(Xây dựng) - Sáng nay 5/3, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng có buổi làm việc với lãnh đạo thành phố Hà Nội về phát triển kinh tế - xã hội năm 2015 và quy hoạch, cơ chế đầu tư trục Nhật Tân - Nội Bài.
Tham dự buổi làm việc có các Phó Thủ tướng Chính phủ: Hoàng Trung Hải, Vũ Văn Ninh, Vũ Đức Đam cùng lãnh đạo một số bộ, ngành Trung ương.
Năm 2015 phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng từ 9-9,5%
Báo cáo với Thủ tướng tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Thế Thảo cho biết, năm 2014, tình hình kinh tế-xã hội của Hà Nội tiếp tục có những chuyển biến tích cực. Kinh tế phục hồi và tăng trưởng khá với tốc độ tăng trưởng đạt 8,8%, bằng 1,52 lần mức tăng chung cả nước.
Cùng với phát triển kinh tế, sự nghiệp phát triển văn hóa, xã hội, giáo dục-đào tạo, y tế, khoa học công nghệ,… có nhiều chuyển biến tích cực. An sinh xã hội và phúc lợi xã hội được bảo đảm, đã giải quyết việc làm cho khoảng 140 nghìn lao động, hỗ trợ 14.500 hộ thoát nghèo, chăm lo tốt cho các đối tượng chính sách, đối tượng bảo trợ xã hội.
Công tác quy hoạch, huy động các nguồn lực xây dựng hạ tầng, quản lý và phát triển đô thị, xây dựng nông thôn mới được đẩy mạnh; đã hoàn thành hầu hết các quy hoạch phân khu, quy hoạch chung các huyện, thị, quy hoạch chung các đô thị vệ tinh, đô thị sinh thái theo quy hoạch,… Đến nay, Hà Nội đã huy động các nguồn lực hoàn thành xây dựng nông thôn mới 121 xã, bằng khoảng 1/5 số xã nông thôn mới của cả nước. Công tác quản lý đô thị được chú trọng, tích cực triển khai năm “Trật tự, văn minh đô thị” qua đó tạo chuyển biến rõ rệt, đường thông hè thoáng hơn; thành phố xanh, sạch và trật tự hơn.
Quốc phòng, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững, bảo vệ tuyệt đối an toàn các mục tiêu, địa bàn trọng điểm, các sự kiện chính trị, văn hóa, thể thao, hoạt động lãnh đạo của Đảng, Nhà nước trên địa bàn.
Trong năm 2015, Hà Nội xác định thực hiện một số chỉ tiêu kinh tế-xã hội chủ yếu là: phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng từ 9-9,5%; thu nhập bình quân đầu người đạt 75-77 triệu đồng; tốc độ tăng vốn đầu tư xã hội trên địa bàn từ 11-12%; tốc độ tăng kim ngạch xuất khẩu 8-9%; số xã được công nhận cơ bản đạt tiêu chí nông thôn mới tăng thêm 55 xã…
Đề xuất cơ chế đặc thù
Về quy hoạch chi tiết hai bên tuyến đường Nhật Tân-Nội Bài, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Thế Thảo cho hay, Hà Nội đã phê duyệt nhiệm vụ, tổ chức triển khai lập các quy hoạch phân khu đô thị có liên quan làm cơ sở pháp lý để lập quy hoạch chi tiết theo quy định. Phương án quy hoạch hai bên tuyến đã được tổ chức thi tuyển quốc tế; lấy ý kiến cộng đồng và các cơ quan liên quan theo quy định; báo cáo xin ý kiến và tiếp thu chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Đến nay, hồ sơ quy hoạch chi tiết do Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội phối hợp với Công ty TNHH Motor N.A Việt Nam tổ chức lập, cơ bản được hoàn thành, đã lắp đặt mô hình để xem xét, thẩm định, phê duyệt.
