Năm 2009, ngành GTVT giải ngân đạt 30 nghìn tỷ đồng, năm 2010 nguồn vốn khủng tiếp tục được rót cho giao thông lên tới 40 nghìn tỷ đồng. Điều đó, giúp hàng trăm dự án được triển khai dàn trải trên cả nước. Tuy nhiên, bước sang năm 2011 và 2012 khi dòng vốn thắt chặt, hàng trăm dự án buộc phải đình hoãn, giãn tiến độ. Điều này dẫn tới những khoản nợ đọng, nợ xấu khó giải quyết.
Ngành GTVT phải đi trước một bước - làm tiền đề phát triển nền kinh tế là mục tiêu chiến lược quốc gia. Vì vậy dù khó khăn, Chính phủ cũng phải tìm mọi cách tạo điều kiện đầu tư cho hạ tầng giao thông. Tuy nhiên, do việc đầu tư dàn trải hàng trăm dự án trong những năm trước đang khiến Chính phủ, Bộ GTVT rất bối rối. Quyết định cuối cùng đưa ra là: đình hoãn, giãn tiến độ các dự án chưa quan trọng; dồn vốn cho các dự án trọng điểm.
Thực tế, đây là chủ trương đúng nhưng đối với các dự án đã và đang thi công dở dang thì việc “nằm thở” khiến chủ đầu tư, nhà thầu và các DN hết sức đau đầu. Bởi lẽ, kiếm đâu ra tiền để trả lương công nhân, bảo trì máy móc, trong khi hàng tháng vẫn phải trả lãi ngân hàng. Đó là chưa kể tình trạng công trình bị hư hỏng theo thời gian, bị đội vốn (do nguyên vật liệu, nhân công từng thời điểm tăng giá)… Tất cả cộng lại sẽ gây những khoản nợ đọng, nợ xấu và đẩy dự án đến việc xin thay đổi tổng mức đầu tư. Phải chăng, đó là bài toán luẩn quẩn mà ai cũng biết nhưng chưa có biện pháp xử lý?
Theo Vụ Tài chính (Bộ GTVT), tính đến tháng 7/2012, các TCty xây dựng công trình giao thông (CIENCO) đang là khối DN ngành giao thông gặp nhiều khó khăn nhất. Nổi cộm đó là vốn chủ sở hữu của các Cienco rất thấp, trung bình chỉ đạt khoảng 225 tỷ đồng (trong khi 1 dự án giao thông trung bình hiện có con số đầu tư lên tới hàng nghìn tỷ đồng). Điều đó dẫn đến các TCty buộc phải đi vay để thực hiện các dự án hạ tầng lớn. Vì thế, số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu cao hơn nhiều mức cho phép. Khó khăn càng chồng chất khi vốn vay phải trả lãi suất cao, dự án bị đình hoãn không có tiền tiếp tục thực hiện mà lại phải gánh phí bảo lãnh hợp đồng, phí điều chuyển máy móc nhân lực, duy trì hiện trạng, đảm bảo ATGT... Hiện đang có khoảng 10 DN xây lắp, Cty đường bộ quy mô nhỏ và vừa đang không có khả năng thanh toán.
Cũng theo đánh giá của Vụ Tài chính thì ngay cả TCty Xây dựng Đường thủy cũng đang phải gánh số nợ đọng khủng từ các năm trước để lại và chưa giải quyết được dứt điểm trong một sớm một chiều.
Vậy làm thế nào để xoá bỏ nợ đọng, nợ xấu? Theo các chuyên gia ngành thì mấu chốt vấn đề phải sớm xử lý sớm đó là: Cấm bỏ thầu giá thấp (đây là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến nợ đọng, nợ xấu); Tiếp đó là cấm đầu tư dàn trải (đặc biệt là việc bố trí các nguồn vốn sao cho hợp lý); Cuối cùng là các chủ đầu tư, nhà thầu phải rà soát lại các dự án đang bị đình giãn tiến độ và có đề xuất về tình hình cụ thể để báo cáo Bộ GTVT. Từ đó, Cục Quản lý xây dựng và chất lượng công trình giao thông đề xuất các vấn đề liên quan để xử lý dứt điểm hoặc có thể chuyển đổi hình thức đầu tư khác đảm bảo hiệu quả của dự án, gói thầu.
Một lãnh đạo Bộ GTVT cũng chia sẻ: Vấn đề bố trí vốn đối với các dự án đang bị đình hoãn cần được cân nhắc và xem xét kỹ để ưu tiên dự án nào trước, sau cho hợp lý. Thời gian qua, Chính phủ đã bố trí nguồn vốn ngân sách nhà nước và vốn trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2011 - 2015. Đồng thời, Thủ tướng đã ban hành chỉ thị về tăng cường quản lý đầu tư từ vốn ngân sách nhà nước và vốn trái phiếu Chính phủ. Cụ thể như: Tất cả các dự án đã được quyết định đầu tư phải thực hiện theo mức vốn kế hoạch được giao để không gây nên nợ đọng xây dựng cơ bản. Mọi trường hợp bổ sung vốn, điều chuyển trong nội bộ vốn ngành, lĩnh vực chỉ được thực hiện khi cơ quan có thẩm quyền giao vốn chấp thuận. Các bộ, ngành, địa phương tự cân đối các nguồn vốn để xử lý nợ đọng xây dựng thuộc phạm vi trách nhiệm và thẩm quyền. Đặc biệt, việc cấp phát và ứng chi vốn ngân sách nhà nước và vốn trái phiếu Chính phủ từ Kho bạc Nhà nước cho các dự án đầu tư phải theo khối lượng thực hiện. Đối với dự án chưa có khối lượng thực hiện, việc tạm ứng vốn tối đa là 30% của tổng mức kế hoạch vốn được giao hàng năm. Căn cứ vào những điều kiện trên, các chủ đầu tư, BQLDA cần có giải pháp xử lý, điều chỉnh ngay, không thể để một công trình dừng mãi mà không ai chịu trách nhiệm?
Điều này là hoàn toàn đúng và mang tính cấp bách, bởi nếu cứ tiếp tục “nằm chờ” mà không có biện pháp xử lý với các dự án bị đình hoãn thì một thảm cảnh về đầu tư sẽ xuất hiện. Chủ đầu tư, nhà thầu, DN sẽ tiếp tục nợ chồng chất và để lại những khoản nợ đọng nghiêm trọng vào những năm tiếp theo.
Tịnh Trí
Theo baoxaydung.com.vn