Với quan niệm lấy được lửa từ việc đốt vàng mã ở đình làng sẽ mang lại may mắn, tài lộc cho gia đình, nhiều người dân ở làng An Định (Hà Đông, Hà Nội) đã mang hương đến châm.
Làng An Định, Yên Nghĩa, quận Hà Đông (Hà Nội) có tục xin lửa cầu may đầu năm. Tên của lễ hội là "Xin đỏ". 9h tối ngày 18/2 (11/1 âm lịch) trong khi các vị cao niên bắt đầu khâu chuẩn bị nghi lễ truyền thống thì hàng trăm người đã có mặt ở sân đình, tay cầm hương chờ đợi.
Trong số này có cả trẻ em.
Bé Hoàng (3 tuổi) cùng người lớn đi xin lửa với mong muốn cầu mong ông bà, bố mẹ mình thật khỏe mạnh.
Nhóm bạn trẻ của Sơn (giữa) cho biết, hầu như năm nào cũng đi "xin đỏ" tại đình làng. "Bọn em đến sớm để giành lấy vị trí đẹp, lấy lửa nhanh nhất", chàng trai nói.
Trong khi dân làng đang đổ về sân đình thì bên trong diễn ra nghi thức tế. Cụ từ Lê Như Khuê cho biết, năm nay phần lễ được làm ngắn hơn để tiết kiệm thời gian nhưng vẫn đảm bảo được nét truyền thống.
Với quan niệm, đã xin đỏ thì phải lấy trọn bộ, ngoài hoa quả được phát người đến lấy lửa phải mang cả đồ đã hóa vàng về.
Cụ từ châm lửa từ trong đình bằng một cây gậy dài rồi mang ra sân.
Sau khi cụ đốt hương, vàng mã bằng cây gậy dài, tất cả người tham dự cùng đổ xô vào châm lửa.
Nét khác biệt của "lấy đỏ" là ai cũng muốn xin lộc nhưng không hề xảy ra chuyện tranh giành như ở nhiều lễ hội khác.
Ngọn lửa càng ngày bùng cháy lớn tạo nên một không khí nóng hừng hực và vui nhộn. Người nào lấy được "đỏ" phải nhanh chóng chạy về nhà kịp cắm lên ban thờ nhà mình.
Cũng có quan niệm cho rằng, lấy được càng nhiều lửa, trong năm sẽ càng may mắn, lộc lá nhiều. Do đó, một số người chạy đi chạy lại vài lần quay vòng hoặc cùng lúc cầm vài nén nhang.
Cô gái
Nguyễn Thị Hiền xin được 'đỏ' về cắm ngay lên ban thờ. "Em chạy hơn 200 m mà không hề mệt, hy vọng năm mới sức khỏe và tài lộc sẽ đến với cả gia đình", Hiền nói.
Toàn bộ thời gian hóa vàng mã diễn ra trong vòng 15 phút. Cụ từ Lê Như Khuê cho biết, theo quan niệm xưa lễ hội này không chỉ mang lại may mắn cho mọi người mà cả năm gia đình sẽ thuận buồm xuôi gió. "Người lớn xin lửa để làm ăn phát đạt, người già có sức khỏe, trẻ em thông minh, học giỏi hơn", cụ phấn khởi.
Lễ hội xuân của làng được tổ chức hàng năm, bắt đầu từ ngày mùng 7 Tết đến ngày 11/1 âm lịch. Ngày mùng 7 khai hội với lễ Đóng Đám, phong áo nhà thánh. Ngày 8, 9, 10 (âm lịch) được coi là chính hội. Ngoài việc tế hội đồng với các thôn quan anh kết nghĩa, dân làng còn tổ chức rất nhiều trò chơi dân gian như chọi gà, hát quan họ trên thuyền rồng. Vào những ngày này, toàn bộ con gái của làng đi lấy chồng nơi khác đều tề tựu về đình làng để lễ nhà thánh, cầu mong mọi sự tốt lành trong năm. |
Theo Lê Hiếu/Zing.vn
Theo