Nhiều ưu đãi thuế dành cho doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) để tăng cường tiềm lực tài chính, nuôi dưỡng nguồn thu cho ngân sách Nhà nước trong tương lai. Tuy nhiên, đại biểu Quốc hội đòi hỏi sự tính toán cụ thể hơn từ phía cơ quan soạn thảo.
Đại biểu Hà Sỹ Đồng. Ảnh: VGP/Thành Chung |
Chiều 23/5, khi báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Hỗ trợ DNNVV, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết, dự thảo đã bổ sung nhiều ưu đãi cho khối này so với lần trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 2.
Chính sách nổi bật nhất là việc dự thảo mới nhất quy định DNNVV được áp dụng có thời hạn mức thuế suất thuế thu nhập DN thấp hơn mức thuế suất thông thường áp dụng cho DN.
Tuy nhiên, dự thảo không quy định cụ thể về mức thuế, đối tượng và thời hạn cụ thể hỗ trợ thuế, mà chỉ tạo cơ sở pháp lý với những nguyên tắc chung để tiếp tục sửa đổi, bổ sung trong các luật liên quan nhằm bảo đảm nguyên tắc thống nhất, đồng bộ trong pháp luật chuyên ngành về thuế, kế toán.
Căn cứ vào các ý kiến đề nghị không hỗ trợ thuế cho toàn bộ DNNVV, tránh làm giảm thu lớn ngân sách Nhà nước, ông Vũ Hồng Thanh cho biết, dự thảo Luật quy định DNNVV được hỗ trợ thuế thu nhập DN là các DN có lợi nhuận mới được hưởng lợi trực tiếp từ quy định này.
Theo ông Thanh, nếu quy định này được thông qua, thì sẽ có hơn 49% số DNNVV đang hoạt động làm ăn có lãi được hưởng lợi từ chính sách này, tương đương khoảng 301.000 DN, nhằm nâng cao năng lực tài chính, khả năng sinh lời của các DNNVV, qua đó nâng cao tính bền vững và mức thu của nguồn thuế thu nhập DN trong dài hạn.
Thảo luận về dự án Luật sau đó, đại biểu Hà Sỹ Đồng (Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Trị) nhận định nội dung hỗ trợ tiếp cận tín dụng quy định tại dự thảo chưa cụ thể.
"Theo dự án Luật, DNNVV được hỗ trợ nâng cao năng lực tiếp cận tín dụng thông qua các cơ quan, tổ chức và cá nhân hỗ trợ DNNVV để xây dựng phương án sản xuất kinh doanh khả thi, tăng cường năng lực quản trị, minh bạch hoạt động của DN để nâng cao năng lực tiếp cận tín dụng. Các quy định này rất khó xác định cụ thể DNNVV được hỗ trợ như thế nào, ra sao, đơn vị nào hỗ trợ? Tôi đề nghị đưa ra xem xét tiêu chí cụ thể hơn, khả thi hơn, áp dụng được trên thực tế", ông Đồng nói.
Vẫn theo ông Đồng, đối với DN bảo lãnh tín dụng cho DNNVV dựa trên tài sản bảo đảm, chứng từ có giá, phương án sản xuất kinh doanh khả thi… cũng cần xem lại. “Theo đó, việc bảo lãnh tín dụng DNNVV, dựa trên chính sách hỗ trợ, không có gì ưu đãi, ưu việt hay thuận lợi cho DNNVV, thậm chí còn phức tạp hơn, bởi lẽ còn thêm thủ tục, thêm thời gian. Không phải DN nào cũng đáp ứng được nhanh chóng việc vay vốn trực tiếp từ các tổ chức tín dụng”, ông Đồng đánh giá và đề nghị cơ quan soạn thảo xem xét bỏ bớt các điều kiện như tài sản bảo đảm, bởi theo quy định của pháp luật, các tổ chức tín dụng cấp tín dụng không bắt buộc trường hợp cho vay có tài sản bảo đảm.
Ảnh minh họa
Ý kiến của đại biểu Hà Sỹ Đồng nhận được nhiều đồng tình từ các đại biểu Quốc hội khác. Đại biểu Võ Thị Như Hoa (Đà Nẵng) nói: "Dự luật mới về quỹ bảo lãnh tín dụng có điểm mới là ngoài tài sản bảo đảm còn dựa trên chứng từ có giá trị, xếp hạng tín dụng, phương án kinh doanh... Tuy nhiên, liệt kê nhiều vậy thì DN chỉ cần đáp ứng 1 hay tất cả điều kiện?".
Bà Hoa cho rằng, quy định với quỹ bảo lãnh nên theo hướng DN thỏa mãn 1 trong số các điều kiện là được. Nếu có tài sản bảo đảm thì DN đã đến ngân hàng, chứ không cần tìm đến quỹ hỗ trợ nữa.
Đại biểu Hoàng Quang Hàm (Phú Thọ) bày tỏ: “Dự luật chỉ nói nguyên tắc miễn thuế chung chung thì rất khó khả thi. Chưa kể, việc chờ sửa các luật thuế còn rất mất thời gian và có thể khó khăn nếu đối chiếu với nguyên tắc mà các nghị quyết của Quốc hội đặt ra là hạn chế làm giảm thu ngân sách”.
Vẫn chủ đề miễn, giảm thuế, đại biểu Võ Đình Tín (Đắk Nông) chỉ ra điểm thiếu khả thi của quy định này: "Để được giảm thuế thì phải chờ sửa Luật Thuế thu nhập DN. Nhưng nhìn vào chương trình điều chỉnh luật và pháp lệnh năm 2018 và năm 2017 điều chỉnh thì không thấy trong danh mục này có Luật Thuế thu nhập DN".
Giải trình cuối phiên thảo luận, Bộ trưởng KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng thay mặt cơ quan soạn thảo cho rằng sở dĩ luật không quy định chi tiết vì không muốn mất tính ổn định trong thời gian dài.
"Ví dụ về ưu đãi thuế thu nhập DN, dù không quy định mức giảm cụ thể bao nhiêu, nhưng nguyên tắc chung là thấp hơn mức thuế phổ thông và tinh thần là kiến nghị sửa Luật Thuế thu nhập DN sớm và khi đó sẽ cụ thể hơn", ông Dũng nói.
Bộ trưởng Bộ KH&ĐT cũng nhấn mạnh tinh thần của Luật là không hỗ trợ trực tiếp DNNVV, mà muốn thông qua các tổ chức trung gian cung cấp dịch vụ cho DNNVV.
Theo Thành Chung/Chinhphu.vn