Nội dung chính của đồ án quy hoạch gồm: ranh rới và quy mô; quy hoạch sử dụng đất với chiều dài gần 12km, diện tích khoảng 2.000 ha (chia làm 4 đoạn); tổ chức không gian; hệ thống hạ tầng kỹ thuật…
Cụ thể về quy hoạch sử dụng đất, đoạn 1, từ sân bay Nội Bài đến đường vành đai 3, gồm đất nông nghiệp chất lượng cao với các trang trại nông sản, cây hoa đặc sản Hà Nội và vùng miền; công viên công nghệ phần mềm; trung tâm hội trợ, triển lãm thương mại nông sản; trung tâm thương mại dịch vụ… Đoạn 2 từ đường vành đai 3 đến đầm Vân Trì, gồm trung tâm kho vận, thương mại dịch vụ Nam ga Bắc Hồng; trung tâm văn hóa, trung tâm dịch vụ ga đường sắt đô thị; trung tâm vă hóa thương mại… Đoạn 3 từ đầm Vân Trì đến đê sông Hồng, gồm tổ hợp trung tâm tài chính, thương mại dịch vụ hỗn hợp Phương Trạch mang tầm cỡ quốc tế; các công trình hỗn hợp thương mại, dịch vụ; công viên; các khu nhà ở tái định cư, nhà ở xã hội;… Đoạn 4, khu vực ngoài đê sông Hồng, gồm trung tâm triển lãm văn hóa, thương mại, dịch vụ cao cấp; khu đô thị sinh thái-đô thị nước gắn với việc khai thác tuyến du lịch ven sông Hồng gồm các hồ bơi, đua thuyền, hoạt động thể thao dưới nước; công viên hoa sen-khu giới thiệu hình ảnh hoa sen, trưng bày và bán các sản phẩm từ sen, bến du thuyền…
Để huy động các nguồn lực, đẩy nhanh tiến độ đầu tư đồng bộ đô thị, đáp ứng yêu cầu thực tiễn và phát huy hiệu quả đầu tư, thành phố Hà Nội đã đề xuất cơ chế đặc thù đầu tư các dự án trong quy hoạch hai bên tuyến đường Nhật Tân-Nội Bài. Theo đó, trên cơ sở quy hoạch phân khu được duyệt và quy hoạch chi tiết đã báo cáo, đề xuất Thủ tướng Chính phủ chấp thuận phân chia thành 8 dự án thành phần phát triển đô thị và thành lập Ban quản lý Khu vực phát triển đô thị để triển khai thực hiện. Đề nghị Thủ tướng cho phép lựa chọn nhà đầu tư có năng lực, kinh nghiệm, khả năng ứng vốn giải phóng mặt bằng, xây dựng hạ tầng khung, có năng lực xây dựng và vận hành quản lý khai thác sau đầu tư. Đồng thời đề nghị Chính phủ cho phép huy động từ nguồn vốn vay ưu đãi, ODA, vốn nhàn rỗi tại kho bạc cho đầu tư hạ tầng (trường hợp thiếu sau khi cân đối nguồn vốn). Đề nghị Chính phủ xem xét, quyết định cho phép áp dụng xác định giá sàn quyền sử dụng đất sát giá thị trường trên cơ sở quy hoạch xây dựng chi tiết được duyệt trước khi thành phố tiến hành lựa chọn nhà đầu tư…
Đồng ý chủ trương cho 5 vấn đề chính phát triển Hà Nội
Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng biểu dương, đánh giá cao những kết quả mà Hà Nội đạt được trong xây dựng và phát triển kinh tế-xã hội thời gian qua; cho rằng những thành tựu mà Hà Nội đạt được là toàn diện trên các lĩnh vực, từ về kinh tế, văn hóa, xã hội, y tế, giáo dục, tới quốc phòng, an ninh, xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị,… Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng mong muốn Hà Nội tiếp tục phát huy truyền thống tốt đẹp, sức mạnh nội lực; tinh thần tự chủ, tự chịu trách nhiệm; tiềm năng lợi thế cũng như những kết quả đạt được; đồng thời ra sức khắc phục những hạn chế, yếu kém để phấn đấu thực hiện tốt hơn nữa nhiệm vụ xây dựng và phát triển kinh tế-xã hội, trước mắt là thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ, chỉ tiêu đã được đề ra cho 2015 gắn với tổ chức thành công Đại hội Đảng bộ các cấp, chuẩn bị tốt cho Kế hoạch 5 năm (2016-2020), đưa Hà Nội có bước phát triển mới trong 5 năm tới để xứng đáng là Thủ đô, là trái tim, là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, giáo dục, khoa học công nghệ,… của cả nước, có nhiều mô hình tốt, điểm hình để không chỉ cho Hà Nội mà còn góp phần thúc đẩy nhân rộng ra cả nước.
“Với tinh thần này, tôi rất mong các đồng chí tiếp tục phát huy tinh thần năng động sáng tạo, phát huy tối đa nội lực của mình, cả về vật chất, tinh thần, con người, các tiềm năng; tinh thần tự chủ, tự chịu trách nhiệm cao trong xây dựng và phát triển Thủ đô; ra sức cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, môi trường văn hóa, môi trường sống”, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng nêu rõ nguyên tắc chung về cơ chế đặc thù, đó là có đề cao trách nhiệm của Chính phủ, các bộ, ngành trong xây dựng Thủ đô. Phân cấp, ủy quyền ở những lĩnh vực mà pháp luật cho phép để Hà Nội năng động, sáng tạo trong triển khai thực hiện nhiệm vụ. Trên tinh thần đó, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị sau cuộc làm việc sẽ ban hành 1 Quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Trước khi ban hành Quyết định này, nếu có đụng chạm tới một Nghị định nào đó, đề nghị đưa Quyết định này ra phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng tới xin ý kiến, nội dung nào mà trái với điều nào đó của Nghị định thì xin ý kiến để đưa vào Nghị quyết phiên họp Chính phủ, ban hành Quyết định theo hướng khẳng định phân cấp mạnh, ủy quyền mạnh để Thủ đô năng động, sáng tạo, xây dựng dựng, phát triển, tự chịu trách nhiệm cao trước Đảng và Nhà nước.
