(Xây dựng) – Cao độ nền đô thị là cơ sở tránh ngập úng cũng như quyết định hướng thoát nước mặt đô thị. Tuy nhiên, tại Việt Nam hầu như chưa có đô thị nào lập, phê duyệt quy hoạch cao độ nền và thoát nước mặt đô thị.
Ảnh minh họa.
Khắc phục chênh cốt san nền
Theo ông Nguyễn Trúc Anh - Viện trưởng Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội, việc cung cấp thông tin cao độ nền xây dựng và cao độ thoát nước thải TP, do Viện Xây dựng Hà Nội là trọng tâm khớp nối và cung cấp hệ thống thông tin quy hoạch, trong đó đặc biệt là số liệu về hạ tầng kỹ thuật và cao độ nền của tất cả các dự án, riêng đối với công trình nhỏ lẻ, nhà dân, Viện chỉ cung cấp chỉ giới xây dựng.
Được biết, Hà Nội có cao độ nền chuẩn, nhưng có bất cập sau khi Hà Nội được mở rộng. Hà Nội trước đây dùng hệ tọa độ HN72, sau đó chuyển sang hệ tọa độ VN2000. Trong khi đó, tước khi sáp nhập vào Hà Nội, Hà Tây quản lý không có chỉ giới xây dựng, không có một đầu mối cung cấp số liệu kết nối hạ tầng kỹ thuật. Cho nên, trong khi toàn bộ khu vực Hà Nội cũ hoàn toàn có thể khống chế và xác định cao độ nền tương đối chuẩn, khu vực Hà Tây trước đây thì không.
Mặt khác, sau khi được sáp nhập vào Hà Nội và việc ban hành Quyết định số 1259/QĐ-TTg ngày 26/7/2011 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050, địa bàn Hà Tây trước đây sử dụng hệ tọa độ HN72 là chủ yếu, cho nên khi chuyển sang sử dụng hệ tọa độ VN2000, toàn bộ phần hạ tầng khớp nối trước đây không có số liệu, dẫn đến các dự án nhỏ lẻ không thể khớp nối với nhau.
Ông Nguyễn Trúc Anh cũng cho biết, sau Quyết định 1259, Hà Nội đang thực hiện khớp nối tất cả các dự án. Các hiện tượng ngập úng xảy ra trên địa bàn Hoài Đức, Hà Đông… phần lớn do chênh cốt san nền, Hà Nội đang phải chỉnh sửa, còn địa bàn Hà Nội cũ cơ bản không có vấn đề.
Cần quản lý, dẫn chiếu đến từng dự án
Bên cạnh đó, về mặt quy định pháp luật, mặc dù việc quản lý, dẫn chiếu cho đến từng dự án cụ thể theo Nghị định số 37/2010/NĐ-CP ngày 7/4/2010 của Chính phủ chưa được thực hiện. Tuy nhiên, Hà Nội đang xây dựng và triển khai những căn cứ chính để xác định cao độ thoát nước thải, thoát nước mặt và đang làm chung cùng 1 đồ án.
Cụ thể, Hà Nội đang xây dựng quy hoạch phòng chống lũ, quy hoạch hệ thống đê điều các sông Hồng, sông Thái Bình, sông Đáy, quy hoạch tiêu thoát nước hệ thống sông Nhuệ, quy hoạch hệ thống thoát nước và xử lý nước thải khu vực dân cư khu công nghiệp thuộc lưu vực sông Nhuệ, sông Đáy, Quy hoạch thoát nước Thủ đô đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2050, các quy hoạch thủy lợi, quy hoạch xây dựng đô thị được UBND TP hoặc cấp huyện phê duyệt.
Ngoài ra, Hà Nội còn có các dự án giải quyết các vấn đề mang tính cục bộ như: Dự án cải tạo thoát nước khu vực sông Tô Lịch, sông Lừ, sông Sét giai đoạn 1, giai đoạn 2, các dự án cải tạo lưu vực sông Tích, sông Tả Nhuệ; Chỉnh sửa hệ thống thủy lợi khu vực Hà Tây cũ, kết hợp với quy hoạch hệ thống phòng chống lũ và hệ thống đê điều, là một trong những căn cứ pháp lý chính để cung cấp cốt nền, cao độ thoát nước mặt cho các dự án.
Cần có hướng dẫn cụ thể
Theo ông Nguyễn Trúc Anh, Hà Nội đang phải xây dựng theo hướng tích hợp mấy loại quy hoạch, từ quy hoạch thủy lợi, đề điều, chống lũ đến các quy hoạch của ngành xây dựng, kết hợp với hệ thống dữ liệu kết nối thoát nước mặt, thoát nước thải, để cho ra con số hoàn chỉnh của cao độ san nền. Do đó, về mặt pháp lý, cần có sự tham gia của Bộ TN&MT, Bộ NN&PTNT.
Theo các chuyên gia, công tác tổ chức lập và triển khai quy hoạch liên quan đến cao độ nền đô thị tại Việt Nam còn nhiều bất cập bởi sự hạn chế về cơ sở khoa học, tài liệu, chuỗi số liệu, năng lực tư vấn chưa đáp ứng nhất là đối với các đô thị chịu ảnh hưởng biến đổi khí hậu, nước biển dâng... Đối với đô thị loại I, đồ án quy hoạch chuyên ngành hạ tầng kỹ thuật được lập riêng sau khi đồ án quy hoạch chung đô thị phê duyệt, nhưng thực tế các đô thị lớn chỉ lập đồ án quy hoạch thoát nước, quy hoạch chống ngập, mà không lập quy hoạch cao độ nền và thoát nước mặt theo quy định của pháp luật tại Nghị định 37.
Nhận định của các chuyên gia hoàn toàn có cơ sở. Tuy nhiên, cũng phải nói thêm rằng, mặc dù Điều 23, Nghị định 37 của Chính phủ đã quy định về đồ án quy hoạch cao đô nền và thoát nước mặt đô thị, nhưng đến nay sau rất nhiều năm vẫn chưa có hướng dẫn cụ thể, cần sớm sung ban hành hướng dẫn cho địa phương thực hiện.
Thanh Nga
Theo