về các điển hình tiên tiến, người tốt, việc tốt; qua đó góp phần khích lệ, động viên mọi tầng lớp nhân dân hăng hái thi đua, vượt qua khó khăn, phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ.
Công tác khen thưởng đã có nhiều đổi mới, hướng về cơ sở, bám sát các quy định về tiêu chuẩn, đối tượng; quan tâm khen thưởng đột xuất, thành tích đặc biệt xuất sắc, thành tích kháng chiến; chú trọng khen thưởng người lao động trực tiếp và các tập thể, cá nhân ở vùng sâu, vùng xa, miền núi, hải đảo. Trong 5 năm qua, Đảng và Nhà nước đã phong tặng, truy tặng trên 60.000 Mẹ Việt Nam anh hùng và hàng trăm nghìn huân, huy chương các loại và các danh hiệu vinh dự Nhà nước.
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác thi đua, khen thưởng vẫn còn những tồn tại, hạn chế. Phong trào thi đua chưa phát triển đồng đều, liên tục, có nơi còn hình thức. Việc kiểm tra, đôn đốc, sơ kết, tổng kết chưa thường xuyên, kịp thời. Công tác tuyên truyền, nhân rộng các điển hình tiên tiến chưa được chú trọng đúng mức ở một số cơ quan, đơn vị. Hội đồng Thi đua-Khen thưởng có nơi chưa phát huy hết vai trò tham mưu, tư vấn cho cấp ủy Đảng, chính quyền trong chỉ đạo tổ chức các phong trào thi đua.
Bước vào giai đoạn mới, tình hình thế giới, khu vực diễn biến nhanh chóng, phức tạp và rất khó lường. Đất nước ta có nhiều cơ hội thuận lợi cho phát triển, nhưng cũng phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức. Sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa đang đặt ra những yêu cầu mới, những nhiệm vụ to lớn và rất nặng nề. Toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta cần nỗ lực phấn đấu hơn nữa, đẩy mạnh các phong trào thi đua thiết thực, góp phần vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước.
Thời gian tới, phong trào thi đua yêu nước và công tác khen thưởng phải tiếp tục phát huy được sức mạnh của cả hệ thống chính trị, của khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Phong trào thi đua phải trở thành động lực to lớn, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XII của Đảng. Phát huy truyền thống thi đua ái quốc và những kết quả đạt được, với chủ đề “Đoàn kết, sáng tạo, thi đua xây dựng và bảo vệ Tổ quốc” của Đại hội thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ IX, cả hệ thống chính trị, các ngành, các cấp cần nỗ lực phấn đấu, thực hiện đồng bộ, hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp của công tác thi đua, khen thưởng giai đoạn 2016-2020; trong đó tập trung vào những nội dung chủ yếu sau đây:
Một là, tiếp tục quán triệt sâu sắc Lời kêu gọi thi đua ái quốc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về thi đua, khen thưởng, nâng cao trách nhiệm của các cấp ủy Đảng, chính quyền trong chỉ đạo tổ chức các phong trào thi đua, đảm bảo thiết thực, hiệu quả. Người đứng đầu cơ quan, đơn vị phải trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo và chịu trách nhiệm về chất lượng, hiệu quả công tác thi đua, khen thưởng. Mỗi chi bộ, đảng viên cần phát huy tốt vai trò tiền phong, gương mẫu và là hạt nhân trong các phong trào thi đua, đưa phong trào thi đua thực sự trở thành ý thức tự giác, trách nhiệm thường xuyên của mỗi cấp, mỗi ngành, của mỗi đơn vị, tập thể, cá nhân, góp phần tích cực vào việc thực hiện thắng lợi công cuộc đổi mới đất nước.
Hai là, đổi mới nội dung và hình thức tổ chức, triển khai các phong trào thi đua nhằm tạo bước chuyển biến về chất trong phong trào thi đua; quan tâm phát động, tổng kết phong trào thi đua hàng năm và chú trọng phát động các phong trào thi đua theo đợt, theo chuyên đề. Nội dung thi đua phải bám sát vào các nhiệm vụ chính trị, góp phần giải quyết các vấn đề quan trọng, cấp bách như: cải cách hành chính, tăng cường kỷ luật kỷ cương, phòng chống tham nhũng, lãng phí, nâng cao chất lượng tăng trưởng, tăng năng suất lao động, giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới, bảo vệ chủ quyền biển đảo quốc gia… Các tiêu chí thi đua phải cụ thể, mang tính định lượng. Khắc phục bệnh thành tích, hình thức. Tập trung xây dựng, nhân rộng các mô hình, điển hình mới, cách làm hay, sáng tạo, hiệu quả.
Ba là, đẩy mạnh công tác thông tin truyền thông, tuyên truyền, phát hiện, nhân điển hình tiên tiến, gương người tốt, việc tốt, tạo động lực, khí thế thi đua sôi nổi, cổ vũ mọi người phát huy mọi khả năng và phẩm chất tốt đẹp phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ; góp phần xây dựng, bồi dưỡng con người mới, nếp sống mới, xây dựng xã hội văn minh, đẩy lùi những tư tưởng, việc làm tiêu cực và những thói hư, tật xấu. Công tác xây dựng điển hình tiên tiến phải được thực hiện từ cơ sở và chỉ đạo thực hiện đồng bộ ở cả 4 khâu: Phát hiện - Bồi dưỡng - Tổng kết - Nhân điển hình tiên tiến.
Bốn là, tiếp tục đổi mới công tác khen thưởng, bảo đảm kịp thời, chính xác và tính động viên, giáo dục, nêu gương. Chú trọng khen thưởng tập thể, cá nhân người lao động trực tiếp; quan tâm vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo. Việc xét khen thưởng phải dân chủ, công khai, lắng nghe và tôn trọng ý kiến của người dân và dư luận xã hội. Tổ chức trao tặng, đón nhận danh hiệu thi đua và hình thức khen thưởng phải trang trọng, tiết kiệm theo đúng quy định.
Năm là, củng cố, kiện toàn bộ máy tổ chức thi đua, khen thưởng theo hướng thống nhất, ổn định từ Trung ương đến địa phương và gọn nhẹ, hiệu quả. Đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao phẩm chất, năng lực đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức làm công tác thi đua khen thưởng, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ công tác. Thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của Hội đồng Thi đua-Khen thưởng các cấp theo quy định của Luật Thi đua, Khen thưởng, trọng tâm là công tác tham mưu, tư vấn về chỉ đạo, tổ chức kiểm tra phong trào thi đua và thực hiện chính sách khen thưởng. Tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện quy định về thi đua khen thưởng, xử lý nghiêm các vi phạm.
Thực hiện lời dạy của Bác Hồ kính yêu “Người người thi đua, ngành ngành thi đua”[2], với tinh thần đoàn kết, năng động, sáng tạo, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta phát huy truyền thống yêu nước, sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc, nỗ lực vượt qua mọi khó khăn, thách thức, đưa phong trào thi đua yêu nước lên tầm cao mới, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng, xây dựng một nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
---------------------------------------------------
[1] Trích từ Lời phát biểu của Hồ Chủ tịch tại Lễ khai mạc Đại hội các chiến sĩ thi đua và cán bộ gương mẫu toàn quốc ngày 01/5/1952, Hồ Chí Minh toàn tập, tập 6, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia năm 2002, trang 473.
[2] Trong Thơ chúc Tết xuân Kỷ sửu 1949 của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi đồng bào và chiến sĩ cả nước.
Theo Chinhphu.vn
Theo