Chủ nhật 19/01/2025 03:15 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Kinh tế /

Định mức dự toán xây dựng: Sự cần thiết để phát triển vật liệu xây không nung

18:14 | 27/09/2017

(Xây dựng) - Định mức dự toán xây dựng sử dụng vật liệu xây không nung có vị trí quan trọng, góp phần đưa công nghệ mới, vật liệu mới vào sử dụng trong các dự án  đầu tư xây dựng, nhất là đối với dự án sử dụng vốn Nhà nước. Hiện nay, nhiều ý kiến cho rằng, vật liệu xây không nung chậm phát triển do một số nguyên nhân như thiếu các các định mức dự toán xây dựng sử dụng vật liệu xây không nung. Báo Xây dựng đã có cuộc trao đổi với ông Phạm Văn Khánh – Vụ trưởng Vụ Kinh tế xây dựng - Bộ Xây dựng xung quanh vấn đề này.


Ông Phạm Văn Khánh – Vụ trưởng Vụ Kinh tế xây dựng (Bộ Xây dựng)

PV: Xin ông cho biết, Định mức dự toán xây dựng sử dụng vật liệu xây không nung được áp dụng đã góp phần phát triển vật liệu xây không nung như thế nào?

Ông Phạm Văn Khánh: Định mức dự toán xây dựng là một công cụ quan trọng trong quản lý chi phí đầu tư xây dựng để xác định đơn giá xây dựng, phục vụ lập tổng mức đầu tư, dự toán xây dựng, giá gói thầu, giá hợp đồng, tạo thị trường xây dựng minh bạch, cạnh tranh, chống thất thoát, lãng phí trong đầu tư xây dựng và nâng cao hiệu quả đầu tư xây dựng công trình. Hiện nay, Bộ Xây dựng đã công bố khoảng 12.500 định mức, bao gồm cả các định mức dự toán vật liệu xây không nung. Các Bộ, ngành, địa phương đã công bố các định mức chuyên ngành, đặc thù sau khi có ý kiến của Bộ Xây dựng.

Các công nghệ mới, vật liệu mới trên thị trường khi đưa vào sử dụng đều phải có tiêu chuẩn và định mức dự toán để lập và quản lý chi phí.

Do đó định mức dự toán xây dựng sử dụng vật liệu xây không nung có vị trí quan trọng góp phần đưa công nghệ mới, vật liệu mới vào sử dụng trong các dự án đầu tư xây dựng, nhất là đối với dự án sử dụng vốn Nhà nước.

Chương trình phát triển vật liệu xây không nung đến năm 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 567/QĐ-TTg ngày 28/4/2010, với mục tiêu phát triển sản xuất vật liệu xây không nung, gồm các sản phẩm chủ yếu như: Gạch xi măng – cốt liệu, Gạch nhẹ, Gạch bê tông khí chưng áp (AAC), Gạch từ bê tông bọt và các loại gạch khác (gạch đá ong, vật liệu xây không nung từ đất đồi và phế thải xây dựng, phế thải công nghiệp, gạch silicát …) nhằm mục đích thay thế gạch đất sét nung và tăng tỷ lệ sử dụng vật liệu xây không nung trong công trình xây dựng.

Có được kết quả như trên, là sự kết hợp đồng bộ giữa việc ban hành các chính sách khuyến khích sử dụng; Việc xây dựng và ban hành hệ thống tiêu chuẩn TCVN, các chỉ dẫn kỹ thuật, phương pháp thử, quy trình, biện pháp thi công đối với vật liệu xây không nung; đồng thời công bố bổ sung kịp thời vào hệ thống định mức dự toán xây dựng các định mức dự toán công tác thi công xây, trát sử dụng vật liệu xây không nung ngay từ năm 2011 (là giai đoạn đầu của Chương trình). Do đó đã tạo sự đồng bộ trong cơ chế chính sách phát triển vật liệu xây không nung nói chung và trong hệ thống công cụ định giá xây dựng nói riêng cho vật liệu xây không nung, làm cơ sở, căn cứ cho việc xây dựng đơn giá phục vụ công tác lập tổng mức đầu tư, dự toán xây dựng, giá gói thầu, giá hợp đồng, góp phần đưa vật liệu xây không nung được sử dụng rộng rãi trong công trình xây dựng và Chương trình phát triển vật liệu xây không nung đến năm 2020 có được kết quả hiện nay đạt và vượt mục tiêu đề ra như đã nêu trên.

