(Xây dựng) - Công tác bảo tồn di sản trong khoảng 20 năm hình thành và phát triển bộc lộ nhiều hạn chế, chưa xây dựng được Quy chuẩn Quốc gia, Tiêu chuẩn Việt Nam, chưa có hướng dẫn kỹ thuật, quy trình sản xuất, tiêu chuẩn vật liệu phục hồi, kéo theo định mức, đơn giá và các chính sách khác thiếu phù hợp.
Phương pháp, quan điểm bảo tồn đã được hình thành
Công tác bảo tồn, phục hồi, tu bổ di tích (trùng tu di tích) là loại hình xây dựng có tính đặc thù vì đối tượng là một công trình có giá trị lịch sử văn hóa, nghệ thuật kiến trúc, mỗi một cấu kiện của công trình đều chứa đựng nhiều thông tin phản ánh thời đại xây dựng công trình nhưng vật liệu để xây dựng công trình không phải là vĩnh cữu mà chịu tác động bởi thời gian, khí hậu, thời tiết (mưa, bão, nắng), tác động của con người khai thác sử dụng, chiến tranh bom đạn và vi sinh vật… làm cho công trình di tích bị xuống cấp, hư hỏng và bị tiệt thoái. Cho nên, công tác trùng tu cần được thực hiện để mang lại giá trị vốn có của công trình di tích, giá trị về một nền văn hiến lâu đời của ông cha để lại.
Trên thế giới, công tác trùng tu di tích rất được quan tâm với nhiều cách thức thực hiện và quan điểm, triết lý trùng tu khác nhau ở mỗi nước và mỗi thời kỳ. Tuy nhiên, vẫn có những quan điểm và triết lý thống nhất là các Hiến chương quốc tế về bảo tồn và trùng tu như: Hiến chương Athens năm 1931; Hiến chương Venice năm 1964, Công ước bảo vệ Văn hóa và thiên nhiên thế giới năm 1972; Hiến chương Burra (Australia) năm 1999... Chung quy lại, đó là các điểm thống nhất: Trân trọng giá trị, bảo tồn triệt để và trả lại giá trị nguyên gốc cho di tích.
Thực tế ở Việt Nam trong những năm qua, có nhiều tiến bộ trong công tác Bảo tồn, trùng tu di tích. Từ thập kỷ 80 đã có những chuyên gia nước ngoài giúp Việt Nam trùng tu các di tích lịch sử, nổi bật là ông Kazimierz Kwiatkowski (1944 - 1997), còn được biết tới tại Việt Nam với tên gọi thân mật là KTS Kazik - một kiến trúc sư, nhà bảo tồn người Ba Lan. Ông được biết tới qua những nỗ lực bảo tồn các di tích lịch sử và khảo cổ tại Việt Nam như: Hoàng thành Huế, Hội An, Thánh địa Mỹ Sơn. Kiến trúc sư Kazik được coi là người có đóng góp lớn trong việc bảo tồn các di tích lịch sử tại Việt Nam và góp phần đưa các di tích này được ghi danh trong danh sách Di sản thế giới của UNESCO.
Lúc đó, công tác trùng tu di tích chưa có định mức mà làm theo đơn giá thực tế và kinh phí thực hiện chủ yếu là viện trợ của nước ngoài. Các tỉnh có di tích đã thành lập BQL, Trung tâm Bảo tồn di tích... Nhờ đó, đã cứu vãn bước đầu cho hệ thống di tích, danh lam thắng cảnh được UNESCO đánh giá cao và hình thành từng bước phương pháp, quan điểm, triết lý trong bảo tồn.
Trùng tu di tích khác xây dựng cơ bản
Công tác trùng tu di tích rất khác với xây dựng cơ bản từ các bước lập dự án, thiết kế và thi công trùng tu như: Sưu tầm và phân tích tư liệu, hiện trạng, đánh giá cấu kiện và bảo quản giá trị văn hóa (như điêu khắc, chạm gỗ…), phân tích niên đại, đối chiếu các công trình đồng niên, đồng dạng, thiết kế thay thế, đánh giá khả năng chịu tải... Cho nên, mỗi dự án phải thông qua hội đồng khoa học, cũng có thể tổ chức hội thảo khoa học.
Trong quá trình thi công trùng tu, khi phát hiện yếu tố mới cần phải phân tích, đánh giá, thông qua hội đồng khoa học, hội thảo… để thiết kế điều chỉnh. Quá trình trùng tu là quá trình thực hiện bản vẽ thi công (công tác xây dựng cơ bản thì ngược lại). Công tác này thực hiện chủ yếu bằng thủ công, các bước tiến hành một phần dựa vào quy trình đã được ghi chép ở tư liệu lịch sử. Một số công tác có yêu cầu kỹ thuật cao (nghệ nhân mới làm được): Chạm khắc, sơn thếp, nề ngõa… là những công tác không có, hoặc rất ít dùng trong xây dựng cơ bản.
Từ đó, để công tác này được phát triển buộc phải có chính sách riêng. Quốc hội, Chính phủ và các Bộ, ngành trong nhiều văn bản quy phạm pháp luật như: Luật, Nghị định, Thông tư đều có quy định, hướng dẫn riêng cho việc thực hiện công tác này để đáp ứng yêu cầu thực tế. Về cơ bản, công tác trùng tu di tích được vận hành theo Luật Di sản văn hóa và Luật Xây dựng, Luật Đầu tư công và các văn bản hướng dẫn.
Tuy nhiên trong khoảng 20 năm hình thành và phát triển công tác này bộc lộ nhiều hạn chế: Chưa xây dựng được Quy chuẩn Quốc gia, Tiêu chuẩn Việt Nam, chưa có hướng dẫn kỹ thuật, quy trình sản xuất, tiêu chuẩn vật liệu phục hồi... Từ đó kéo theo một số vấn đề khác như định mức, đơn giá và các chính sách khác thiếu phù hợp.
Lê Văn Quảng
Nguyên Phó giám đốc phụ trách Phân viện KHCNXD miền Trung (Bộ Xây dựng)
Theo