Tại buổi làm việc, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, các Phó Thủ tướng Chính phủ, lãnh đạo một số bộ, ngành chức năng đã xem xét, cho ý kiến cụ thể đối với trên 10 đề xuất, kiến nghị của thành phố Hà Nội trong 5 nhóm vấn đề về: tài chính ngân sách; hỗ trợ doanh nghiệp; đầu tư phát triển; quy hoạch, đô thị và về tổ chức bộ máy.
Theo đó, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cơ bản đồng ý với kiến nghị của Hà Nội về xem xét điều chỉnh ổn định tỷ lệ điều tiết ngân sách trong thời kỳ ổn định ngân sách 2016-2020; về cho phép Hà Nội được huy động nguồn vốn trong nước để đầu tư các công trình kết cấu hạ tầng; đồng ý với chủ trương để lại số tiền cổ phần hóa doanh nghiệp và thoái vốn doanh nghiệp nhà nước để có nguồn tái cơ cấu doanh nghiệp và cấp vốn pháp định cho Công ty Đường sắt đô thị đã được Chính phủ cho phép thành lập; đồng ý thực hiện chính sách ưu đãi đối với Khu công nghiệp Nam Hà Nội để tạo điều kiện đẩy nhanh đầu tư hạ tầng, thu hút đầu tư; đồng ý với đề xuất tiếp tục cho phép đầu tư xây dựng khu liên cơ hành chính của thành phố Hà Nội tại khu đất Đông Nam Trần Duy Hưng; đồng ý với với đề xuất của Hà Nội về việc thành lập Sở Du lịch Hà Nội nhằm phát huy hơn nữa tiềm năm, lợi thế về du lịch…
Về quy hoạch, cơ chế đầu tư trục Nhật Tân-Nội Bài, Thủ tướng nêu rõ đây là một đồ án quy hoạch chứ không phải là một dự án đầu tư. Chính phủ đồng ý về chủ chương, về nguyên tắc phát triển khu đô thị này, đề nghị Hà Nội tiếp thu ý kiến đóng góp của các Phó Thủ tướng, các vị Bộ trưởng, các đại biểu và có thể lấy ý kiến thêm của các cơ quan, đơn vị, tổ chức, đoàn thể để hoàn thiện quy hoạch, phê duyệt quy hoạch theo thẩm quyền và đặc biệt phải quản lý cho tốt “để rồi 20 năm nữa, hoặc 15 năm nữa chúng ta vui mừng thấy rằng đô thị Bắc Hà Nội thành đô thị văn minh, hiện đại, xứng tầm với Thủ đô”.
Về cơ chế chính sách đặc thù và quản lý đầu tư phát triển hai bên đường Nhật Tân, Thủ tướng nhấn mạnh phải chủ động thu hồi đất, nhà nước đứng ra thu hồi đất, thực hiện tốt chính sách đền bù, tái định cư, tinh thần là tái định cư tại chỗ và “trách nhiệm của Chính phủ, cùng các bộ, ngành chức năng và Hà Nội phải tính cho ra được nguồn vốn dự kiến phục vụ giải phóng mặt bằng khoảng 11 nghìn tỷ; tiếp đó tiến tới xây dựng hạ tầng theo nguyên tắc đa dạng nguồn vốn, nguồn nào ODA, nguồn nào vốn ngân sách nhà nước, nguồn nào là vốn hỗ trợ, nguồn nào của địa phương, nguồn nào BOT được…”.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng nêu rõ, khi có mặt bằng, có hạ tầng; việc thu hút đầu tư cũng phải đa dạng hình thức, “cái nào đấu thầu, cái nào chào thầu, cái nào lựa chọn nhà thầu,… phải xác định rõ và phải tùy theo dự án”.
Cuối cùng về giá đất, Thủ tướng nhấn mạnh, nguyên tắc là giá thị trường, tính theo mục đích sử dụng, nhưng cũng phải linh hoạt, tùy dự án; “ví dụ khu nông nghiệp công nghệ cao, cái này các đồng chí tính giá đất như trung tâm thương mại thì ai vào”.
PV
Theo