PV: Thưa ông! Tính đến thời điểm này đã có bao nhiêu định mức dự toán xây dựng sử dụng vật liệu xây không nung đã được công bố?

Ông Phạm Văn Khánh: Từ năm 2011 đến nay, Bộ Xây dựng đã công bố gần 400 định mức dự toán cho các công tác thi công xây dựng sử dụng vật liệu xây không nung, trong đó định mức dự toán cho các công tác xây dựng liên quan đến sử dụng các loại gạch không nung (bao gồm các loại gạch bê tông, gạch silicat, gạch bê tông khí chưng áp…) chiếm tỷ trọng lớn (khoảng trên 95%) và còn lại là định mức dự toán cho các công tác xây dựng sử dụng các loại vật liệu không nung khác (như tấm tường rỗng bê tông đúc sẵn, tấm tường thạch cao…)

Cụ thể, Bộ Xây dựng đã công bố 36 định mức dự toán cho công tác xây gạch bê tông, gạch silicat; 160 định mức dự toán cho công tác xây tường gạch bê tông khí chưng áp (AAC) bằng vữa xây bê tông nhẹ; 160 định mức dự toán cho công tác xây tường gạch bê tông khí chưng áp (AAC) bằng vữa xây thông thường; 6 định mức dự toán cho công tác trát tường xây gạch bê tông khí chưng áp (AAC) bằng vữa trát bê tông nhẹ; 3 định mức dự toán cho công làm khe chống nứt và căng lưới thép gia cố tường xây gạch AAC; 16 định mức dự toán cho các công tác lắp dựng tấm tường, tấm sàn, mái, cầu thang V-3D, tấm tường thạch cao.

PV: Hiện nay, có ý kiến cho rằng một số vật liệu xây không nung chưa phát triển được do thiếu các định mức dự toán xây dựng, ông có đánh giá như thế nào về vấn đề này?

Ông Phạm Văn Khánh: Bộ Xây dựng đã kịp thời, chủ động công bố bổ sung định mức dự toán cho các công tác thi công xây dựng sử dụng vật liệu xây không nung vào hệ thống định mức dự toán xây dựng các định mức dự toán công tác thi công xây, trát sử dụng vật liệu xây không nung ngay từ năm 2011 (là giai đoạn đầu của Chương trình). Về cơ bản các định mức dự toán này đã đủ các sản phẩm vật liệu chủ yếu theo danh mục sản phẩm vật liệu xây không nung theo mục tiêu phát triển của Chương trình phát triển vật liệu xây không nung đến năm 2020 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 567/QĐ-TTg ngày 28/4/2010.

Tuy nhiên, đối với công nghệ mới, vật liệu mới thì định mức dự toán luôn phải đi sau 1 bước so với sự có mặt của vật liệu đó trên thị trường, do còn phụ thuộc vào các căn cứ cơ sở về tiêu chuẩn TCVN, chỉ dẫn kỹ thuật, phương pháp thử, qui trình nghiệm thu, biện pháp thi công.

Thời gian qua, trên thị trường, nguồn cung vật liệu cát tự nhiên khan hiếm, nhu cầu vật liệu thay thế cát tự nhiên là cát nhân tạo tăng cao. Để đẩy mạnh việc sản xuất và sử dụng cát nhân tạo từ đá hoặc từ các phế thải xây dựng, phế thải công nghiệp, phế thải khai thác khoáng sản và đưa vật liệu này vào sử dụng rộng rãi trong xây dựng công trình thay thế cho cát tự nhiên cần phải xây dựng, chuẩn xác lại cấp phối vật liệu vữa xây, vữa bê tông, trên cơ sở đó mới hoàn thiện xây dựng bổ sung định mức dự toán làm cơ sở lập và quản lý chi phí đầu tư xây dựng các dự án, công trình xây dựng sử dụng vốn nhà nước.

