Thời gian gần đây thông tin các công trình chậm tiến độ do sợ thua lỗ, các nhà thầu được thanh toán VLXD giá thấp do chủ đầu tư căn cứ báo giá của Sở Xây dựng Hà Nội. Phóng viên Báo Xây dựng đã trao đổi với ông Trần Hợp Dũng - Trưởng phòng Quản lý kinh tế, Sở Xây dựng Hà Nội.
QL32, đoạn qua Cầu Diễn - Nhổn, điển hình của công trình chậm tiến độ.
Thưa ông, nhiều dự án giao thông, xây dựng trên địa bàn TP Hà Nội hiện nay đều bị chậm tiến độ. Nguyên nhân chính có phải nhà thầu được các chủ đầu tư thanh toán VLXD áp theo khung giá thấp so với thực tế?
- Về mặt pháp lý, khi Chính phủ đã ban hành Nghị định số 112 quy định về chi phí đầu tư công trình, trách nhiệm rất rõ ràng được giao cho chủ đầu tư trong việc quản lý chi phí, trong đó có nội dung quản lý về giá. Việc quản lý giá trên địa bàn Hà Nội hiện nay, Sở Xây dựng được UBND TP giao cho bộ phận chuyên môn phối hợp với Sở Tài chính. Quyết định 02 của UBND TP Hà Nội đã nói rõ việc này sẽ do Sở Xây dựng cùng với Sở Tài chính công bố giá vật liệu để làm cơ sở tham khảo cho các chủ đầu tư sử dụng nguồn vốn nhà nước do TP Hà Nội quản lý, lập dự toán cũng như điều chỉnh dự toán.
Các thông tư hướng dẫn của Bộ Xây dựng đã quy định, trách nhiệm của chủ đầu tư trong việc lập dự toán công trình, kể cả việc nghiệm thu thanh quyết toán là phải căn cứ vào thực tiễn để xây dựng giá. Trong công bố giá của Sở hiện nay là công khai các trên trang của Sở, để chia sẻ thông tin. Khi đó, chủ đầu tư có thể căn cứ vào bảng đó để xem rằng, giá của mình thanh toán đã đúng chưa.
Vậy thì ở đây, trách nhiệm của chủ đầu tư là rất rõ ràng trong việc xây dựng phương án giá. Nếu chủ đầu tư mà lấy nội dung công bố giá của Sở Xây dựng để làm cơ sở lập dự toán thanh quyết toán thì chủ đầu tư phải hoàn toàn chịu trách nhiệm về việc lấy thông tin đó.
Nhưng theo phản ánh của nhiều nhà thầu, các chủ đầu tư đều chỉ thanh toán theo giá VLXD mà Sở Xây dựng công bố?
- Nếu chủ đầu tư mà căn cứ vào bảng giá của Liên Sở Xây dựng và Sở Tài chính đưa ra thì quyền đó là của chủ đầu tư và chủ đầu tư chịu trách nhiệm với quyết định đó.
Ví dụ, với các dự án mà không phải vận chuyển cát bằng xe mà chỉ dùng tàu hút chẳng hạn, cát rẻ hơn rất nhiều so với thông báo giá của sở. Nếu chủ đầu tư thanh toán theo bảng giá đó thì chủ đầu tư làm thất thoát ngân sách. Nếu chủ đầu tư ở khu vực mà giá cát mang tính chất không có tính phổ thông và điển hình như Liên Sở Xây dựng và Sở Tài chính công bố thì việc đưa giá đó ra cũng lại là một cái gây khó khăn cho nhà thầu, ảnh hưởng đến tiến độ thi công. Việc đó nhà thầu cũng phải có phản ánh với chủ đầu tư.
Và chủ đầu tư với chức năng và nhiệm vụ được giao phải thực hiện việc đó. Chủ đầu tư mà vướng, khó khăn trong quá trình tổ chức thực hiện có quyền cũng như trách nhiệm phản ánh nội dung đó lên Sở Xây dựng để Sở Xây dựng có hướng dẫn cho chủ đầu tư.
Nhà thầu cho rằng, họ không thể nói với chủ đầu tư được thì cũng không dám nói với Sở Xây dựng vì “lo gặp rắc rối”?
- Cái đó thì không đúng. Qua cách làm việc của Sở Xây dựng trên lĩnh vực quản lý nhà nước cũng như kể cả lĩnh vực ở vị trí làm chủ đầu tư, Sở Xây dựng đang hướng theo định hướng của Chính phủ là xây dựng chính phủ điện tử. Đơn giản như các thông tin của Sở xây dựng đều có trên website. Nếu nhà thầu ngại có thể lên website hỏi, không ngại có thể gửi công văn, văn bản về Sở Xây dựng. Tất cả những nội dung đó đều được giải quyết. Không chỉ chủ đầu tư, nhà thầu mà bất kì người dân nào cũng có thể hỏi.
Việc tiếp cận với chủ đầu tư và nhà thầu là trách nhiệm 2 chiều. Khi chúng tôi được nghe thông tin từ chủ đầu tư hoặc nhà thầu thì chính vai trò quản lý nhà nước của Sở Xây dựng sẽ được thể hiện, ngoài việc hướng dẫn ra thì giúp đỡ các chủ đầu tư trong việc thực hiện.
Xin cảm ơn ông!
Nhật Quang (thực hiện)
Theo baoxaydung.com.vn