(Xây dựng) - Hàng loạt những vấn đề về phát triển đô thị bền vững vừa được đưa ra tại "Đối thoại APEC về Đô thị hóa bền vững" do Nhóm Bạn của Chủ tịch (FotC) về Đô thị hoá tổ chức.
Tại cuộc đối thoại này, hàng loạt những khó khăn và thách thức mà các nền kinh tế APEC đang gặp phải đã được đưa ra thảo luận. Đó là khó khăn của các chính quyền địa phương trong công tác quản lý đô thị trong bối cảnh đô thị hóa đang phát triển nhanh chóng; là sự phát triển thiếu đồng bộ giữa hạ tầng kỹ thuật và xã hội; tác động của biến đổi khí hậu, mực nước biển dâng... Đặc biệt, các đại biểu đã tích cực thảo luận về khung thể chế và chính sách phát triển và đô thị hóa bền vững; liên kết trong phát triển đô thị khu vực tiến tới bền vững; phát triển nhà ở đô thị thích ứng với biến đổi khí hậu, các mô hình phát triển hiệu quả năng lượng và tăng trưởng xanh...
Có một thực tế mà nhiều đại biểu đề cập là khi các đô thị ngày càng phát triển, kéo theo đó là sự mất dần của những cánh rừng - lá phổi của trái đất.
Rừng cũng cung cấp nơi ở, việc làm, tạo an ninh sinh kế và các nền văn hóa liên quan đến những cộng đồng định cư trong khu vực rừng. Rừng là lá phổi xanh của trái đất, là yếu tố quyết định sự sống còn của hơn bảy tỷ dân trên hành tinh.
Các nhà kinh tế thế giới đã chứng minh rằng, nếu không lồng ghép các giá trị của rừng vào kế hoạch chi ngân sách thì các quốc gia và các nền kinh tế sẽ phải trả giá đắt. Sự bần cùng hóa là tất yếu bởi việc gây tổn hại đến sự sống của rừng, trong khi rừng hỗ trợ cho đời sống hàng ngày của chúng ta. Tuy nhiên xu thế này không phải là không thể đảo ngược. Sẽ không phải là quá muộn để chúng ta bắt đầu xây dựng một cuộc sống xanh trong tương lai, mà ở đó những cánh rừng là trọng tâm của sự phát triển bền vững và các nền kinh tế xanh.
Một minh chứng qua các số liệu của UNEP, rằng việc bảo tồn và phát triển rừng là một cơ hội kinh doanh. Khi chúng ta đầu tư 30 triệu USD cho việc chống phá rừng và suy thoái rừng thì chúng ta có thể nhận được 2,5 tỷ USD từ các sản phẩm và dịch vụ mà nó mang lại.
Trên thế giới là vậy. Còn với Việt Nam? Điểm lại xem, bây giờ chúng ta còn bao nhiêu rừng nguyên sinh? Các nhà phân tích đã chỉ ra rằng: Đi sau, chúng ta có thể khôn ngoan hơn như lẽ ra phải thế. Nhưng, sự vội vã, kiêu căng, và lòng tham không đáy, đã che mắt chúng ta. Đang tiếp tục che mắt chúng ta. Chúng ta còn hăng lắm trong việc chặt phá nốt đôi chút còn lại và đang bắt đầu một công cuộc đào bới hung dữ.
Những đô thị mới mọc lên - bao cánh rừng ngã xuống.
Ngọc Lý
Theo