Thứ bảy 20/04/2024 06:16 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866

Định hướng phát triển vùng Đồng bằng sông Cửu Long thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, theo hướng nào?

17:23 | 20/11/2020

(Xây dựng) – Sáng 20/11, hội thảo tham vấn về “Định hướng phát triển vùng Đồng bằng sông Cửu Long thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050” do Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức đã diễn ra tại thành phố Cần Thơ. Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương chủ trì hội thảo, cùng với sự tham dự của các bộ, ngành, các tỉnh thành vùng Đồng bằng sông Cửu Long và đại diện Liên danh tư vấn Royal Haskoning DHV và GIZ.

dinh huong phat trien vung dong bang song cuu long thoi ky 2021 2030 tam nhin den nam 2050 theo huong nao
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương phát biểu khai mạc hội thảo.

Theo dự thảo Báo cáo tổng kết thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm (2011 - 2020), xây dựng Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm (2021 - 2030) trình Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, định hướng phát triển vùng Đồng bằng sông Cửu Long được xác định: Tập trung vào sản xuất nông nghiệp hàng hóa, hiện đại, quy mô lớn; nông nghiệp hữu cơ; nông nghiệp hiệu quả cao, tối ưu hóa về giá trị nông nghiệp; phát triển công nghệ về giống; công nghiệp chế biến, bảo quản nông sản, thủy sản; gắn sản xuất với thị trường tiêu thụ và xây dựng thương hiệu sản phẩm. Đẩy nhanh tốc độ đô thị hóa, xây dựng mạng đô thị vùng tạo động lực cho phát triển. Phát triển năng lượng tái tạo, năng lượng sạch. Thúc đẩy chuyển đổi cơ cấu kinh tế, chủ động thích ứng, thực hiện hiệu quả các dự án ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng; giải quyết vấn đề sạt lở bờ sông, bờ biển; xây dựng chiến lược tổng thể bảo vệ và sử dụng bền vững nguồn nước sông Mekong. Tập trung xây dựng phát triển Phú Quốc thành trung tâm dịch vụ, du lịch sinh thái biển mạnh mang tầm quốc tế; kết nối với các trung tâm kinh tế lớn trong khu vực và thế giới.

Quy hoạch vùng Đồng bằng sông Cửu Long thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, định hướng phát triển dài hạn đã được xác định trong Nghị quyết số 120/NQ-CP, là: “Phát triển vùng Đồng bằng sông Cửu Long thành trung tâm kinh tế nông nghiệp bền vững, năng động và hiệu quả của quốc gia, khu vực và thế giới, trên cơ sở phát triển hệ thống các trung tâm đầu mối về nông nghiệp, các hành lang kinh tế và chuỗi đô thị động lực, tập trung các dịch vụ và công nghiệp đa dạng, ứng dụng công nghệ cao với hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, thích ứng với biến đổi khí hậu, tăng cường kết nối nội vùng, trong nước và quốc tế; bảo tồn các tài nguyên, hệ sinh thái quan trọng của vùng; duy trì và tôn tạo bản sắc văn hóa độc đáo, đa dạng của các dân tộc; chất lượng nguồn nhân lực từng bước được nâng cao, đóng góp quan trọng vào sự phát triển thịnh vượng lâu dài của vùng”.

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Đồng bằng sông Cửu Long đã khẳng định được vị thế là trung tâm sản xuất, xuất khẩu lúa gạo, thủy sản và cây ăn quả hàng đầu của cả nước, góp phần đảm bảo an ninh lương thực quốc gia và xuất khẩu các sản phẩm nông nghiệp. Năm 2019, Đồng bằng sông Cửu Long đóng góp 54% sản lượng lúa, 70% sản lượng nuôi trồng thủy sản và 60% lượng trái cây của cả nước, đóng góp 12,08% cho GDP cả nước. Kết quả đó không chỉ có ý nghĩa lớn đối với phát triển của vùng Đồng bằng sông Cửu Long mà còn đối với sự phát triển ổn định của cả nước.

dinh huong phat trien vung dong bang song cuu long thoi ky 2021 2030 tam nhin den nam 2050 theo huong nao
Quang cảnh hội thảo.

