(Xây dựng) - Sáng 07/4, tại Đà Nẵng, Tổng hội Xây dựng Việt Nam tổ chức Hội thảo Phát triển và Quản lý Condotel - Cơ sở pháp lý và thực tiễn. Đây là một trong nhưng nội dung vướng mắc trong những năm gần đây tại Việt Nam, đặc biệt tại các tỉnh ven biển nơi có tốc độ phát triển du lịch cao đã bùng nổ loại hình đầu tư này.
Ông Trần Ngọc Hùng - Chủ tịch Hội Xây dựng Việt Nam mong muốn các đại biểu có những ý kiến, những giải pháp giải quyết hiệu quả những vướng mắc pháp lý hiện nay của loại hình này.
Tính pháp lý của loại hình này chưa được quy định rõ ràng dẫn đến việc nhiều chủ đầu tư nhập nhằng, lách luật để làm liều gây khó khăn cho công tác quản lý và gây nhiều rủi ro cho người mua. Chính vì thế, với Hội thảo lần này, Tổng Hội Xây dựng Việt Nam mong muốn tìm ra được những ý kiến, những giải pháp hữu hiệu từ những chuyên gia, những nhà đầu tư và những người làm luật từ đó kiến nghị với các cơ quan hữu quan để giải quyết những tồn tại, những vướng mắc hiện nay của Condotel tạo điều kiện cho loại hình này hoạt động hiệu quả và phát triển một cách bền vững; tránh những tiềm ẩn, nguy cơ ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế du lịch của đất nước.
Condotel là cụm từ được viết tắt của hai khái niệm condominium và hotel, có nghĩa là căn hộ và khách sạn. Loại hình này được xây dựng khép kín như một căn hộ thông thường bên cạnh đó là các dịch vụ tiện ích khép kín như khách sạn. Loại hình này được sử dụng phục vụ cho thuê đối với khách du lịch.
Nói đến tính pháp lý cho condotel có lẽ trong thời gian qua đã có nhiều kiến nghị của nhà đầu tư lẫn chính quyền các địa phương. Cũng đã có nhiều Hội thảo được tổ chức tìm hướng giải quyết về vấn đề này nhưng đến nay vẫn chưa tìm được lối ra.
Ông Vũ Văn Phấn - Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường Bất động sản, Bộ Xây dựng chia sẻ: Về khu du lịch nghỉ dưỡng, khách sạn… theo Luật Du lịch được gọi là cơ sở lưu trú du lịch. Hiện nay mức tăng trưởng về du lịch của Việt Nam là rất lớn. Nhu cầu đầu tư các cơ sở du lịch là đương nhiên. Nên trong thời gian qua việc phát triển các cơ sở lưu trú du lịch như biệt thự du lịch, căn hộ du lịch, khách sạn du lịch, nhà nghỉ, nhà ở có phòng du lịch, tàu thủy du lịch, trong đó có cả việc phát triển loại hình condotel phục vụ nhu cầu tăng trưởng của du lịch.
Ông Vũ Văn Phấn - Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường BĐS, Bộ Xây dựng đã chia sẻ cần phải đi từ từng chi tiết thì mới có thể giải quyết được vấn đề vướng mắc hiện nay của loại hình condotel.
“Condotel” là gì, đó là cụm từ tiếng anh, và ông Phấn cho rằng: Trong hệ thống pháp luật Việt Nam không có cụm từ “Condotel”. Căn cứ vào pháp luật Việt Nam và Luật Du lịch đã ghi rõ cơ sở lưu trú du lịch bao gồm biệt thự du lịch, căn hộ du lịch, khách sạn du lịch, nhà nghỉ, nhà ở có phòng du lịch, tàu thủy du lịch…
Vậy “Condotel” nó là gì của pháp luật? Cụm từ “Condotel” nếu hiểu theo pháp luật Việt Nam thì chúng ta phải hiểu rằng đó là căn hộ du lịch. Đã là căn hộ du lịch theo pháp luật Du lịch thì phải được quản lý sử dụng theo pháp luật Du lịch. Mà đã theo pháp luật Du lịch thì phục vụ khách du lịch. Từ những cái đó sẽ giải quyết chi tiết những vướng mắc thực tế hiện nay.
“Condotel” chỉ là văn nói, văn luật nó là căn hộ du lịch, để quản lý nó thì quản lý theo pháp luật về du lịch. Để có nó thì có nghĩa phải đi từ đất đai đến đầu tư, xây dựng đến kinh doanh, quản lý sử dụng. Phải đi từ từng chi tiết thì mới có thể giải quyết được vấn đề vướng mắc hiện nay.
