Thứ sáu 29/03/2024 17:40 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866

Định hướng chương trình giảng dạy, đổi mới giáo trình trong các trường đại học, cao đẳng

17:14 | 18/11/2020

(Xây dựng) - Cùng với sự chung sức của cả hệ thống chính trị, ngành Giáo dục đã triển khai đồng bộ các giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo theo tinh thần Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 4/11/2013 của Ban Chấp hành Trung ương (khóa XI) về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế. Đặc biệt, trong kỷ nguyên số hóa, việc định hướng chương trình giảng dạy, đổi mới giáo trình trong các trường đại học, cao đẳng lại đang trở thành vấn đề cấp thiết đáp ứng yêu cầu của sự phát triển chung.

dinh huong chuong trinh giang day doi moi giao trinh trong cac truong dai hoc cao dang

Nhìn nhận đúng những tồn tại

Những năm qua, công tác giảng dạy tại các trường đại học, cao đẳng đã có sự chuyển biến thay đổi sâu rộng từ môi trường giáo dục, vai trò của người dạy, người học đến phương pháp dạy học. Trong một thời gian dài, những nội dung và chương trình giáo dục ở bậc đại học, cao đẳng khá phù hợp và đã mang lại những thành tựu hết sức quan trọng.

Tuy nhiên, trong bối cảnh đổi mới và hội nhập quốc tế hiện nay, nội dung chương trình giáo dục đại học, cao đẳng ở nước ta đang bộc lộ rất nhiều bất cập và hạn chế như: Nội dung kiến thức đào tạo còn nặng về lý thuyết, nhẹ về thực hành, chưa tạo được sự thống nhất gắn mục tiêu giáo dục với mục tiêu tìm kiếm việc làm đối với người học; chưa tạo được sự liên thông giữa các chuẩn mực giáo dục đại học trong nước và quốc tế; chương trình học còn nặng với thời lượng lớn. Thời gian học nhiều nên người học khó tránh khỏi việc rơi vào trạng thái luôn bị áp lực hoàn thành các chương trình môn học, ít có thời gian để tự học, tự nghiên cứu, hoặc tham gia các hoạt động xã hội khác.

Có thể thấy một thực tế, trong bối cảnh hội nhập quốc tế, chương trình giảng dạy, giáo trình giáo dục đại học, cao đẳng tại Việt Nam vẫn tồn tại nhiều bất cập và kém hiệu quả. Về định hướng, phương pháp giảng dạy, đổi mới giáo trình trong các trường đại học, cao đẳng nhìn chung chưa tiếp cận với các phương pháp và hình thức tổ chức dạy học đại học phổ biến của thế giới.

Được biết, việc áp dụng các phương pháp và hình thức tổ chức dạy học của các trường đại học trên thế giới thường rất linh hoạt, dựa trên tinh thần đề cao vai trò của người học, tạo điều kiện tối đa cho người học có thể tự học, tự nghiên cứu. Tuy nhiên, tại Việt Nam hiện nay, các phương pháp và hình thức tổ chức dạy học còn khá lạc hậu.

Phương pháp dạy và học ở các trường đại học, cao đẳng của Việt Nam chưa hiệu quả, quá phụ thuộc vào các bài thuyết trình và ít sử dụng các kỹ năng học tích cực; quá nhấn mạnh vào ghi nhớ kiến thức theo kiểu thuộc lòng mà không nhấn mạnh vào việc học khái niệm hoặc học ở cấp độ cao (như phân tích và tổng hợp) do đó dẫn đến hậu quả là sinh viên học hời hợt, thụ động; có ít sự tương tác giữa sinh viên và giảng viên trong và ngoài lớp học.

Mặc dù, những năm gần đây, theo chủ trương của Bộ Giáo dục và Đào tạo, nhiều trường đại học, cao đẳng trong cả nước đã bắt đầu áp dụng phương pháp giảng dạy cho sinh viên theo phương thức tín chỉ, nhưng theo đánh giá, ý kiến của nhiều chuyên gia cho rằng: Đào tạo tín chỉ ở Việt Nam hiện chưa thực sự đúng với tinh thần của tín chỉ. Cách dạy, học vẫn còn chưa thoát khỏi tinh thần niên chế. Sự đổi mới về phương pháp giảng dạy trong các trường đại học ở nước ta hiện nay nhiều khi chỉ mang tính hình thức. Điều quan trọng, cốt lõi hơn cả là sự nhận thức rằng giáo dục phải mang tính sáng tạo, tinh thần trách nhiệm thể hiện qua việc cải tiến về phương pháp và chương trình học vẫn chưa được chú trọng.

Các bất cập, yếu kém nêu trên góp phần tác động làm cho giáo dục đại học, cao đẳng ở Việt Nam chịu ảnh hưởng nhiều mặt phát triển: chất lượng nguồn nhân lực sau đào tạo sau đại học, cao đẳng chưa đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn; hạn chế về khả năng nghiên cứu và công bố các kết quả nghiên cứu; làm giảm khả năng cạnh tranh của nền kinh tế trong điều kiện hội nhập quốc tế…

Từ thực tế trên, rất cần phải xây dựng, nghiên cứu, phổ biến định hướng chương trình giảng dạy, đổi mới giáo trình trong các trường đại học, cao đẳng nhằm tạo ra hiệu quả nhằm nâng cao chất lượng giáo dục cho các trường đại học cao đẳng ở nước ta hiện nay.

