Theo quy định của pháp luật, người đứng đầu hoặc người đại diện pháp luật phải có văn bằng, chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức về phòng cháy, chữa cháy.
Ảnh minh họa |
Theo phản ánh của Công ty CP Viện Quy hoạch đô thị và nông thôn Quảng Nam, Điều 41 Nghị định 79/2014/NĐ-CP quy định, doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh về tư vấn thiết kế, tư vấn thẩm định, tư vấn giám sát, tư vấn kiểm tra, kiểm định kỹ thuật về phòng cháy, chữa cháy (PCCC) phải đáp ứng các điều kiện: "Người đứng đầu doanh nghiệp và người đại diện theo pháp luật của cơ sở phải có văn bằng, chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức về PCCC...".
Qua Hệ thống Tiếp nhận, trả lời kiến nghị của doanh nghiệp, Công ty CP Viện Quy hoạch đô thị và nông thôn Quảng Nam đề nghị giải đáp:
- Văn bằng, chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức về PCCC do cơ quan nào cấp? Điều kiện để cấp văn bằng, chứng chỉ như thế nào? Giấy chứng nhận "Huấn luyện và bồi dưỡng về nghiệp vụ phòng cháy chữa cháy" có thuộc diện được xét đủ điều kiện cho người đứng đầu doanh nghiệp hay không?
- Nếu người đứng đầu doanh nghiệp (Tổng Giám đốc, Chủ tịch Hội đồng quản trị) có văn bản phân công, ủy quyền cho một Phó Tổng Giám đốc phụ trách lĩnh vực thiết kế PCCC, thì việc phân công, ủy quyền này có được xem là hợp pháp để cấp chứng nhận đủ điền kiện cho doanh nghiệp không?
Về vấn đề này, Bộ Công an trả lời như sau:
Điều 47 Nghị định số 79/2014/NĐ-CP ngày 31/7/2014 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Phòng cháy và chữa cháy và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng cháy và chữa cháy, văn bằng về PCCC gồm: Bằng Đại học chuyên ngành về PCCC; Bằng Cao đẳng chuyên ngành về PCCC; Bằng Trung cấp chuyên ngành về PCCC; Chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức về PCCC.
Văn bằng, chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức về PCCC do Hiệu trưởng trường Đại học PCCC cấp. Về thời gian, địa điểm học tập để được cấp văn bằng, chứng chỉ về PCCC, đề nghị Công ty liên hệ với trường Đại học PCCC để được hướng dẫn chi tiết (địa chỉ số 243 Khuất Duy Tiến, Thanh Xuân, Hà Nội; số điện thoại: 0243.553.7511).
Về Giấy chứng nhận huấn luyện nghiệp vụ về PCCC, đối tượng và thời gian huấn luyện, bồi dưỡng nghiệp vụ PCCC để được cấp Giấy chứng nhận huấn luyện nghiệp vụ về PCCC quy định tại Khoản 1, Điều 16 và Điểm a, Khoản 3, Điều 16 Thông tư số 66/2014/TT-BCA ngày 16/12/2014 của Bộ Công an quy định chi tiết thi hành một số điều của Nghị định số 79/2014/NĐ-CP ngày 31/7/2014 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Phòng cháy và chữa cháy và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật phòng cháy và chữa cháy, cụ thể như sau:
- Đối tượng huấn luyện, bồi dưỡng nghiệp vụ về PCCC: người có chức danh chỉ huy chữa cháy quy định tại Khoản 2, Điều 37, Luật Phòng cháy và chữa cháy; cán bộ, đội viên đội dân phòng, đội PCCC cơ sở, đội PCCC chuyên ngành; người làm việc trong môi trường có nguy hiểm về cháy, nổ hoặc thường xuyên tiếp xúc với các chất, hàng nguy hiểm về cháy, nổ; người chỉ huy tàu thủy, tàu hỏa, tàu bay, người làm việc và phục vụ trên phương tiện giao thông cơ giới có từ 30 chỗ ngồi chở lên, trên phương tiện vận chuyển chất, hàng nguy hiểm về cháy, nổ; người làm việc trong các cơ sở sản xuất, kinh doanh phương tiện PCCC; các cá nhân khác có yêu cầu được huấn luyện, bồi dưỡng nghiệp vụ PCCC.
- Thời gian huấn luyện, bồi dưỡng nghiệp vụ PCCC lần đầu: từ 16 giờ đến 24 giờ.
Như vậy, Giấy chứng nhận huấn luyện nghiệp vụ về PCCC không phải là cơ sở để cấp Chứng chỉ hành nghề tư vấn về PCCC; Giấy xác nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ PCCC.
Theo quy định của pháp luật, người đứng đầu hoặc người đại diện pháp luật phải có văn bằng, chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức về PCCC. Trường hợp Công ty CP Viện Quy hoạch đô thị và nông thôn Quảng Nam muốn ủy quyền cho Phó Tổng Giám đốc thì phải bổ sung người này là người đại diện theo pháp luật vào Giấy đăng ký kinh doanh.
Theo Chinhphu.vn