Ông Trần Ngọc Hùng - Chủ tịch Hội Xây dựng Việt Nam cho rằng: Nếu như loại hình condotel chỉ phát triển bằng vốn của chủ đầu tư và trực tiếp quản lý kinh doanh thì mọi chính sách quy định pháp luật được áp dụng cho loại hình phục vụ du lịch, nghỉ dưỡng này sẽ thực hiện theo các quy định hiện hành không có vướng mắc gì.
Tuy nhiên trong thời gian gần đây loại hình này phát triển mạnh, nhiều dự án lớn đòi hỏi vốn đầu tư lớn trong khi đó các chủ đầu tư không đủ nguồn vốn đã vận dụng huy động nguồn vốn đầu tư trong xã hội dưới hình thức bán căn hộ cho người mua rồi ủy quyền cho chủ đầu tư kinh doanh cho thuê du lịch với cam kết tỷ lệ lãi hàng năm từ 8 - 15%/năm. Trong khi đó những vị trí đất để phát triển loại hình này là đất sản xuất kinh doanh có thời hạn 50 năm nên việc cấp sổ hồng cho từng căn hộ hiện nay đang gặp khó khăn.
Đối với những vướng mắc liên quan đến việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng (GCNQSD) của căn hộ loại hình này, ông Vũ Văn Phấn cho rằng: Liên quan đến đất đai, theo khía cạnh cơ sở lưu trú du lịch thì đất sử dụng là đất thương mại dịch vụ. Đã là đất thương mại dịch vụ đều là đất cho thuê có thời hạn 50 năm, hết thời hạn nhà nước sẽ xem xét lại. Nói về đầu tư xây dựng thì quy chuẩn, tiêu chuẩn xây dựng phải đi theo tiêu chuẩn xếp hạng cơ sở lưu trú du lịch, pháp luật du lịch. Theo quy định đầu tư xây dựng thì địa phương quyết định cho phép đầu tư các dự án này. Căn cứ vào Luật Kinh doanh BĐS thì trên đất thuê không thể bán được mà đất thuê chỉ để cho thuê. Đất thuê xây dựng nhà ở thì nhà ở đó chỉ cho thuê theo quy định của pháp luật hiện hành. Nhưng đối với công trình khác không phải để ở thì bán, cho thuê phải thực hiện theo đúng quy định của pháp luật.
Loại hình condotel hiện đang phát triển mạnh ở Đà Nẵng.
Chủ đầu tư mà huy động vốn từ khách hàng với loại hình BĐS này thì bán xong cấp giấy như thế nào? Nếu cấp giấy thì phải theo Luật Đất đai, đây không phải là nhà ở nên việc cấp giấy được ghi theo quy định của mục 2 trong GCNQSD ghi rõ là căn hộ du lịch. Một số địa phương đã không xác định rõ loại hình này, một số cụm từ ghi trong GCNQSD theo cách tự phát không theo cơ sở pháp luật như “đất ở không hình thành cho người ở” dẫn đến một loạt hậu quả như hiện nay.
Thực tình mà nói việc đầu tư thực hiện theo đúng pháp luật hiện nay từ Luật Đầu tư đến các luật liên quan khác thì không có bất cứ vướng mắc nào cả. Khi ra đời thực hiện quản lý theo đúng Luật Du lịch…. Nhưng có một điều tại các địa phương hiện nay nếu không tạo điều kiện cho các chủ đầu tư thực hiện các dự án theo loại hình này thì những vị trí đất này vài chục năm nữa vẫn là những bãi cát với vài chục cây thông. Chính vì thế để thúc đẩy phát triển kinh tế, địa phương đã lách những vấn đề này để thu hút đầu tư bởi nếu thực hiện theo đúng Luật thì các nhà đầu tư lại không vào. Bởi vì đất là đất thuê mà người dân thì muốn làm lên thì được mua chứ không thích góp vốn hay tham gia cổ phần. Có dân mua thì chủ đầu tư mới làm, thì mới có vốn đầu tư dẫn đến sự dắt dây trong vướng mắc, ông Phấn cho biết thêm.
Hiện nay Bộ Tài Nguyên và Môi trường đang sửa đổi lại một số điều của Luật Đất Đai cho phù hợp với thực tiễn. Tuy nhiên, về phía Bộ Xây dựng vẫn giữ nguyên ý kiến đất thương mại dịch vụ phải quy định có thời hạn. Chủ đầu tư được bán cho người khác và người mua sẽ được sở hữu tài sản trên đất đó và phải ghi rõ đất đó là đất thuê có thời hạn nhưng hết thời hạn thì được tiếp tục gia hạn.
Nguyễn Nam
Theo