Hiện nay, theo số liệu theo dõi, năm 2016 một số loại vật liệu xây không nung đã thay đổi, cập nhật về tiêu chuẩn TCVN, cụ thể: Gạch bê tông đã được cập nhật bằng tiêu chuẩn TCVN 6477:2016; tấm tường rỗng bê tông đúc sẵn cập nhật bằng tiêu chuẩn TCVN 11524:2016... Do đó, trong thời gian tới, Bộ Xây dựng sẽ xây dựng và công bố bổ sung định mức dự toán cho các công tác xây dựng sử dụng các loại vật liệu này (dự kiến bổ sung khoảng 150 định mức dự toán), để kịp thời làm cơ sở cho các tổ chức, cá nhân sử dụng trong công tác lập và quản lý chi phí xây dựng công trình.

Tuy nhiên, qua đó Bộ Xây dựng cũng nhìn nhận thấy sự cần thiết trong việc đổi mới, hoàn thiện phương pháp xây dựng định mức dự toán, để tạo được sự linh hoạt, đáp ứng kịp thời với thực tế thay đổi theo nhu cầu của thị trường xây dựng và phù hợp với thông lệ quốc tế.

PV: Theo ông, thời gian tới Bộ Xây dựng cần làm gì để phát triển các loại vật liệu xây không nung?

Ông Phạm Văn Khánh: Để phát triển thị trường VLXD tiết kiệm tài nguyên khoáng sản, tiết kiệm năng lượng, thân thiện với môi trường nói chung và vật liệu xây không nung có rất nhiều yêu cầu, Nghị định 24a/2016/NĐ-CP ngày 04/5/2016 của Chính phủ đã dành hẳn 1 Chương về Chính sách phát triển, đầu tư sản xuất vật liệu xây dựng tiết kiệm tài nguyên khoáng sản, tiết kiệm năng lượng, thân thiện với môi trường, theo đó quy định cụ thể về chính sách chung phát triển loại vật liệu này; quy định các dự án được hưởng chính sách ưu đãi và hỗ trợ đầu tư của nhà nước, các ưu đãi hỗ trợ cụ thể đối với từng loại dự án.

Bộ Xây dựng với chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước về vật liệu xây dựng có trách nhiệm xây dựng chiến lược phát triển VLXD tiết kiệm tài nguyên khoáng sản, tiết kiệm năng lượng, thân thiện với môi trường; hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về vật liệu xây dựng; quy hoạch phát triển vật liệu xây dựng, quy hoạch khoáng sản làm vật liệu xây dựng; kịp thời xây dựng và công bố hệ thống các công cụ quản lý gồm các quy chuẩn, tiêu chuẩn, hệ thống định mức dự toán công tác xây dựng vật liệu xây không nung mới, để tạo điều kiện khuôn khổ pháp lý cho thị trường VLXD tiết kiệm tài nguyên khoáng sản, tiết kiệm năng lượng, thân thiện với môi trường phát triển.

Vụ Kinh tế xây dựng với chức năng nhiệm vụ được lãnh đạo Bộ Xây dựng giao thực hiện việc xây dựng trình Bộ ban hành, hướng dẫn, kiểm tra việc lập và quản lý chi phí đầu tư xây dựng công trình trong đó bao gồm hệ thống định mức dự toán cho các công tác xây dựng sử dụng VLXD tiết kiệm tài nguyên khoáng sản, tiết kiệm năng lượng, thân thiện với môi trường nói chung và vật liệu xây không nung. Đặc biệt trong thời gian tới sẽ triển khai thực hiện Đề án “Hoàn thiện hệ thống định mức kinh tế - kỹ thuật và giá xây dựng” sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, nhằm hoàn thiện hệ thống định mức và giá xây dựng của Việt Nam phù hợp với cơ chế thị trường và hội nhập quốc tế, tạo thị trường xây dựng minh bạch, cạnh tranh lành mạnh, góp phần nâng cao hiệu quả các dự án đầu tư xây dựng nói chung, đặc biệt là đối với dự án đầu tư xây dựng sử dụng vốn nhà nước.

Xin trân trọng cảm ơn ông!

Thành Luân

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load