Tuy nhiên, Đồng bằng sông Cửu Long đang đối mặt với nhiều thách thức. Biến đổi khí hậu và nước biển dâng diễn ra nhanh hơn dự báo, gây ra nhiều hiện tượng thời tiết cực đoan, ảnh hưởng đến sinh kế và đời sống của người dân, phát triển kinh tế - xã hội của vùng. Việc khai thác tài nguyên nước trên thượng nguồn châu thổ sông Mekong, đặc biệt là xây dựng hệ thống hồ chứa và đập thủy điện đã làm thay đổi dòng chảy, giảm lượng phù sa, suy giảm nguồn lợi thủy sản, xâm nhập mặn vào sâu nội đồng, tác động tiêu cực đến phát triển kinh tế - xã hội của vùng. Các vấn đề như ô nhiễm môi trường, mất cân bằng sinh thái, sụt lún, sạt lở bờ sông, bờ biển và suy giảm mực nước ngầm ngày càng trở nên nghiêm trọng; nhiều diện tích rừng tự nhiên, nhất là rừng ngập mặn, rừng tràm, rừng phòng hộ bị khai thác để chuyển đổi mục đích sử dụng hoặc suy thoái nặng nề.

Phát biểu khai mạc hội thảo, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho biết: “Ngày 17/11/2017, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 120/NQ-CP về phát triển bền vững vùng Đồng bằng sông Cửu Long thích ứng biến đổi khí hậu; theo đó, Chính phủ đã giao cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương và cơ quan liên quan xây dựng quy hoạch tổng thể phát triển bền vững vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030, tầm nhìn đến 2050 thích ứng với biến đổi khí hậu theo phương pháp tích hợp đa ngành mà Luật Quy hoạch quy định.

Đến nay, quy hoạch đã hoàn thành và đang trong giai đoạn lấy ý kiến đóng góp của các bộ, ngành, địa phương và các cơ quan liên quan để hoàn thiện, dự kiến báo cáo trình Hội đồng thẩm định quy hoạch vùng trong tháng 12/2020 và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vào cuối tháng 12/2020.

Trên tinh thần cùng hướng tới mục tiêu vì một vùng Đồng bằng sông Cửu Long phát triển bền vững, thịnh vượng, chủ động thích ứng, phát triển, đảm bảo được cuộc sống ổn định, khá giả của người dân cũng như bảo tồn được những giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức hội thảo “Định hướng phát triển vùng Đồng bằng sông Cửu Long giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050…”.

dinh huong phat trien vung dong bang song cuu long thoi ky 2021 2030 tam nhin den nam 2050 theo huong nao
Cần Thơ - đô thị hạt nhân vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Các đại biểu và các diễn giả cho rằng vùng Đồng bằng sông Cửu Long đang đối mặt với nhiều thách thức của biến đổi khí hậu, thiếu nước cho sản xuất, sạt lở bờ sông, bờ biển, nước mặn xâm nhập ngày sâu hơn… Vì thế để vùng Đồng bằng sông Cửu Long phát triển bền vững trước tiên phải định hướng cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp theo thích ứng biến đối khí hậu; phát triển các lợi thế tiềm năng; phát triển hệ thống đô thị vùng Đồng bằng sông Cửu Long, trong đó thành phố Cần Thơ là đô thị hạt nhân vùng Đồng bằng sông Cửu Long; đầu tư hạ tầng giao thông để kết nối giao thông trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long; sớm xây dựng hệ thống logictics cho vùng Đồng bằng sông Cửu Long và sớm đầu tư xây dựng cảng biển nước sâu Trần Đề (Sóc Trăng); có các giải pháp phòng chống sụt lún đất, xây dựng đê kè chống sạt lở bờ sông, bờ biển…

Huỳnh Biển

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load