Thứ hai 14/10/2024 02:49 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Quy hoạch - Kiến trúc /

Đô thị hóa Hà Nội qua cuốn sách ảnh của chuyên gia Đức

23:41 | 22/03/2015

(Xây dựng) - “Hà Nội - Capital City” (“Hà Nội - Thành phố Thủ đô”) là cuốn sách tái hiện những hình ảnh thành phố Hà Nội chuyển mình trong quá trình đô thị hóa. Cuốn sách do TS. Michael Waibel (Trường Đại học Tổng hợp Hamburg, Đức) và nhà nghiên cứu Henning Hilbert làm chủ biên.


Bìa trước và sau của cuốn sách “Hà Nội - Capital City”

Bên cạnh một thủ đô Hà Nội đang chuyển mình mạnh mẽ theo xu thế phát triển toàn cầu là một Hà Nội nguyên sơ với 36 phố phường, những khu dân cư mang đậm kiến trúc Pháp, nhiều quảng trường và công viên nhỏ với các con phố rợp bóng cây. Qua đây, quá trình đô thị hóa với cái nhìn chân thực và đồng cảm với việc bảo tồn các giá trị truyền thống ngàn năm tuổi của Hà Nội với vị thế là thủ đô hiện đại của Việt Nam.

Linh hồn của Hà Nội được chi tiết qua hơn 600 bức ảnh, phản ánh sự thay đổi và phát triển của một Hà Nội đô thị hóa, gồm cả góc nhìn tái hiện của quá khứ và hình ảnh hiện tại. Để độc giả nắm bắt rõ hơn, bên cạnh hình ảnh, các tác giả còn có nhiều ghi chép ý kiến của một số người dân Hà Nội nói về thành phố.


Những hình ảnh hoài niệm về Hà Nội trong vòng 20 năm qua…

Tại đây, độc giả được hoài niệm những thay đổi về mặt thực thể trong vòng 20 năm qua, từ diện mạo kiến trúc, giao thông cho đến đời sống thị dân, văn hóa… Bộ mặt của thành phố được lột tả qua những tòa nhà chọc trời với hình ảnh đời sống người dân khá giả, có nhiều hoạt động vui chơi giải trí. Cùng với đó cũng là hình ảnh tương phản của một số khu vực không mấy đẹp đẽ cùng những hình ảnh của một số kiến trúc cổ bị ảnh hưởng của quá trình đô thị hóa. Đời sống của người Hà Nội, nếp sống sinh hoạt, tôn giáo tín ngưỡng, văn hóa giao tiếp, thói quen ẩm thực… tất cả đều được hiện diện một cách chân thực.

Đô thị hóa của Hà Nội được chi tiết hóa qua nhiều bức ảnh tái hiện quá khứ và hiện tại

Cuốn sách có sự đóng góp và hỗ trợ của nhiều doanh nghiệp, các tổ chức văn hóa, những cá nhân người Việt và nước ngoài yêu quý Việt Nam, yêu quý Hà Nội muốn ẩn ý sau những bức ảnh này là đặt ra vấn đề về xu hướng phát triển Hà Nội thời hội nhập. Hà Nội đang đứng ở ngã ba khi xác định được vị trí của mình trong dòng chảy toàn cầu. Bất cứ ai khi được tiếp cận với những hình ảnh và dòng cảm xúc trong cuốn sách, đặc biệt là người Hà Nội sẽ phải trăn trở là làm thế nào để một thành phố hiện đại như Hà Nội xác định được vị trí của mình trong dòng chảy toàn cầu, nếu không giữ gìn những di sản văn hóa và kiến trúc phong phú của mình?

TS. Almuth Meyer-Zollitsch, Viện trưởng Viện Goeth Việt Nam đã nhận xét về Hà Nội trong những trang đầu của cuốn sách như sau:

Hà Nội giữ được tâm hồn của mình. Đó là cảm nhận của du khách khi so sánh với các đại đô thị Đông Nam Á khác vốn thừa mứa mạng lưới đường cao tốc nội đô và sa mạc bê tông xám xịt, ở Hà Nội họ có dịp thưởng lãm những quảng trường và công viên nhỏ xinh, những đại lộ phủ kín tán cây, những khu dân cư náo nhiệt và dòng xe máy chảy dài vô tận. Nhưng bước tiến bộ chóng vánh cũng làm nhiễu sự cân bằng giữa truyền thống và hiện đại: đường phố tắc nghẽn vì ngày càng nhiều ô tô, cây xanh phải nhường chỗ cho nhà ở, những mặt tiền nhà cổ biến mất, không khí thành phố ngột ngạt khói xe, cơ sở hạ tầng nghe chừng bất lực. Công tác quy hoạch đô thị hầu như không theo kịp các thách thức cũng như mong đợi của người dân. Phải chăng Hà Nội đang đứng trước bước ngoặt trong pháp triển đô thị?

Còn TS. Michael Waibel, từ nhiều năm nay đã nghiên cứu sự thay đổi và tương lai phát triển của thành phố Hà Nội nhận xét: Hà Nội chắc chắn là một trong những đô thị đẹp nhất khu vực Đông Nam Á. Khi mới thành lập năm 1010, nơi này có tên là “Thăng Long”, là kinh đô của vua Lý Thái Tổ và nằm giữa Đồng bằng sông Hồng. Nơi đây có dấu ấn của nhiều thời kỳ lịch sử, làm nên sự pha trộn đầy cuốn hút của nhiều nền kiến trúc khác nhau: di tích của những công trình uy nghiêm, tráng lệ từ thời phong kiến, những con phố thoáng đãng, rợp bóng cây xanh có từ thời Pháp, những biệt thự hoành tráng nằm giữa những khu vườn yên tĩnh, vô số chùa chiền với không gian tĩnh mịch, rất nhiều những công trình có từ thời hưng thịnh của giai đoạn kinh tế kế hoạch hóa, những công trình mới với dấu ấn của nền kinh tế thị trường, tăng trưởng thời kỳ Đổi mới. Với mục tiêu biến đổi Hà Nội thành một trung tâm đô thị ‘hiện đại, văn minh’, Nhà nước đã đề ra những kế hoạch đầy tham vọng.

Như vậy, để Hà Nội mãi đẹp trong mắt ai cần phải có một chiến lược phát triển dài hạn để vừa nâng cao tăng trưởng kinh tế vừa gìn giữ di sản vật thể và phi vật thể lâu đời chỉ có ở Hà Nội. Điều này chính là thách thức trong công cuộc toàn cầu hóa sao đó vừa giữ gìn được bản sắc riêng biệt của Hà Nội trong xu thế phát triển thế giới. Cùng với chính sách hạ đốn, thay thế 6.700 cây xanh vừa qua tại Hà Nội, những hình ảnh trong cuốn sách này hơn bao giờ hết sẽ trở nên vô cùng đáng trân trọng, với những hình ảnh khó phai mờ của Hà Nội một thuở.

Khánh Phương

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load