Đổi mới để bắt kịp xu thế

Đổi mới nền giáo dục ở nước ta, trong đó có giáo dục đại học, cao đẳng luôn được Đảng và Nhà nước quan tâm. Cụ thể, ngày 04/11/2013, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam ra Nghị quyết số 29-NQ/TW về “Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế”, trong đó nêu chín giải pháp đổi mới giáo dục toàn diện.

Trong khi đó, nhiều ý kiến cho rằng, cần đổi mới mạnh mẽ nội dung chương trình và phương pháp dạy học trong các trường đại học, cao đẳng theo hướng hội nhập quốc tế. Nội dung chương trình và giáo trình cần được tổ chức xây dựng và triển khai theo hướng mở tạo thuận lợi cho người dạy, người học linh hoạt nắm bắt vấn đề.

Đặc biệt, trong bối cảnh Việt Nam đang hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng như hiện nay, cùng với sự phát triển nhanh chóng của khoa học và công nghệ, đòi hỏi công tác nghiên cứu, phổ biến định hướng chương trình giảng dạy, đổi mới giáo trình trong các trường đại học, cao đẳng cần phải thực hiện nhanh chóng, quyết liệt.

Một trong những hướng đổi mới mà các trường đại học, cao đẳng hiện nay cần quan tâm đó là phát triển giáo dục theo hướng mở. Giáo dục mở được hiểu là mở rộng khả năng tiếp cận giáo dục cho mọi người so với giáo dục chính quy thông thường qua nhiều phương thức đào tạo, bằng nhiều nguồn tư liệu giáo dục mở, môi trường học tập khác nhau. Qua đó, tri thức, các kỹ năng, các ý tưởng và sự hiểu biết được phổ biến nhanh chóng và hiệu quả nhất.

Đáng quan tâm, trong kỷ nguyên số hóa, giáo dục đại học, cao đẳng đã thay đổi, tác động sâu rộng từ môi trường giáo dục, vai trò của người dạy, người học đến phương pháp dạy học. Do đó, để đổi mới phương pháp giáo trình giảng dạy giáo dục đại học, cao đẳng đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động, cần nâng cao nhận thức, đổi mới tư duy, đổi mới chương trình và phương thức đào tạo; áp dụng công nghệ vào quá trình giảng dạy.

Ngoài ra, mục tiêu và cách thức đào tạo, chuyển từ truyền thụ kiến thức cho số đông sang khai phóng tiềm năng, đồng thời trao quyền sáng tạo cho từng cá nhân. Người dạy sẽ chuyển sang vai trò mới là người thiết kế, xúc tác, cố vấn và tạo môi trường học tập. Với nội dung học tập được số hóa, người học sẽ có một lộ trình học tập riêng, có thể lựa chọn nội dung phù hợp với mục tiêu đào tạo. Hệ thống học tập số hóa cũng cung cấp phản hồi về hiệu quả học tập cùng với gợi ý cho các nội dung học tập tiếp theo.

Phạm vi tương tác trong giáo dục cao đẳng, đại học hiện nay không chỉ diễn ra trong phạm vi nhà trường mà mở rộng ra phạm vi toàn cầu. Người học có thể chủ động nghiên cứu tài liệu cũng như tương tác với giảng viên ở mọi thời điểm bằng máy tính hoặc điện thoại thông minh. Sự phát triển của các hình thức học trực tuyến giúp người học tiết kiệm thời gian, công sức và chi phí giúp người học trải nghiệm và rèn luyện kỹ năng.

Trong khi đó, nội dung giảng dạy phải gắn chặt và phù hợp với yêu cầu thực tiễn của ngành nghề mà người học đang theo đuổi. Về phương pháp, cho phép sử dụng đa dạng các phương pháp dạy học, giảm tải tối đa giờ giảng trên lớp để người học có thời gian tự học và tự nghiên cứu.

Thay vì giảng dạy một chương trình chung, các trường đại học, cao đẳng cần xây dựng nhiều chương trình khác nhau giúp cá nhân hóa việc đào tạo; cần xác định rõ điểm mạnh, điểm yếu của từng người học để đưa ra chương trình đào tạo riêng phù hợp. Đẩy mạnh nghiên cứu, phát triển các ngành học mới (chẳng hạn, ngành trí tuệ nhân tạo, phân tích dữ liệu, ngành hội tụ ICT thông minh), hệ thống giáo trình cũng cần thay đổi, cập nhật liên tục.

Mặt khác, cần thay đổi tư duy dạy và học theo phương pháp mới để người học vừa lĩnh hội được kiến thức, vừa biết vận dụng sáng tạo vào thực tiễn. Kết hợp giữa các phương pháp truyền thống với các phương pháp mới. Đồng thời, vận dụng các phương pháp gắn với công nghệ hiện đại như dạy học trực tuyến E-learning, phương pháp giáo dục tích hợp khoa học…

Thanh Trà

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load